Với việc gộp chung chứng chỉ SAT vào cùng nhóm xét tuyển điểm thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy, nhiều sĩ tử tính phương án học SAT cấp tốc.
Cả nhà rối loạn vì trường thay đổi cách xét tuyển
Một tuần nay, gia đình chị Phan Thị Huyền (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) ăn không ngon ngủ không yên vì con gái liên tục thay đổi kế hoạch học tập.
Con chị Huyền đang ôn thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội (HSA) nhưng đòi bỏ để chuyển sang học SAT. Cả nhà đi tìm trung tâm luyện thi SAT cho con nhưng không mua được suất thi tháng 3 tới. Suất thi tháng 5 không còn nhiều và quá gần ngày nộp hồ sơ. Mỗi trung tâm lại đưa ra một hướng tư vấn khác nhau khiến chị Huyền rối loạn, không biết đúng sai thế nào để định hướng cho con.
Trong tình trạng căng thẳng và lo lắng, con chị Huyền quay về học HSA nhưng tâm lý mất ổn định.
"Nghe bạn tìm được chỗ học SAT hay, hoặc mua được đâu đó suất thi tháng 3 qua hình thức chuyển nhượng, cháu lại lung lay, muốn đi học SAT. Thời gian từ nay đến đợt xét tuyển đại học không còn nhiều mà con vẫn mông lung chưa biết đi đường nào", chị Huyền tâm sự.
Cấu trúc bài thi đánh giá tư duy - một trong những kỳ thi được nhiều học sinh lớp 12 lựa chọn để lấy điểm xét tuyển vào các trường đại học (Ảnh: Nhật Hồng).
Mục tiêu của con chị Huyền là Trường Đại học Kinh tế quốc dân. Con chị dự định nộp hồ sơ xét tuyển vào trường bằng điểm thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội (HSA) kết hợp chứng chỉ tiếng Anh IELTS. Tuy nhiên, đề án tuyển sinh của trường thay đổi khiến con chị lo lắng sẽ ít có cơ hội trúng tuyển.
Theo đó, Trường Đại học Kinh tế quốc dân đã công bố đề án tuyển sinh năm 2024 có một số nội dung điều chỉnh so với năm 2023.
Các thí sinh dùng điểm thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Quốc gia TPHCM, điểm thi đánh giá tư duy của Đại học Bách Khoa (TSA), điểm bài thi chuẩn hóa quốc tế SAT/ACT được gộp chung vào một nhóm xét tuyển và lấy điểm từ cao xuống thấp theo điểm quy đổi trên thang 30. Chỉ tiêu xét tuyển chung của nhóm là 50%.
Năm ngoái, thí sinh xét tuyển bằng điểm SAT, điểm ACT được tách nhóm riêng với chỉ tiêu là 3%.
Việc gộp nhóm này dẫn tới lợi thế cho các thí sinh có chứng chỉ SAT so với các thí sinh có điểm HSA/TSA. Bởi khi quy đổi, chứng chỉ SAT 1200 (mức điểm tối thiểu để nộp hồ sơ) là 22,5 điểm, trong khi điểm HSA 85 là 17 và điểm TSA 60 là 18.
Bảng quy đổi điểm các chứng chỉ trên thang 30 theo công thức quy đổi của Trường Đại học Kinh tế quốc dân (Bảng biểu: Hoàng Hồng).
Mức chênh lên đến 4,5-5,5 điểm này khiến các thí sinh xét tuyển bằng HSA và TSA khó có thể cạnh tranh được với thí sinh có SAT. Thậm chí nếu dùng HSA/TSA + IELTS, thí sinh cũng không rút ngắn được nhiều khoảng cách.
Chị Trần Thu Thanh (Đống Đa, Hà Nội) đưa ra dẫn chứng: "Con tôi có chứng chỉ IELTS 7.5, được quy đổi sang 10 điểm. Nếu kỳ thi HSA tới cháu được 110 điểm - mức điểm rất ít thí sinh đạt được, cháu sẽ có số điểm quy đổi như sau: 10 + (110x30/150)x2/3 = 24.66. Mức điểm này chỉ tương đương với điểm SAT 1320 khi quy đổi".
Trên một diễn đàn của các sĩ tử sinh năm 2006, nhiều thành viên hoang mang với cách xét tuyển mới của Trường Đại học Kinh tế quốc dân. Các học sinh bối rối và lo lắng vì không biết có nên đổi hướng ôn thi từ HSA/TSA sang SAT ở chặng nước rút hay không.
Đại diện một trung tâm luyện thi SAT tại Hà Nội cho biết, đơn vị này nhận số lượt đề nghị tư vấn tăng đột biến trong tuần qua. Phần lớn các câu hỏi xoay quanh lộ trình học SAT cấp tốc trong 3-4 tháng để đạt mức điểm 1300-1400.
"Một số phụ huynh có con sinh năm 2007, 2008 cũng đăng ký học SAT với mục tiêu là Trường Đại học Kinh tế quốc dân. Thời gian trước, phần lớn học viên tìm tới trung tâm để đi du học hoặc ứng tuyển Đại học Bách Khoa Hà Nội", người này cung cấp thông tin.
Học sinh nên kiên định với mục tiêu ở chặng nước rút
Ông N.V.T. - một giáo viên luyện thi SAT - đưa ra lời khuyên với các sĩ tử: "Bất kỳ sự thay đổi nào vào thời điểm này cũng là rủi ro nếu không được cân nhắc kỹ càng. Các em đang ôn thi thuận lợi theo phương án nào nên kiên định với phương án đó".
Theo ông T., điểm SAT 1200 tuy không quá khó như HSA 110 hay TSA 75 nhưng cũng không dễ để đạt được nếu học sinh không có nền tảng tiếng Anh tốt.
Bên cạnh đó, thí sinh có điểm HSA và TSA được chọn thêm phương án kết hợp chứng chỉ IELTS. Điểm IELTS từ 5.5 được quy đổi sang điểm 8, từ 6.5 được quy đổi sang điểm 9, từ 7.5 được quy đổi sang điểm 10, tức thí sinh có thêm một số điểm đáng kể cộng vào điểm HSA/TSA.
"Trường nào cũng muốn tuyển được những học sinh giỏi nhất. Các hình thức xét tuyển đã được tính toán rất kỹ để đảm bảo không "lọt" học sinh có năng lực. Vì thế các em hãy yên tâm là học tốt đánh giá năng lực hoặc đánh giá tư duy đều có cơ hội ngang với SAT", ông T. nêu quan điểm.
Từng đạt 1560/1600 điểm SAT, lọt top 1% thế giới, Nguyễn Mai Chi - sinh viên năm thứ 3 Trường Đại học Ngoại thương - nhận định: "Việc chuyển sang học SAT giai đoạn nước rút có 3 yếu tố rủi ro chính.
Một là, nếu các em không kiên trì để học SAT thì khó thành công. Hai là, có trường hợp một số trung tâm khảo thí SAT hủy thi vào phút chót, tuy hiếm gặp nhưng không phải không có. Ba là, điểm SAT bị hoãn trả nhiều tuần tới nhiều tháng thay vì thông lệ là 2 tuần, dẫn tới các em không có điểm để nộp hồ sơ vào đại học".
Mai Chi cũng tư vấn, nếu đầu vào SAT là 1100 trở lên thì mục tiêu 1300-1400 trong thời gian 4-5 tháng ôn luyện là khả thi. Tuy nhiên, sĩ tử cần có sự tập trung và quyết tâm cao độ.
Theo dantri.com.vn