Trí tuệ nhân tạo ngày càng phát triển đã "đe dọa" tới công bằng và liêm chính khoa học. Song, thay vì cấm đoán, các trường học cần hướng dẫn giáo viên, sinh viên biết cách sử dụng chúng.
Khi các hệ thống AI tiên tiến ngày càng trở nên phổ biến, sinh viên sẽ cần học cách sử dụng AI với tư duy phản biện, có đạo đức và phù hợp với mục đích, hoàn cảnh (Ảnh: RMIT).
Khi ChatGPT ra mắt vào cuối năm ngoái, nhiều chuyên gia đã bày tỏ lo ngại khi học sinh, sinh viên sử dụng công cụ trí tuệ nhân tạo (AI) để gian lận trong học tập.
Với thực tế hệ thống AI tiên tiến ngày càng trở nên phổ biến, lãnh đạo các trường đại học trên khắp thế giới phải đưa ra những quyết định để có thể ứng dụng hiệu quả các công nghệ này đồng thời duy trì tính liêm chính trong học thuật.
Thay vì tránh né, cấm đoán, trường đại học đã tìm những giải pháp để thích ứng với sự phát triển của công nghệ.
Theo Dell'Acqua et al (2023), nghiên cứu từ các trường đại học hàng đầu thế giới như Harvard, MIT và Wharton chỉ ra rằng người sử dụng AI thường hoàn thành nhiều công việc hơn 12,2%, nhanh hơn 25,1% với chất lượng cao hơn 40%.
Theo GS Sherman Young, Thừa hành Phó chủ tịch Hội đồng trường RMIT, thay vì cấm sử dụng AI, đơn vị này cam kết đánh giá nghiêm túc và đón nhận những lợi ích giáo dục tiềm năng của công nghệ này.
"AI sẽ là một phần không thể thiếu trong cuộc sống và công việc tương lai của con người. Chúng ta cần dạy sinh viên cách sử dụng AI với tư duy phản biện, có đạo đức và phù hợp với mục đích, hoàn cảnh, giống như cách chúng ta vẫn dạy họ sử dụng các công nghệ khác để làm việc hiệu quả và năng suất hơn như bấy lâu nay", GS Sherman Young chia sẻ.
Để làm được vậy, trường này đã hợp tác với một đơn vị công nghệ nhằm phát triển công cụ AI dành riêng cho nội bộ.
Nhà trường đã khai thác sức mạnh AI bắt đầu từ thiết kế chương trình giảng dạy. Các nhà thiết kế học tập đã sử dụng rộng rãi công cụ AI tạo sinh để thiết kế mạch truyện và phép loại suy nhằm giải thích các khái niệm trong bài giảng, cũng như sáng tạo ra các ví dụ, tình huống và hoạt động cho lớp học.
Ngoài ra, trường thí điểm thành công sự kết hợp AI với game hóa. TS Santiago Velasquez, Phó chủ nhiệm Chương trình Thạc sĩ Quản trị kinh doanh, RMIT Việt Nam, đã sử dụng AI để tạo ra các nhân vật đại diện hư cấu có đầy đủ chi tiết và tính tương tác để sinh viên có thể nhập vai trong những bài tập tư duy thiết kế.
Một số tạp chí học thuật đã cấm hoặc ban hành hướng dẫn về việc sử dụng AI (Ảnh: ShutterStock).
Ông đánh giá rằng tính chân thực cao khi tương tác với AI sẽ cải thiện sự hưởng ứng và kết quả học tập của sinh viên, cho phép họ thực hiện nghiên cứu chất lượng cao hơn so với các hoạt động nhập vai truyền thống.
Song, để đảm bảo tính minh bạch, đơn vị này phải đẩy mạnh công tác khảo thí phù hợp tạo điều kiện ứng dụng AI công bằng.
Họ đã phát triển một khung hướng dẫn thiết kế bài kiểm tra đánh giá gồm các lựa chọn cho phép sử dụng mọi công cụ AI, sử dụng một số công cụ AI hoặc không cho phép sử dụng AI. Cách khảo thí được chuyển đổi theo hướng tập trung vào ứng dụng và xem AI như một cộng tác viên và đồng nghiệp.
Việc phân tích dữ liệu dựa trên AI có thể giúp xác định những đối tượng người học đang gặp khó khăn và kích hoạt biện pháp can thiệp có chủ đích, cung cấp hỗ trợ thêm cho người học.
Tại các trường đại học Việt Nam, một số vụ việc phát hiện sinh viên gian lận bằng AI cũng từng gây xôn xao. Điển hình như hồi tháng 11, một sinh viên Trường Đại học Ngoại ngữ - Tin học TPHCM (Huflit) lên nhóm Huflit Confessions kể chuyện mình sử dụng AI để viết tiểu luận đã bị giảng viên phát hiện ra và trừ 50% điểm.
Chia sẻ tại hội thảo Giáo dục số do Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM tổ chức, ông Phạm Thi Vương, Phó viện trưởng Viện Khoa học Dữ liệu và Trí tuệ Nhân tạo, Trường Đại học Sài Gòn cho hay AI có thể giúp tạo ra bài học và kế hoạch giảng dạy một cách sinh động, hấp dẫn, thậm chí là viết chuẩn đầu ra, tạo ra bài kiểm tra, bài luận, bài thuyết trình.
Ông Phạm Thi Vương, Phó viện trưởng Viện Khoa học Dữ liệu và Trí tuệ Nhân tạo, Trường Đại học Sài Gòn (Ảnh: Huyên Nguyễn).
Theo ông Vương, các giáo viên, trường học nên sử dụng AI trong quá trình giảng dạy, nghiên cứu và học tập để tận dụng sức mạnh của công nghệ này.
"AI có thể giúp giải quyết nhiều công việc khó khăn một cách nhanh chóng, giúp công việc soạn bài của giáo viên nhẹ nhàng đi rất nhiều", ông Vương nói.
Song, ông cũng lưu ý AI có thể truy cập và tổng hợp thông tin từ nhiều nguồn khác nhau nhưng không phải lúc nào thông tin này cũng chính xác. Điều đáng lo ngại là giới trẻ ngày nay quá tin vào AI, cho rằng mọi thông tin từ nguồn này đều đúng đắn.
Ông Vương cho rằng chatGPT vẫn là một công cụ nhưng vì quá mạnh nên phải sử dụng nó.
"Chúng ta không thể từ chối rằng chúng ta phải sử dụng nó. Nhưng khi sử dụng cần sự dè chừng", ông Vương bày tỏ.
Phó viện trưởng Viện Khoa học Dữ liệu và Trí tuệ Nhân tạo nhấn mạnh cần đặt ra quy tắc và giám sát cách AI được sử dụng nhằm đảm bảo rằng AI không bị lạm dụng hoặc sử dụng để gian lận.
Ông Phạm Thi Vương bày tỏ cần có những chương trình để đảm bảo rằng giáo viên và học sinh đủ kiến thức về cách sử dụng AI.
Theo dantri.com.vn