Theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), từ năm 2025, kỳ thi tốt nghiệp THPT sẽ có 4 môn, trong đó có 2 môn thi bắt buộc là Toán, Ngữ văn và 2 môn tự chọn. Vì vậy, việc lựa chọn tổ hợp môn học phù hợp ngay từ lớp 10 sẽ tạo thuận lợi trong quá trình học tập và định hướng nghề nghiệp của học sinh sau này. Thời gian qua, các trường THPT trên địa bàn tỉnh đã tích cực tư vấn, định hướng cho học sinh và phụ huynh khi chọn tổ hợp môn học.
Theo Chương trình Giáo dục phổ thông mới, học sinh từ lớp 10 sẽ phải học 8 môn bắt buộc bao gồm: Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ 1, Giáo dục thể chất, Giáo dục quốc phòng và an ninh, hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp, Giáo dục địa phương và Lịch sử. Ngoài các môn bắt buộc, học sinh sẽ được lựa chọn 4 môn trong 9 môn học là: Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Công nghệ, Tin học, Âm nhạc và Mỹ thuật. Ngoài ra, học sinh còn phải lựa chọn các cụm chuyên đề học tập tương ứng để bổ trợ cho các tổ hợp môn học lựa chọn.
Học sinh và phụ huynh nghe phổ biến, hướng dẫn đăng ký môn học tại Trường THPT Hoàng Văn Thụ (thành phố Lạng Sơn)
Để học sinh và phụ huynh hiểu rõ hơn về việc chọn tổ hợp môn học và chuyên đề học tập, các trường THPT trên địa bàn tỉnh đã và đang tăng cường tổ chức các đợt tư vấn việc đăng ký môn học lựa chọn, cụm chuyên đề học tập.
Thầy Đặng Ngọc Tú, Hiệu trưởng Trường THPT Hoàng Văn Thụ, thành phố Lạng Sơn cho biết: Đây là năm thứ 3 chúng tôi thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông mới. Nhằm hỗ trợ học sinh và phụ huynh trong việc lựa chọn tổ hợp môn học cho khối lớp 10, nhà trường đã tổ chức các buổi tư vấn định hướng nghề nghiệp cho học sinh lớp 9 (trước khi làm hồ sơ tuyển sinh) và đầu lớp 10 (ngay sau khi nhập học). Các buổi tư vấn này giúp học sinh hiểu rõ hơn về mối quan hệ giữa tổ hợp môn học và các ngành nghề trong tương lai. Cùng đó nhà trường thực hiện các khảo sát để thu thập thông tin về sở thích, năng lực và nguyện vọng của học sinh đối với các môn học. Dựa trên kết quả này, nhà trường có thể tư vấn tổ hợp môn phù hợp, phân lớp cụ thể với từng học sinh.
Tương tự, tại Trường THPT Tràng Định, Thầy Hoàng Đức Cường, hiệu trưởng nhà trường cho biết: Bước sang năm thứ 3 tổ chức cho học sinh lớp 10 lựa chọn tổ hợp môn học nên chúng tôi đã rút kinh nghiệm và chủ động triển khai sớm hơn. Trước khi tuyển sinh, nhà trường đã xây dựng kế hoạch, đưa ra 5 tổ hợp môn học cho học sinh, phụ huynh lựa chọn. Ngày nhập học, trường bố trí đội ngũ giáo viên có kinh nghiệm để tư vấn, hướng dẫn, giải đáp những thắc mắc cho học sinh và phụ huynh. Khi vào học chính thức, nhà trường dành tiếp một thời gian nhất định cho học sinh cân nhắc chọn tổ hợp lần nữa.
Đối với học sinh đỗ vào lớp 10 năm học 2024 - 2025, việc lựa chọn tổ hợp nào vừa sức cũng là điều khiến các em băn khoăn. Em Hoàng Hà My, trúng tuyển lớp 10 của Trường THPT Lương Văn Tri chia sẻ: Trước đây, theo Chương trình Giáo dục phổ thông cũ việc học môn nào là do nhà trường quyết định còn đối với Chương Giáo dục phổ thông mới ngoài một số môn bắt buộc em còn phải tự chọn thêm môn học phù hợp với năng lực và mong muốn của mình. Sau khi nghe thầy cô tư vấn ở trường và trao đổi với bố mẹ về nguyện vọng học, lựa chọn ngành nghề sau này, em đã quyết định đăng ký các môn tự chọn là tổ hợp: Vật lý, Hóa học, Sinh học, Tin học thuộc cụm chuyên đề Toán, Vật lý, Hóa học để đăng ký học. Các môn này thiên về khối tự nhiên, theo đúng năng lực, sở trường của em.
Được biết năm học 2024 - 2025, toàn tỉnh có 37 trường học có cấp THPT. Sau 2 năm thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông mới đối với bậc THPT, các trường đã có kinh nghiệm trong việc xây dựng các tổ hợp môn học lựa chọn. Trung bình, mỗi trường có từ 4 đến 6 tổ hợp môn học lựa chọn được xây dựng dựa trên việc bảo đảm số tiết cho giáo viên, phù hợp với cơ sở vật chất, biên chế của cơ sở giáo dục.
Ông Hoàng Văn Thao, Phó Trưởng Phòng Giáo dục trung học, Sở GD&ĐT cho biết: Đối với phương án dạy học lớp 10, phòng đã tham mưu lãnh đạo sở chỉ đạo các trường nghiên cứu đầy đủ, kỹ lưỡng về chương trình giáo dục phổ thông tổng thể 2018 cấp THPT và chương trình giáo dục các môn học, từ đó xây dựng các tổ hợp môn học lựa chọn, chuyên đề học tập lựa chọn phù hợp với khả năng của đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất của nhà trường… Hiện nay, các trường có cấp THPT đều thực hiện tốt công tác tư vấn, định hướng cho học sinh, đảm bảo đáp ứng nguyện vọng học tập chính đáng của học sinh theo xu hướng phân hóa năng lực và định hướng nghề nghiệp trong tương lai.
Theo baolangson.vn