Thí sinh cần làm gì sau khi biết điểm chuẩn đại học 2024?

Thứ 7, 17.08.2024 | 15:36:31
452 lượt xem

Tra cứu kết quả trúng tuyển, xác nhận nhập học là những bước quan trọng thí sinh cần lưu ý sau khi biết điểm chuẩn xét tuyển đại học năm 2024.

Thí sinh cần làm gì sau khi biết điểm chuẩn đại học 2024? - 1

Thí sinh cần tra cứu kết quả trúng tuyển, xác nhận nhập học sau khi có điểm chuẩn (Ảnh: Huyên Nguyễn).

Từ hôm nay (ngày 17/8), các trường đại học bắt đầu công bố điểm chuẩn, kết quả trúng tuyển đại học năm 2024. Sau khi biết điểm chuẩn, thí sinh cần thực hiện thêm một số bước mới chính thức trở thành tân sinh viên.

Đối chiếu điểm chuẩn

Sau khi các trường đại học công bố điểm chuẩn, thí sinh có thể kiểm tra kết quả trúng tuyển bằng cách đối chiếu điểm thi, nguyện vọng với điểm chuẩn của ngành và trường đã đăng ký.

Tuy nhiên, để chắc chắn, thí sinh cần theo dõi danh sách trúng tuyển.

Tra cứu danh sách trúng tuyển

Sau khi các trường đã công bố điểm chuẩn năm 2024, thí sinh cần xem danh sách trúng tuyển. Nếu đạt điểm chuẩn, thí sinh cần xem danh sách trúng tuyển của trường đã có tên mình hay chưa để biết kết quả chính thức.

Thí sinh có thể tra cứu theo hướng dẫn của từng trường (thông thường sẽ sớm hơn) hoặc đợi hiển thị kết quả trên hệ thống xét tuyển.

Trong một số trường hợp, thí sinh dù đạt điểm chuẩn nhưng không có tên trong danh sách trúng tuyển. Nguyên nhân có thể đến từ sai sót trong quá trình nhập liệu. Lúc này, thí sinh có thể liên hệ lại phía trường đại học mình đăng ký xét tuyển để được hỗ trợ.

Tình huống thứ hai là thí sinh không đủ điều kiện về tiêu chí phụ. Tiêu chí phụ trong xét tuyển thường chỉ áp dụng với thí sinh có tổng điểm xét tuyển bằng điểm chuẩn. Nếu số lượng đăng ký vượt quá chỉ tiêu, nhà trường sẽ xét đến tiêu chí phụ để quyết định thí sinh trúng tuyển.

Ví dụ, ngành A trường đại học B có 2 tiêu chí phụ lần lượt theo thứ tự: ưu tiên điểm toán cao hơn và thứ tự nguyện vọng. Nếu điểm chuẩn ngành A lấy 25 điểm và có 100 thí sinh cùng đạt mức điểm này, trong khi chỉ lấy 50 chỉ tiêu. Lúc này, nhà trường mới tính đến ưu tiên điểm toán cao hơn, sau đó là ưu tiên thứ tự nguyện vọng.

Đối với những trường hợp đã có tên trong danh sách trúng tuyển, các bạn hãy thường xuyên theo dõi thông báo từ nhà trường để chuẩn bị hồ sơ và hoàn thiện quy trình xác nhận nhập học theo quy định.

Xác nhận nhập học trên hệ thống chung của Bộ GD&ĐT

Theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), chậm nhất 17h ngày 27/8/2024, tất cả các thí sinh trúng tuyển cần hoàn thành xác nhận nhập học trực tuyến đợt 1 trên Hệ thống.

Thí sinh không xác nhận nhập học trong thời gian quy định, nếu không có lý do chính đáng, coi như từ chối nhập học và cơ sở đào tạo có quyền không tiếp nhận.

Thí sinh đã xác nhận nhập học tại một cơ sở đào tạo không được tham gia xét tuyển ở nơi khác hoặc ở các đợt xét tuyển bổ sung, trừ trường hợp được cơ sở đào tạo cho phép.

Nhận giấy báo trúng tuyển và hướng dẫn nhập học

Sau khi xác nhận nhập học, thí sinh sẽ được các trường đại học gửi giấy báo nhập học về nơi thí sinh nộp hồ sơ đăng ký dự thi hoặc giấy báo nhập học online.

Các trường đại học có kế hoạch nhập học riêng, thường được đăng tải trên website hoặc fanpage chính thức, đồng thời gửi cho thí sinh qua email, số điện thoại hoặc giấy báo trúng tuyển. Thí sinh cần làm thủ tục nhập học theo hướng dẫn này của trường trúng tuyển.

Thí sinh lưu ý, một số trường sẽ có yêu cầu xác nhận nhập học riêng theo quy định của trường. Việc xác nhận này khác với xác nhận trên hệ thống chung của Bộ GD&ĐT.

Hoàn tất hồ sơ nhập học

Hồ sơ nhập học cụ thể sẽ được các trường đại học thông báo cụ thể trong giấy báo trúng tuyển. Tuy nhiên, hầu hết khi chuẩn bị hồ sơ nhập học đều cần các giấy tờ sau: Giấy báo nhập học, Học bạ THPT (bản sao công chứng và bản gốc để đối chiếu); thẻ căn cước (bản sao có công chứng); Bản sao công chứng giấy khai sinh; Giấy chứng nhận tốt nghiệp tạm thời hoặc bằng tốt nghiệp Trung học Phổ thông; Phiếu khám sức khỏe do phòng khám quận, huyện cấp; sổ đoàn (nếu có);...

Chuẩn bị học phí, phí nhập học

Trong giấy báo nhập học ngoài những giấy tờ cần nộp, nhà trường sẽ thông báo các khoản tiền cần đóng khi nhập học. Thí sinh cần chuẩn bị đầy đủ tiền để đến nộp khi nhập học.

Tìm nhà trọ, đặt phương tiện di chuyển

Với những sinh viên ngoại tỉnh, điều cần tìm hiểu tiếp theo là nhà trọ và phương tiện di chuyển. Thí sinh có thể chủ động tìm hiểu thông tin sớm để có lựa chọn ưng ý, giá cả hợp lý.

Tuy nhiên, thí sinh cần hỏi rõ trường đại học về địa chỉ mình sẽ theo học để thuê trọ phù hợp bởi có trường sẽ có nhiều cơ sở ở các địa bàn khác nhau.

Nhập học chính thức tại trường

Trong giấy báo nhập học, trường sẽ ghi thời gian nhập học cụ thể. Thí sinh cần xem chính xác thời gian, địa điểm để đến nhập học đúng quy định.

Ông Nguyễn Hoàng Quân, Giám đốc Trung tâm tư vấn tuyển sinh Trường Đại học Văn Hiến lưu ý, sau khi có kết quả, thí sinh trúng tuyển có quyền không xác nhận nhập học ở đợt 1 và tham gia tiếp tục ở đợt tiếp theo.

Tuy nhiên, các bạn không nên từ chối nhập học đợt 1 nếu lý do không cần thiết. Trong đợt bổ sung, các trường sẽ lấy điểm cao hơn hoặc bằng trước đó và một số ngành sẽ không còn chỉ tiêu.


Theo dantri.com.vn

https://dantri.com.vn/giao-duc/thi-sinh-can-lam-gi-sau-khi-biet-diem-chuan-dai-hoc-2024-20240816150448251.htm

  • Từ khóa