Trầm cảm ở học sinh ngày càng diễn biến phức tạp, tỷ lệ quan hệ tình dục của thanh thiếu niên trước 14 tuổi tăng… là những vấn đề cần chú trọng trong công tác tham vấn tâm lý cho thanh thiếu niên.
Nhiều vấn đề nổi cộm về tâm lý giới trẻ
Thạc sĩ, bác sĩ Phạm Văn Giào, Viện trưởng Viện Ứng dụng khoa học tâm lý - giáo dục, nhấn mạnh như vậy tại chương trình buổi tập huấn "Nâng cao năng lực hoạt động tham vấn tâm lý trong nhà trường" diễn ra tại TPHCM ngày 3/8.
Chương trình do Viện Ứng dụng khoa học tâm lý - giáo dục phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TPHCM tổ chức.
Bác sĩ Giào cho biết, theo Bộ Y tế, Việt Nam có khoảng 14 triệu người rối loạn tâm thần. Năm 2023, ước tính có khoảng 3,2 triệu người Việt Nam mắc bệnh trầm cảm. Ở lứa tuổi vị thành niên, con số này 5-8%.
Thạc sĩ, bác sĩ Phạm Văn Giào, Viện trưởng Viện Ứng dụng khoa học tâm lý - giáo dục (thứ 3 từ trái qua) trao đổi với các thầy cô giáo tham gia tập huấn (Ảnh: Huyên Nguyễn).
Một khảo sát khác tại Bệnh viện Nhi đồng TPHCM cho biết có tới 8-20% trẻ em và vị thành niên Việt Nam gặp các vấn đề sức khỏe tâm thần chung.
Những con số này thể hiện một phần nguyên nhân dẫn đến sự tự ti, khó hòa nhập với xã hội, bạo lực học đường, bạo lực mạng, hiệu suất học tập kém, hạ thấp giá trị của bản thân... Điều này hình thành những hành vi lệch lạc và ở mức độ trầm trọng hơn có thể khiến trẻ có xu hướng nghĩ về cái chết, tự tử.
Trong bài phát biểu của mình, thạc sĩ, bác sĩ Phạm Văn Giào đề cập tới "cơn bão trầm cảm" đang trở thành một vấn nạn rất nan giải trong nhà trường, xã hội hiện nay.
Hiện tượng trầm cảm của học sinh ngày càng diễn biến phức tạp, thậm chí, có những em vì vượt quá sức chịu đựng của bản thân đã dẫn tới nhiều hệ lụy đáng tiếc khác.
Cùng với đó, tình trạng bạo lực học đường đang trở nên khá phổ biến ở hầu hết các quốc gia trên thế giới, bao gồm cả Việt Nam. Những hậu quả từ bạo lực học đường đã và đang ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý và sức khỏe của học sinh, sinh viên.
Giáo viên, giảng viên đến từ các trường phổ thông, cao đẳng, đại học tham gia chương trình (Ảnh: Huyên Nguyễn).
Một vấn đề nghiêm trọng khác là việc giới trẻ sống thử, quan hệ tình dục không an toàn, có thai ngoài ý muốn, phá thai.
Đáng chú ý, bác sĩ Giào nêu, trong năm học 2022-2023, theo kết quả điều tra của Bộ GD&ĐT phối hợp với Tổ chức Y tế Thế giới, tỷ lệ quan hệ tình dục của thanh thiếu niên trước 14 tuổi tăng gấp 2 lần trong vòng 6 năm.
Tháng 6/2022, Hội Kế hoạch hóa Gia đình Việt Nam công bố trung bình mỗi năm cả nước có gần 300.000 ca nạo phá thai, chủ yếu ở độ tuổi 15-19; trong đó có 70% là học sinh, sinh viên.
"Phần lớn những ca phá thai đều rơi vào đối tượng vị thành niên, chưa có gia đình, chưa kết hôn. Điều đó đồng nghĩa với việc khi có thai, phần lớn các bạn trẻ nghĩ tới "giải quyết nhanh gọn", "thủ tiêu hậu quả". Đây là tình trạng đáng báo động", ông Phạm Văn Giào chia sẻ.
Các giáo viên đặt câu hỏi cho diễn giả (Ảnh: Huyên Nguyễn).
Viện trưởng Viện Ứng dụng khoa học tâm lý - giáo dục khẳng định từ việc học sinh gặp trầm cảm, căng thẳng và nhiều vấn đề tâm lý nêu trên, có thể thấy được tầm quan trọng của tham vấn tâm lý học đường cần phải được quan tâm và đẩy mạnh nhiều hơn.
Nhà trường và các bậc phụ huynh cần dành nhiều thời gian quan tâm, đầu tư khi con trẻ còn đang ngồi trên ghế nhà trường, đặc biệt là các em ở lứa tuổi dậy thì.
Thiếu nhân lực dẫn đến nhiều nhà tâm lý "tự xưng"
Ở góc nhìn giải pháp, mỗi trường học có khoảng 1.000-3.000 học sinh nhưng nguồn lực và nhân sự chuyên trách tham vấn học đường vẫn gặp nhiều khó khăn.
Từ cuối năm 2017, công tác tham vấn đã được đề cập và tổ chức tại hầu hết các trường nhưng không ít phòng tư vấn tâm lý học đường chỉ được lập với hình thức "trưng bày".
Nguyên nhân bởi các cấp lãnh đạo, giáo viên, phụ huynh, học sinh chưa nhận thức đúng tầm quan trọng của tham vấn học đường. Giáo viên kiêm nhiệm vị trí tư vấn tâm lý phải hoàn thành công tác giảng dạy nên không hỗ trợ kịp thời và hiệu quả.
PGS.TS Trần Thành Nam, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục, Phó chủ tịch Hội Khoa học tâm lý - giáo dục Việt Nam, chia sẻ tại chương trình (Ảnh: Huyên Nguyễn).
Trên cả nước, hiện cũng chỉ có 143 nhà tâm lý lâm sàng, tâm lý trị liệu đủ trình độ chuyên môn và chức năng để trực tiếp hỗ trợ cho người gặp phải các khó khăn về sức khỏe tâm thần.
Đây cũng là cơ hội cho rất nhiều nhà tâm lý "tự xưng", "coaching", những xu hướng "chữa lành" không rõ nguồn gốc xuất hiện tràn lan hằng ngày. Vì thế, việc cần một lực lượng có thể hiểu đúng, làm đúng thật sự là một giải pháp cấp bách.
Chương trình tập huấn "Nâng cao năng lực hoạt động tham vấn tâm lý trong nhà trường" có phần trình bày chuyên đề của nhiều chuyên gia tâm lý: PGS.TS Trần Thành Nam, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội, PGS.TS Trần Thị Lệ Thu, Phó chủ tịch Hội Khoa học tâm lý - giáo dục Việt Nam, TS Tô Nhi A.
Theo dantri.com.vn