Hội nghị Giáo dục Đại học năm 2024: Tháo gỡ các điểm nghẽn đại học

Thứ 7, 10.08.2024 | 14:38:04
480 lượt xem

Ngày 9-8, tại Hà Nội, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức Hội nghị Giáo dục Đại học năm 2024, với sự tham gia của lãnh đạo các cơ sở giáo dục đại học, trường cao đẳng sư phạm; lãnh đạo một số đơn vị thuộc Bộ. Hội nghị nhằm đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ trong năm học 2023-2024 đối với giáo dục đại học và cao đẳng sư phạm; trên cơ sở đó, thống nhất đề xuất nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm cho năm học 2024-2025.

Tự chủ đại học đi vào thực chất

Năm học 2023-2024, các cơ sở đào tạo đã từng bước đổi mới tư duy, nhận thức, nâng cao năng lực quản trị đại học, tháo gỡ các điểm nghẽn, khai thông các nguồn lực, đẩy mạnh triển khai tự chủ đại học đi vào chiều sâu và thực chất, gắn với mục tiêu nâng cao chất lượng, tối ưu hóa hiệu quả hoạt động của các cơ sở đào tạo, tăng cường hiệu lực quản lý Nhà nước đối với giáo dục đại học.

Hội nghị Giáo dục Đại học năm 2024: Tháo gỡ các điểm nghẽn đại học
Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức Hội nghị Giáo dục Đại học năm 2024. 

Phát biểu khai mạc hội nghị, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn nhấn mạnh quá trình thực hiện tự chủ đại học đã tiến sâu và đi vào thực chất hơn, với mục tiêu cốt lõi là nâng cao chất lượng giáo dục và tối ưu hóa hiệu quả hoạt động của các cơ sở đào tạo. Tuy nhiên, vẫn còn những thách thức, như việc thực hiện tự chủ tại một số cơ sở còn chậm chạp và thiếu sự nhất quán, đặc biệt là trong việc thành lập và kiện toàn hội đồng trường, cũng như quan hệ phối hợp giữa hội đồng trường và ban giám hiệu.

Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn cũng chỉ ra rằng việc triển khai một số văn bản quy phạm pháp luật còn lúng túng, điển hình là Nghị định số 116/2020/NĐ-CP về chính sách hỗ trợ cho sinh viên sư phạm, khiến nhiều địa phương vẫn chưa nhận thức đúng quyền và trách nhiệm của mình.

Nêu lên một số nguyên nhân dẫn đến những khó khăn hiện tại, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học Nguyễn Thu Thủy cho rằng hệ thống văn bản pháp luật vẫn chưa theo kịp tốc độ phát triển của các đơn vị thực hiện tự chủ, dẫn đến khó khăn trong quá trình triển khai. Ngoài ra, ngân sách chi thường xuyên bị cắt giảm, trong khi mức thu học phí chưa đủ để bù đắp chi phí đào tạo, gây áp lực lớn lên các cơ sở giáo dục.

Dù còn nhiều thách thức, ngành giáo dục đại học Việt Nam vẫn ghi nhận sự gia tăng về số lượng và chất lượng giảng viên, cũng như sự cải thiện đáng kể trong việc kiểm định chất lượng các chương trình đào tạo. Đặc biệt, các cơ sở giáo dục đã nỗ lực để duy trì chất lượng đào tạo trong điều kiện khó khăn, đồng thời nâng cao vị thế của mình trong các bảng xếp hạng quốc tế.

Phát triển đội ngũ giảng viên và hợp tác quốc tế

Nhằm chuẩn bị cho năm học 2024-2025, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn đề nghị các đơn vị liên quan tiếp tục hoàn thiện các văn bản hướng dẫn và đảm bảo việc triển khai nhiệm vụ được thực hiện hiệu quả. Đồng chí Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đặc biệt nhấn mạnh đến việc chuẩn bị nhân sự, quy hoạch và đào tạo đội ngũ lãnh đạo chủ chốt cho các trường đại học, bởi theo ông, chất lượng và hiệu quả hoạt động của một trường phụ thuộc rất nhiều vào sự ổn định của tổ chức bộ máy.

Hội nghị Giáo dục Đại học năm 2024: Tháo gỡ các điểm nghẽn đại học
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn phát biểu tại hội nghị. 

Phát triển đội ngũ giảng viên cũng là một nhiệm vụ trọng tâm, đặc biệt trong bối cảnh mở rộng quy mô và nâng cao chất lượng đào tạo. Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn yêu cầu các đơn vị liên quan tiếp tục rà soát, đánh giá và đề xuất các điều chỉnh để hỗ trợ tối đa cho các trường đại học trong việc đào tạo giảng viên có trình độ tiến sĩ. Các trường đại học tạo điều kiện tốt nhất cho giảng viên, đặc biệt là trong hợp tác quốc tế. Các trường cần thiết lập các mối quan hệ hợp tác chiến lược với các cơ sở giáo dục nước ngoài để tạo điều kiện thuận lợi cho giảng viên trong việc học tập và phát triển.

Kết thúc hội nghị, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh rằng, chất lượng đào tạo là yếu tố then chốt trong mọi hoạt động. Bộ trưởng lưu ý việc tăng cường tự chủ và đổi mới cũng phải xuất phát từ mục tiêu nâng cao chất lượng.

Cuối cùng, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh tầm quan trọng của việc quy hoạch mạng lưới các trường đại học, các cơ sở đào tạo cần đón nhận sự thay đổi với tinh thần đổi mới và trách nhiệm cao. Điều này sẽ giúp ngành giáo dục vượt qua những thách thức và đạt được những mục tiêu chất lượng đã đề ra.


Theo qdnd.vn

https://www.qdnd.vn/giao-duc-khoa-hoc/cac-van-de/hoi-nghi-giao-duc-dai-hoc-nam-2024-thao-go-cac-diem-nghen-dai-hoc-788863

  • Từ khóa