Sức mạnh ý chí có thể đạt được thông qua thời gian và sự rèn luyện. Dưới đây là 4 điều cha mẹ cần lưu tâm để giúp con có ý chí mạnh mẽ trong hành trình trưởng thành.
Cha mẹ luôn mong con cái sẽ có đủ năng lực đương đầu thử thách, mong con có sức bật để vượt qua khó khăn, thậm chí là thất bại của bản thân. Điều này đòi hỏi cha mẹ phải sớm giúp con rèn luyện sức mạnh tinh thần từ khi còn nhỏ.
Những người có sức mạnh tinh thần bền bỉ thường có những nét tính cách giúp họ dễ tìm được niềm vui và đạt được thành công trong cuộc sống. Người có ý chí mạnh mẽ cũng thường tự tin, kiên nhẫn, bền bỉ và có sức bật. Để giúp con rèn luyện ý chí mạnh mẽ, cha mẹ cần chú ý 4 điều sau:
Dạy con tin vào bản thân
Theo chuyên gia tâm lý người Mỹ Amy Morin, sự tự tin và năng lực tự thúc đẩy bản thân là những bước đầu tiên giúp hình thành nên ý chí mạnh mẽ. Ngay từ nhỏ, trẻ không nên để suy nghĩ và cảm xúc của bản thân phụ thuộc quá nhiều vào người khác.
Sức mạnh tinh thần có thể đạt được thông qua thời gian và sự rèn luyện (Ảnh: iStock).
Cha mẹ nên giúp trẻ có cách suy nghĩ, cảm nhận và hành xử độc lập, không chạy theo tâm lý đám đông, không quá phụ thuộc vào bạn bè xung quanh mình.
Những câu từ cha mẹ sử dụng để giúp trẻ trở nên tự tin hơn nên là những câu từ ngắn gọn, dễ nhớ, dễ hiểu, chẳng hạn: "Con hãy làm hết khả năng của mình", "con hãy tự tin", "con rất khá", "hôm nay, con hãy cười nhiều và có một ngày vui vẻ"...
Dạy con nỗ lực bền bỉ
Thất bại trong một hoạt động nào đó sẽ khiến trẻ cảm thấy buồn bã, thất vọng, xuống tinh thần. Dù vậy, cha mẹ cần giúp trẻ biết trân trọng cả những trải nghiệm khó khăn, bởi qua đó, trẻ đã được rèn luyện, bất kết quả ra sao.
Chẳng hạn, việc tham gia biểu diễn văn nghệ trước đông người khiến trẻ rất hồi hộp, kết quả chung cuộc không như kỳ vọng, nhưng trải nghiệm đó chắc chắn có giá trị đối với sự trưởng thành của trẻ.
Hãy trân trọng sự nỗ lực của trẻ, cổ vũ trẻ vượt qua sự lo lắng, nỗi sợ hãi của bản thân để thực hiện những thử thách khó. Chuyên gia tâm lý người Mỹ Mary C. Murphy khuyên cha mẹ hãy giúp trẻ nhìn nhận lại trải nghiệm đã có. Dù trẻ không thành công trong trải nghiệm ấy, trẻ vẫn cần nhìn lại điều mình đã học được và cách ứng dụng bài học này trong tương lai.
Cha mẹ có thể giúp con xây dựng ý chí mạnh mẽ thông qua cách giáo dục (Ảnh: CNBC).
Cha mẹ nên chia sẻ với con những câu chuyện chân thực của bản thân, về cách cha mẹ đương đầu với tình huống khó, hay cách cha mẹ học hỏi từ chính những sai lầm, thất bại của bản thân. Các câu chuyện có thể chia sẻ ở từng thời kỳ phù hợp.
Điều quan trọng là những câu chuyện như vậy sẽ giúp trẻ cảm thấy khó khăn hay thất bại không phải là điều đáng sợ trong cuộc sống.
Dạy con sống lạc quan
Thái độ sống của cha mẹ có ảnh hưởng rất lớn tới con cái. Trong đó, sự lạc quan là một yếu tố quan trọng giúp tạo nên sức mạnh tinh thần. Theo nhà nghiên cứu khoa học thần kinh người Mỹ Wendy Suzuki, những đứa trẻ có thái độ sống lạc quan thường có khả năng kiểm soát cuộc sống tốt hơn, tự tin hơn khi đương đầu thử thách.
Chuyên gia tâm lý giáo dục Michele Borba còn khẳng định rằng sự lạc quan có thể dạy được. Trước hết, cha mẹ cần nhớ rằng trẻ luôn lắng nghe và quan sát cha mẹ để học hỏi cách thức hành xử. Vì vậy, khi có vấn đề xảy ra, cha mẹ cần giữ bình tĩnh trong thái độ, lời nói và cách hành xử. Con cái sẽ quan sát thái độ đương đầu vấn đề của cha mẹ và học hỏi từ đó.
Người có ý chí mạnh mẽ thường tự tin, kiên nhẫn, bền bỉ và có sức bật (Ảnh: CNBC).
Dạy con cách xin lỗi
Một khía cạnh quan trọng nữa của ý chí mạnh mẽ là trí tuệ xúc cảm. Khi có trí tuệ xúc cảm, một cá nhân sẽ có khả năng tự nhận thức đúng đắn về bản thân mình, biết chia sẻ, cảm thông với người khác. Hãy dạy trẻ biết tôn trọng người khác và tôn trọng chính mình. Khi làm sai chuyện gì, con phải biết xin lỗi chân thành.
Chuyên gia tâm lý Amy Morin nhấn mạnh rằng cha mẹ không nên thường xuyên bắt con xin lỗi, bởi cách giáo dục này có thể phản tác dụng, khiến trẻ có nét tâm lý độc hại, không ngừng tự đổ lỗi cho bản thân.
Liên tục bắt trẻ xin lỗi sẽ khiến trẻ suy nghĩ tiêu cực và mất tự tin. Điều quan trọng là cha mẹ cần giúp trẻ biết nhận trách nhiệm về hành động của mình, biết nói lời xin lỗi chân thành khi sai và sửa chữa những gì có thể.
Theo dantri.com.vn