Cô giáo vùng cao ngày lên lớp, tối may quần áo tặng học trò

Chủ nhật, 15.12.2024 | 15:59:25
61 lượt xem

Hơn 20 năm gắn bó với công tác giáo dục ở huyện miền núi Quảng Trị, cô Trần Thị Châu không chỉ làm tốt nhiệm vụ giảng dạy, mỗi tối cô còn cặm cụi may quần, áo tặng học sinh của mình.

Cô Trần Thị Châu (SN 1975), là giáo viên Điểm trường Kỳ Tăng, Trường Mầm non A Xing, xã Lìa, huyện Hướng Hóa (Quảng Trị), có hơn 20 năm gắn bó với học sinh đồng bào dân tộc thiểu số Pa Kô, Vân Kiều.

Cô Châu sinh ra trong một gia đình có hoàn cảnh khó khăn ở huyện Cam Lộ (Quảng Trị), từ nhỏ đã ấp ủ ước mơ trở thành giáo viên. Vì hoàn cảnh nên khi hoàn thành chương trình phổ thông, cô Châu xin làm việc tại Nông trường cao su Hướng Hóa.

Cô giáo vùng cao ngày lên lớp, tối may quần áo tặng học trò - 1

Cô Trần Thị Châu cùng học trò của mình tại Điểm trường Kỳ Tăng, Trường Mầm Non A Xing (Ảnh: Nhật Anh).

Đến khi lập gia đình, có chồng là giáo viên, cô Châu được tiếp thêm động lực và quyết định thi vào Trường Cao đẳng sư phạm Quảng Trị, viết tiếp giấc mơ của mình.

Năm 2002, tốt nghiệp sư phạm, cô Châu làm giáo viên hợp đồng tại nhiều trường học ở huyện Hướng Hóa như Trường Tiểu học A Xing, Trường Mầm non Tân Long.

Năm 2007, Trường Mầm non A Xing thành lập, cô Châu chính thức được tuyển vào biên chế và gắn bó với ngôi trường này cho đến nay.

"Dạy học ở miền núi có nhiều khó khăn, đời sống bà con còn vất vả nên học sinh cũng thiếu thốn đủ bề. Giáo viên vùng cao chúng tôi luôn cố gắng mỗi ngày, làm sao mang lại những điều tốt đẹp nhất cho học trò", cô Châu chia sẻ.

Cô giáo vùng cao ngày lên lớp, tối may quần áo tặng học trò - 2

Mỗi tối sau giờ lên lớp, cô Châu lại cặm cụi bên máy may, cắt đo vải, may quần áo tặng học trò (Ảnh: Nhật Anh).

Những năm dạy học ở Trường Mầm non A Xing, cô Châu tình nguyện đến những điểm trường khó khăn nhất để chăm sóc và dạy chữ cho trẻ. Để gần gũi, truyền dạy kiến thức cho trẻ một cách tốt nhất, cô Châu còn học cả tiếng đồng bào và dùng 2 ngôn ngữ trong dạy học.

Không chỉ giỏi chuyên môn, cô Châu luôn cố gắng mang yêu thương đến với học trò cũng như bà con dân bản. Suốt nhiều năm qua, cô Châu ngày lên lớp, tối về lại cặm cụi may quần, áo tặng học trò và phụ huynh.

"Ngày mới lên miền núi, đúng dịp giá rét, thấy bà con không có quần áo ấm, các em nhỏ mặc phong phanh, theo mẹ lên rẫy rất thương. Bản thân biết kỹ thuật cắt, may nên tôi dành thời gian may quần, áo tặng bà con và học sinh", cô Châu nhớ lại.

Mỗi lần xuống chợ huyện, gặp hàng vải tồn kho, giá rẻ, cô Châu lại bỏ tiền túi mua về, xin thêm vải thừa từ các cửa tiệm, tận dụng để cắt, may. Vải to may quần áo, nhỏ làm khăn, những sản phẩm từ cô giáo mầm non Trần Thị Châu cứ thế đến tay bà con dân tộc và các học sinh, giúp các em không còn phải chịu lạnh khi mùa đông về.

"Làm được việc gì cho trò, dù là nhỏ nhất cũng hạnh phúc. Vui nhất là khi tự mình khoác chiếc áo vừa may lên người cho học sinh và đón nhận lại lời cảm ơn. Các em được mặc ấm, vui tươi đến trường là động lực lớn để tôi duy trì việc may quần áo suốt 20 năm qua", cô Châu tâm sự.

Cô giáo vùng cao ngày lên lớp, tối may quần áo tặng học trò - 3

Niềm vui của cô Châu khi mặc những bộ quần áo mình vừa may cho học trò (Ảnh: Nhật Anh).

Bà Nguyễn Thị Thanh Nga, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Hướng Hóa, cho biết, không chỉ là giáo viên tiêu biểu của địa phương, cô Châu làm rất tốt các công việc xã hội hóa, giúp đỡ cho bà con dân tộc ở xã Lìa.

Theo bà Nga, mới đây cô Châu vinh dự là một trong 16 giáo viên được nhận danh hiệu nhà giáo ưu tú do Chủ tịch nước trao tặng. Cô Châu là giáo viên mầm non duy nhất của tỉnh Quảng Trị được nhận danh hiệu này, đây là thành quả to lớn mà cô đã nỗ lực, cống hiến suốt nhiều năm qua.

"Trước đó, cô Châu cũng thực hiện rất tốt nhiệm vụ giảng dạy của mình ở nhiều điểm trường khó khăn khác thuộc Trường mầm non A Xing và nhiều lần nhận danh hiệu chiến sĩ thi đua cơ sở, đóng góp sáng kiến để phát triển môi trường giáo dục tại địa phương", bà Nga nói.


Theo dantri.com.vn

https://dantri.com.vn/giao-duc/co-giao-vung-cao-ngay-len-lop-toi-may-quan-ao-tang-hoc-tro-20241215130108441.htm

  • Từ khóa