Lê Nghĩa Hiệp (Phú Xuyên, Hà Nội) dùng 2 triệu đồng để đăng ký một khóa học trên mạng kéo dài cả năm. Nam sinh sau đó đỗ vào khoa kỹ thuật máy tính Đại học Bách Khoa Hà Nội.
Lê Nghĩa Hiệp mồ côi bố năm 2011, khi em mới 6 tuổi. Một mình mẹ Hiệp tần tảo sớm hôm nuôi hai con ăn học.
12 năm qua, mẹ em làm đủ thứ nghề, từ đánh giấy ráp, phun sơn thuê cho các cửa hàng đồ gỗ đến đan lưới đánh cá. Phải tiếp xúc nhiều hóa chất, sức khỏe của mẹ Hiệp ngày càng xuống dốc, thu nhập cũng vì thế mà ảnh hưởng.
Thương mẹ, Hiệp luôn cố gắng học tập. 12 năm liền Hiệp đều là học sinh giỏi. Không có tiền đi học thêm nhiều, em tự học tại nhà, miệt mài giải đi giải lại những xấp đề cho đến khi nhuần nhuyễn.
Lớp 12, Hiệp được mẹ cho 2 triệu đồng để đăng ký một khóa ôn thi đại học trên mạng kéo dài 1 năm. Em vừa học ở trường vừa học online và luôn dẫn đầu trong các kỳ thi thử do trường tổ chức.
Tại kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023, chàng trai này đạt 28,7 điểm khối A00 (toán, vật lý, hóa học), tiếp tục là thủ khoa của Trường THPT Phú Xuyên A, lọt tốp 3 điểm cao nhất của thành phố Hà Nội và tốp 59 toàn quốc.
Bên cạnh đó, Hiệp còn tham gia kỳ thi đánh giá tư duy và đạt 77 điểm, lọt top 6% điểm cao nhất toàn quốc. Với thành tích này, em đã trúng tuyển vào khoa Kỹ thuật máy tính - một trong hai khoa "đắt giá" nhất của Đại học Bách Khoa Hà Nội.
Khăn gói từ huyện Phú Xuyên lên Hà Nội học đại học, nam sinh mang theo 300.000 đồng mẹ cho để chi tiêu cho cả tuần. Cứ cuối tuần, Hiệp lại bắt xe buýt về nhà thăm mẹ và dạy gia sư gần nhà. Số tiền gia sư đủ để em trang trải các chi phí sinh hoạt khác.
Điều Hiệp lo lắng là sức khỏe mẹ đang kém dần, tiền làm thuê ngày một ít đi, chỉ còn trên dưới 7 triệu đồng/tháng, trong khi đó, học phí của Hiệp hiện tại đã là 14 triệu đồng/kỳ và dự kiến sẽ tăng vào năm học tới. Tuy nhiên, em không dám đi dạy nhiều dù có thêm một số lời đề nghị.
Em cần dồn sức cho việc học với mục tiêu giành điểm GPA tuyệt đối để có học bổng dành cho sinh viên xuất sắc của trường.
Dù đang học ngành kỹ thuật máy tính, hiện Hiệp vẫn chưa có máy tính. Em học bằng cách dùng điện thoại chụp lại các slide bài giảng của thầy cô trên lớp, sau đó về nhà ôn thật kỹ lý thuyết và lên thư viện của trường để thực hành trên máy tính. Lúc thuận tiện, Hiệp mượn máy tính của bạn.
Việc không có máy tính để học tuy khó khăn nhưng Hiệp vẫn đang cố gắng xoay sở, khắc phục khi chưa học sâu vào chuyên ngành.
Lớn lên trong điều kiện thua thiệt so với bạn bè, thiếu thốn cả tiền bạc lẫn tình yêu thương của bố, Hiệp vẫn mạnh mẽ và tự tin. Em nói tất cả là nhờ người mẹ luôn dành những gì tốt nhất cho các con. Nghị lực và sự lạc quan của mẹ trở thành tấm gương cho Hiệp noi theo.
Khi còn học phổ thông, Hiệp luôn được thầy cô, bạn bè tin cậy giao cho vai trò lớp trưởng. Vào Đại học Bách Khoa Hà Nội, giữa rất nhiều sinh viên xuất sắc, Hiệp tiếp tục được bầu chọn làm thủ lĩnh nhóm trong Hội sinh viên trường. Trở thành một nhà lãnh đạo, một người dẫn dắt của tập thể cũng là ước mơ và mục tiêu nghề nghiệp trong tương lai của Hiệp.
Hiệp còn một ước mơ khác, là có một thu nhập tốt để lo cho mẹ, cho chị và giúp đỡ những học sinh, sinh viên hoàn cảnh nghèo khó giống mình có được cơ hội theo đuổi con đường học tập, tri thức.
Theo dantri.com.vn