Gỡ nút thắt học phí đại học

Thứ 5, 25.01.2024 | 09:21:30
592 lượt xem

Sau 3 năm thực hiện chủ trương không tăng học phí để chia sẻ với xã hội, từ năm học 2023-2024, Chính phủ đã chính thức cho phép các cơ sở giáo dục đại học được điều chỉnh tăng học phí. Quyết định mới này được nhiều trường đánh giá là phù hợp với thực tiễn, song bài toán chất lượng đào tạo còn nhiều băn khoăn.

Dung hòa lợi ích

 Học phí đang chiếm tới 80% nguồn thu của các trường đại học. Trong khi đó, vì ảnh hưởng dịch bệnh, 3 năm học qua, các trường không được tăng học phí. Điều này đã khiến nhiều trường rơi vào cảnh hoạt động cầm chừng, thậm chí có trường phải vay mượn để có đủ kinh phí trả lương cho giảng viên. Tuy nhiên, với sứ mệnh đào tạo nguồn nhân lực cho đất nước và nghiên cứu khoa học, các cơ sở giáo dục phải “liệu cơm gắp mắm”, cân đối các hoạt động của nhà trường để bảo đảm thực hiện tốt nhiệm vụ.

Bởi vậy, Nghị định số 97/2023/NĐ-CP (Nghị định 97) ngày 31-12-2023 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 81/2021/NĐ-CP (Nghị định 81) ngày 27-8-2021 của Chính phủ quy định về học phí được ban hành đã tháo gỡ nút thắt cho các cơ sở giáo dục, dung hòa quyền lợi của người học và cơ sở đào tạo. Cụ thể, trần học phí (mức cao nhất được thu) ở các đại học công lập chưa tự bảo đảm chi thường xuyên năm học này là 1,2 đến 2,45 triệu đồng/tháng, tùy khối ngành, thay vì mức 1,35 đến 2,76 triệu đồng/tháng như Nghị định 81. Còn mức thu đang áp dụng là 0,98 đến 1,43 triệu đồng/tháng. So với mức thu cũ, trần học phí năm học 2023-2024 ở nhóm ngành nghệ thuật tăng không đáng kể (0,02%), khối ngành y-dược tăng mạnh nhất (71,3%). Trần học phí các khối ngành khác tăng 20-30%. Riêng nhóm khoa học sự sống, khoa học tự nhiên, mức tăng là 15,8%. Đến năm học 2026-2027, mức trần tăng lên 1,7 đến 3,5 triệu đồng/tháng.

 Người học tìm hiểu thông tin ngành học và mức học phí tại Đại học Bách khoa Hà Nội.

Là đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc TP Hà Nội, Trường Đại học Thủ đô Hà Nội được xác định tự chủ một phần kinh phí chi thường xuyên. Nhà trường đang phấn đấu tự chủ 100% chi thường xuyên vào năm 2025. Mức học phí năm học 2023-2024 của trường dự kiến tăng so với năm học trước nhưng mức tăng chưa đến trần học phí được quy định tại Nghị định 81. PGS, TS Nguyễn Văn Tuân, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Thủ đô Hà Nội cho hay, mặc dù phải chịu áp lực từ lộ trình tự chủ tài chính, song Hội đồng trường đã cân nhắc các phương án và quyết định không tăng theo lộ trình quy định tại Nghị định 81, nhằm chia sẻ khó khăn với người học. Đồng thời, năm học 2023-2024, Trường có thêm các chính sách để đồng hành với sinh viên như hỗ trợ học phí, sinh hoạt phí theo Nghị định số 116/2020/NĐ-CP; tặng học bổng chính sách, học bổng tài trợ; trợ cấp khó khăn, học phí học online, tạo điều kiện chỗ ở ký túc xá...

Không chỉ bình ổn học phí, năm 2024, nhiều trường đại học còn gia tăng quỹ học bổng và các chương trình hỗ trợ sinh viên. Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP Hồ Chí Minh dự kiến dành 50 tỷ đồng cấp học bổng và các hoạt động hỗ trợ người học, tăng gần gấp đôi so với những năm trước. Năm học 2023-2024, lần đầu tiên Học viện Nông nghiệp Việt Nam dành 920 suất học bổng tặng học sinh trung học phổ thông thuộc 8 tỉnh miền núi phía Bắc, gồm: Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Sơn La, Tuyên Quang, Yên Bái, Lai Châu và Điện Biên, nhằm hỗ trợ đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho các tỉnh.

Mở rộng nguồn thu

 Theo TS Lê Trường Tùng, Chủ tịch hội đồng Trường Đại học FPT, trong bối cảnh hiện nay, không tăng học phí đồng nghĩa chấp nhận chất lượng giáo dục đại học ở mức thấp so với thế giới. Nâng cao chất lượng giáo dục đại học là chiến lược quan trọng và cần có chi phí đào tạo một kỹ sư, cử nhân đủ lớn. Để bảo đảm chất lượng giáo dục đại học, chi phí này nên từ nhiều nguồn khác nhau, không riêng học phí. Trong khi học phí ở mức thấp, ngân sách nhà nước còn hạn hẹp, thì mô hình tín dụng chưa thực sự phù hợp.

Chính sách hỗ trợ sinh viên vay vốn học tập đang được Chính phủ triển khai. Theo quy định hiện hành, mỗi sinh viên được vay tối đa 4 triệu đồng/tháng (tương đương 40 triệu đồng/năm học 10 tháng). Tuy nhiên, chương trình này chỉ áp dụng đối với sinh viên mồ côi, gia đình thuộc hộ nghèo, cận nghèo; gia đình gặp khó khăn do dịch bệnh, thiên tai, hỏa hoạn...

Có thể thấy, việc các nhà trường phụ thuộc quá nhiều vào học phí thì rủi ro rất lớn, nhất là khi tình hình tuyển sinh và nhu cầu xã hội đã có nhiều thay đổi. Kỳ tuyển sinh vừa qua, 120.000 thí sinh trúng tuyển nhưng không chọn vào đại học đã cho thấy rõ điều đó. Để tồn tại, thay vì chỉ tăng học phí, các trường đại học phải tính đến những giải pháp đa dạng hóa, mở rộng nguồn thu như tăng cường chuyển giao công nghệ, thu hút doanh nghiệp cùng tham gia thương mại hóa các sản phẩm nghiên cứu, hợp tác các hoạt động dịch vụ...


Theo qdnd.vn

https://www.qdnd.vn/giao-duc-khoa-hoc/cac-van-de/go-nut-that-hoc-phi-dai-hoc-762556

  • Từ khóa