Thông tin được PGS.TS Đỗ Thị Quyên - Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Văn hóa Hà Nội - cung cấp tại hội thảo về nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực cho hoạt động xuất bản tại Việt Nam.
Kết quả điều tra, khảo sát tại 3 cơ sở đào tạo ngành xuất bản trong các năm gần đây cho thấy, tỷ lệ có việc làm và làm đúng chuyên môn của sinh viên ngành này sau một năm tốt nghiệp luôn đạt trên 90% tổng sinh viên của khóa học.
Nhiều sinh viên ngành xuất bản tự khởi nghiệp bằng việc mở nhà sách, cửa hàng kinh doanh xuất bản phẩm có quy mô nhỏ và vừa. Số khác tham gia công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực báo chí, xuất bản, văn hóa hoặc làm việc tại các cơ sở nghiên cứu.
Theo PGS. TS Đỗ Thị Quyên, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Văn hóa Hà Nội, hoạt động xuất bản hiện nay được Đảng và Nhà nước xác định là 1 trong 12 ngành công nghiệp văn hóa và sáng tạo.
"Tuy nhiên, hiện thiếu vắng các chuyên gia đầu ngành của ngành công nghiệp xuất bản.
Thực tiễn hoạt động xuất bản đang diễn ra nhanh, mạnh với các yêu cầu gắt gao về công nghệ, ứng dụng và quản lý công nghệ trong việc tạo và phân phối xuất bản phẩm, nhưng hiện trạng đào tạo đang đi chậm hơn thực tiễn", PGS.TS Đỗ Thị Quyên nhận định.
Hội thảo khoa học quốc gia về "Nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực cho hoạt động xuất bản Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới" diễn ra chiều 28/8 tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền (Ảnh: Hoàng Hồng).
Các môn học thuộc mảng kiến thức này chưa được thiết kế phù hợp, hoặc chưa được chọn thường xuyên trong chương trình đào tạo, một phần do thiếu giảng viên có chuyên môn sâu phù hợp.
Trên thực tế, đội ngũ giảng viên thỉnh giảng dày dạn kinh nghiệm đến từ các cơ quan, doanh nghiệp xuất bản thiếu tiêu chí đứng lớp như chưa phải là thạc sĩ. Ngược lại, cán bộ đủ tiêu chí trình độ nhưng thiếu kinh nghiệm sâu trong lĩnh vực chuyên môn.
Do đó, thực tiễn đào tạo nhân lực ngành xuất bản và yêu cầu đòi hỏi của ngành công nghiệp xuất bản có những khoảng cách và bất cập.
Bà Quyên cho rằng, giải pháp trọng tâm cốt lõi của vấn đề này là phải nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên bên cạnh các chính sách khác trong đào tạo.
Bà Quyên cũng nhấn mạnh vào việc cần tăng cường hệ thống học liệu phục vụ công tác đào tạo xuất bản. Ngoài chính sách khuyến khích giảng viên nghiên cứu khoa học, viết giáo trình và tài liệu tham khảo, các nhà trường cũng cần chính sách đặt hàng chuyên gia trong lĩnh vực viết giáo trình.
Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Văn hóa Hà Nội cũng đề xuất các cơ sở đào tạo nên đặt mục tiêu xây dựng, đầu tư các cơ sở thực hành kiểu mẫu là những nhà sách, trung tâm sách, nhà xuất bản để phục vụ hiệu quả hơn công tác đào tạo.
Sinh viên khoa Xuất bản - Phát hành Trường Đại học Văn hóa TPHCM (Ảnh: HCMUC).
Hiện cả nước chỉ có 3 cơ sở đào tạo ngành xuất bản, đều là các trường đại học công lập gồm Khoa Xuất bản - Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Khoa Xuất bản - Phát hành của Đại học Văn hóa Hà Nội và Đại học Văn hóa TPHCM.
Trong đó, chỉ có Học viện Báo chí và Tuyên truyền đào tạo bậc sau đại học. Hai trường còn lại chỉ đào tạo bậc cử nhân.
Kể từ năm 2019, Học viện Báo chí và Tuyên truyền mở thêm chuyên ngành xuất bản điện tử.
Theo PGS.TS Hà Huy Phượng, nguyên Trưởng khoa Xuất bản, xuất bản điện tử là vấn đề mới mẻ ở Việt Nam. Các nhà xuất bản còn khá lúng túng với lĩnh vực này, đồng thời thiếu nguồn nhân lực đáp ứng các công việc chuyên môn liên quan.
Việc mở chuyên ngành xuất bản điện tử cho thấy sự đi trước, đón đầu của cơ sở đào tạo nhằm kịp thời cung cấp nguồn nhân lực cho một lĩnh vực hoạt động mới trong thời đại số.
Những năm gần đây, chất lượng tuyển sinh đầu vào ngành đào tạo xuất bản của các trường đại học khá cao so với mặt bằng chung. Đây là những tín hiệu khả quan, hứa hẹn nguồn nhân lực tiềm năng được đào tạo bài bản, có chất lượng tốt, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu lao động thực tế của ngành xuất bản sau khi tốt nghiệp.
Điểm chuẩn ngành xuất bản tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền thấp nhất là 25,7 với chuyên ngành biên tập xuất bản và cao nhất là 26,77 với chuyên ngành xuất bản điện tử.
Điểm chuẩn ngành Kinh doanh xuất bản phẩm tại Trường Đại học Văn hóa Hà Nội là 24,8-25,8 điểm tùy tổ hợp khối xét tuyển. Tại Trường Đại học Văn hóa TPHCM, điểm chuẩn ngành này là 25,3-26 điểm.
Hội thảo khoa học quốc gia "Nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực cho hoạt động xuất bản Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới" diễn ra chiều 28/8 tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền.
Hội thảo có sự tham gia của các nhà khoa học, lãnh đạo, quản lý các ban, bộ, ngành, nhà xuất bản trên cả nước với 68 bài tham luận đặt ra nhiều góc nhìn, nhiều giải pháp thiết thực.
Các diễn giả tập trung vào 3 nội dung chính: Cơ sở lý luận và thực tiễn về chất lượng đào tạo nguồn nhân lực ngành xuất bản; thực trạng chất lượng đào tạo nhân lực ngành xuất bản với những thành tựu, hạn chế và nguyên nhân; đề xuất các giải pháp, khuyến nghị nâng cao chất lượng đào tạo ngành xuất bản ở Việt Nam nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển trong giai đoạn mới.
Theo nld.com.vn