Lễ khai giảng năm học 2024-2025 diễn ra sáng 5/9 trên cả nước. Đây là năm học đầu tiên triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 ở tất cả các khối lớp, từ lớp 1 đến lớp 12.
Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ khai giảng với thầy trò Trường Phổ thông cơ sở Nguyễn Đình Chiểu, Hà Nội (Ảnh: Thành Đông).
Sáng 5/9, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ khai giảng với thầy trò Trường Phổ thông cơ sở Nguyễn Đình Chiểu, Hà Nội.
Tháng 12/1982, Trường Phổ thông cơ sở (PTCS) Nguyễn Đình Chiểu thành lập theo quyết định của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội với sứ mệnh nuôi dạy trẻ em khiếm thị của Thành phố Hà Nội để các em có thể hòa nhập cộng đồng, sống tự lập và có đóng góp cho xã hội.
Lễ khai giảng rực rỡ sắc màu tại Trường Phổ thông cơ sở Nguyễn Đình Chiểu (Ảnh: Thành Đông).
Nhà trường thực hiện mô hình giáo dục hòa nhập cho học sinh khuyết tật từ lớp 1 đến lớp 9, trong đó chú trọng việc giúp phát triển năng khiểu và sở thích của học sinh khiếm thị, tổ chúc các lớp hướng nghiệp dạy nghề cho học sinh khuyết tật, các lớp dạy kĩ năng giúp học sinh khuyết tật hòa nhập tốt hơn với cộng đồng.
Hiện toàn trường có 1.600 học sinh, trong đó gần 400 học sinh khối 1 và khối 6.
Chủ tịch TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh cùng lãnh đạo TP, Sở GD&ĐT Hà Nội dự lễ khai giảng tại trường THCS Ngô Sĩ Liên (Ảnh: Hoàng Hồng).
Những tiết mục văn nghệ mở màn lễ khai giảng tại THCS Ngô Sĩ Liên (Ảnh: Hoàng Hồng)
Ông Phan Văn Mãi - Chủ tịch UBND TPHCM kiểm tra cơ sở vật chất và dự khai giảng tại Trường THCS Bình Trị Đông B, quận Bình Tân (Ảnh: Nguyễn Huyên).
Năm học 2024-2025, TPHCM có hơn 1,7 triệu trẻ, học sinh các cấp (Ảnh: Huyên Nguyễn).
Năm học của những điều đầu tiên
Từ tối qua, Hoàng Thái Hiếu, học sinh lớp 4D Trường Tiểu học M.V. Lômônôxốp (Mỹ Đình, Hà Nội) đã sắp sẵn cặp sách, đồng phục, đi ngủ sớm để chuẩn bị cho lễ khai giảng sáng nay.
Đây là năm thứ 3 Hiếu được dự lễ khai giảng trực tiếp. Em là lứa học sinh đặc biệt, đặt chân vào lớp 1 bằng lễ khai giảng online giữa cao điểm đại dịch Covid-19 năm học 2021-2022.
Em cũng là lứa học sinh thứ hai học chương trình giáo dục phổ thông 2018, tiếp xúc với các bộ sách giáo khoa khác nhau ở các môn học khác nhau.
Từng đứng trước màn hình máy tính tại nhà để thực hiện nghi thức chào cờ qua zoom, việc được chào cờ trực tiếp dưới sân trường, nghe thầy hiệu trưởng đánh trống trường là niềm thích thú nhất mỗi dịp khai giảng của Hiếu.
Năm học 2024-2025 là năm học thứ 5 kể từ khi Covid-19 xuất hiện và làm thay đổi đáng kể hình thức dạy và học trên toàn cầu nói chung và Việt Nam nói riêng.
Điều đặc biệt là, đây cũng là năm học thứ 5 triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông mới, đồng thời hoàn tất chu trình để triển khai đồng loạt từ lớp 1 tới lớp 12.
Và vì thế, năm học này là năm học đầu tiên học sinh khối 9 trên toàn quốc thi vào lớp 10 công lập bằng chương trình mới, là năm học đầu tiên học sinh khối 12 trên toàn quốc thi tốt nghiệp THPT theo chương trình mới.
Những yếu tố đầu tiên đó đặt ra nhiều thách thức với thầy và trò, và khiến lễ khai giảng năm học mới hôm nay trở nên đặc biệt.
Giáo viên Trường THCS Thành Công (Ba Đình, Hà Nội) trang hoàng phòng học với những lời nhắn nhủ đặt trên mặt bàn để đón các tân học sinh lớp 6 ngày khai giảng (Ảnh: THCS Thành Công).
Rà soát, bổ sung quy hoạch phát triển mạng lưới trường, lớp
Sáng nay, 2.913 trường với gần 2,3 triệu học sinh của Hà Nội tổ chức lễ khai giảng.
Năm học này, Hà Nội có thêm 2 trường THPT đi vào hoạt động, đáp ứng thêm nhu cầu học tập của người dân thủ đô.
Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Trần Thế Cương cho biết, trong 10 nhiệm vụ chủ yếu năm học 2024-2025, ngành giáo dục thủ đô xác định nhiệm vụ quan trọng hàng đầu là rà soát, bổ sung quy hoạch phát triển mạng lưới trường, lớp.
Trong bối cảnh tốc độ gia tăng dân số nhanh, Sở GD&ĐT sẽ tăng cường tham mưu thành phố bố trí đủ nguồn lực cho giáo dục; kiên trì, quyết liệt trong việc giải quyết dứt điểm việc thiếu trường, lớp học tại một số địa phương, nhất là tại các quận trung tâm; quan tâm sửa chữa, nâng cấp trường học, hệ thống nhà vệ sinh, cây xanh, tạo dựng môi trường sư phạm xanh, sạch, đẹp, an toàn và thân thiện.
Đồng thời, Sở tham mưu với thành phố chỉ đạo đẩy mạnh tiến độ xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia, tiến tới có từ 80% đến 85% số trường học đạt chuẩn vào năm 2025 như chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ thành phố đề ra.
Dự kiến, đến giai đoạn 2025- 2030, toàn thành phố sẽ có thêm khoảng 30-35 trường THPT công lập.
Đặc biệt, Hà Nội sẽ có thêm 7 trường tiên tiến hiện đại, liên cấp từ tiểu học đến THPT được xây dựng trong thời gian tới. Hiện có 4/7 đơn vị đã được chấp nhận chủ trương đầu tư. Điều này sẽ giúp các quận huyện đông dân cư, tốc độ đô thị hóa nhanh, có đủ chỗ học cho con em.
Học sinh lớp 1 tựu trường tại TPHCM (Ảnh: Nam Anh)
Khắc phục triệt để tình trạng dạy chay, học chay
Năm học 2024-2025, TPHCM có hơn 1,7 triệu trẻ, học sinh các cấp, tăng hơn 24.000 em so với năm học trước.
Số học sinh tăng nhiều ở cấp THPT do chênh lệch giữa học sinh khối lớp 12 ra trường và lớp 9 tốt nghiệp vào học lớp 10.
Dẫu vậy, lãnh đạo Sở GD&ĐT TPHCM khẳng định vẫn đảm bảo 100% con em sinh sống trên địa bàn có đủ chỗ học.
Giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM Nguyễn Văn Hiếu cho biết năm học này, ngành giáo dục sẽ khắc phục triệt để tình trạng dạy chay, học chay. Tuyệt đối không để xảy ra tình trạng "thiết bị đến trường mà không ra lớp".
Ông Hiếu nêu rõ, bất kỳ môn học nào cũng đều có đồ dùng, thiết bị dạy học. Một giờ học có thiết bị dạy học sẽ trở nên nhẹ nhàng hơn, truyền tải kiến thức đúng với trọng tâm và yêu cầu cần đạt của từng môn học. Do đó, muốn giảm tải áp lực học hành cho học sinh thì phương pháp dạy học phải gắn liền với việc sử dụng đồ dùng dạy học.
Năm học tới, TPHCM tiếp tục chú trọng tới đổi mới đánh giá, thi cử. Giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM nhấn mạnh kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 sẽ giữ ổn định, song điểm mới nằm ở mức độ phân hóa và đổi mới của đề thi ở từng môn thi, bám sát mục tiêu của Chương trình GDPT 2018 ở bậc trung học cơ sở. Việc này sẽ được sở tính toán, điều chỉnh nhằm phù hợp với việc dạy và học theo hướng đánh giá năng lực học sinh.
Ông Nguyễn Văn Hiếu nhấn mạnh, phụ huynh, học sinh không cần quá lo lắng bởi suốt 10 năm qua (từ năm 2014), thành phố đã kiên định thực hiện mục tiêu dạy và học theo hướng đánh giá năng lực học sinh.
Theo Sở GD&ĐT, dự kiến trong năm 2024 sẽ đưa vào sử dụng 23 dự án với 476 phòng học mới. Trong đó, số phòng học tăng thêm là 412 phòng.
Nhu cầu tuyển dụng nhân sự cho năm học 2024-2025 (tính đến tháng 7/2024) gồm 3.522 giáo viên. Trong đó, 79 giáo viên chuyên biệt, 649 giáo viên mầm non, 1.243 giáo viên tiểu học, 1.151 giáo viên bậc THCS và 720 nhân viên các cấp.
Chỉ tiêu tuyển dụng viên chức đợt 1 của sở có 337 chỉ tiêu (gồm 263 giáo viên và 74 nhân viên). Kết quả đã có 279 ứng viên trúng tuyển (gồm 253 giáo viên và 44 nhân viên). Hiện các ứng viên hoàn thiện hồ sơ tuyển dụng theo quy định.
Dù vậy, nguồn tham gia tuyển dụng chưa đáp ứng nhu cầu tại vị trí giáo viên tiếng Anh (tiểu học), tin học, mỹ thuật, âm nhạc, công nghệ và một số vị trí nhân viên.
Theo dantri.com.vn