Sau mỗi dịp Tết, trẻ có một khoản thu nhập đột xuất từ tiền mừng tuổi. Có trẻ "thu hoạch" được vài triệu, tới cả chục triệu đồng sau Tết. Làm thế nào để quản lý tiền mừng tuổi của con cho đúng?
Dưới đây là một số cách thức sử dụng tiền lì xì mà Tiến sĩ tâm lý Vũ Thu Hương (nguyên giảng viên Khoa Giáo dục tiểu học, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội) đưa ra để độc giả tham khảo. Theo chuyên gia này, đây là một số "tuyệt chiêu" chị từng áp dụng với con gái.
Bố mẹ nên kiên trì thuyết phục con xử lí tiền lì xì hiệu quả (Ảnh: Thùy Linh).
Đổi quà
Khi con gái mới ở cấp tiểu học, tôi đề xuất con đổi tiền lì xì lấy quà với lý do, con còn nhỏ nên cầm nhiều tiền nhiều quá không ổn. Vì thế, dưới 100 nghìn đồng con được cầm, trên 100 nghìn đồng, con sẽ đổi cho mẹ theo tỷ lệ 1/10. Mẹ sẽ sử dụng số còn lại để mua đồ dùng học tập cho con.
Sử dụng tiền cho việc sinh nhật tháng và các ngày lễ
Mặc dù được đổi, số tiền lì xì vẫn còn quá nhiều, tôi áp dụng chiêu 2, sử dụng tiền cho việc sinh nhật tháng và các ngày lễ.
Tôi chia số tiền theo tháng. Theo đó, con gái phải tính toán để mua quà cho sinh nhật người nhà và bạn bè trong các tháng.
Nhiều bố mẹ "đau đầu" vì không biết cách quản lý tiền mừng tuổi của con cho đúng (Ảnh: Thùy Linh).
Dùng tiền lì xì để ăn sáng
Sau một vài năm quy đổi lì xì, con gái tôi không còn hào hứng nữa. Tôi chuyển sang cách thức, cho con giữ tiền lì xì nhưng mẹ sẽ không lo ăn sáng cho con nữa. Thay vào đó, con sẽ phân chia tiền lì xì vào các bữa sáng trong năm.
Tôi và con chia số tiền ra làm 12 phần, tương đương với 12 tháng. Nếu số này quá ít, không đủ tiền ăn sáng, mẹ sẽ bù. Nếu nhiều hơn, con sẽ sử dụng để mua đồ dùng học tập và quà sinh nhật.
Mỗi tháng, tôi đưa lại cho con gái 1/12 số tiền như quy định, con cứ thế xử lý mọi chi tiêu trong tháng.
Điều thú vị, sau khi chia tiền ăn sáng, tủ đồ khô của tôi ngót đi nhanh chóng vì cô nàng tận dụng toàn bộ đồ có thể nấu ăn sáng ở nhà nhằm…, tiết kiệm tiền.
Khi con còn tiểu học, tôi đề xuất đổi tiền lì xì lấy quà theo tỉ lệ nhất định (Ảnh: Thùy Linh).
Sử dụng tiền lì xì cho chi tiêu lớn
Khi con gái lớn hơn, nàng đã quá thành thạo với việc ăn sáng tại nhà bằng cách dậy sớm nấu nướng, tôi đổi phương án: Lì xì sẽ sử dụng trong những chi tiêu lớn của con gái.
Lúc này cha mẹ cần cùng con hoạch định kế hoạch chi tiêu. Tất cả những thứ con muốn một cách bản năng sẽ được tiết chế lại và tiền lì xì khi đó cần được sử dụng cho những thứ thiết yếu phục vụ công việc học tập của con.
Thí dụ, chuẩn bị năm học mới, tôi sẽ đưa cho nàng một phần tiền lì xì với yêu cầu: Lập kế hoạch mua đồ dùng học tập, đồng phục, cặp sách...
Khi có kế hoạch cụ thể và hợp lý, tôi sẽ cho con đi mua đồ và con đã rất đau đầu với "nghiệp vụ kế toán" đầu đời vì lí do số tiền mẹ đưa cho ít hơn nhu cầu một chút.
Sau vài lần vào năm học mới như vậy, con gái đã biết giữ gìn phần thưởng cuối năm, giữ gìn bút và đồ dùng học tập hơn.
Chuẩn bị đồ sinh nhật: Sau khi thấy con có xu hướng giữ phần thưởng để đỡ tiêu tốn tiền lì xì, tôi hướng con chuẩn bị đồ sinh nhật. "Con sẽ phải lo mua toàn bộ đồ dùng trang trí, bánh kẹo, bánh kem, hoa quả,... để chuẩn bị sinh nhật cho chính mình", tôi nói.
Sau vài năm như vậy, nàng biết cách làm sao chi tiêu tiết kiệm để đủ tiền làm sinh nhật cho mẹ.
Mua quần áo cho mùa mới. Con gái tôi lớn rõ nhanh. Khi đổi mùa, tôi lại vất vả lo quần áo cho nàng. Khi có tiền lì xì, việc này nhẹ gánh hẳn.
Để thuyết phục trẻ thực hiện những điều trên, cha mẹ thường gặp khó khăn ban đầu vì trẻ sẽ khó chịu. Nhưng cha mẹ kiên nhẫn, trẻ sẽ dần hiểu ra và hợp tác.
Theo dantri.com.vn