Kỳ nghỉ Tết khiến trẻ háo hức, phấn khích nhưng cũng sẽ có những bối rối nhất định xảy ra trong kỳ nghỉ dài ngày này.
Trong mùa lạnh, trẻ nhỏ thường dễ cảm thấy bồn chồn vì bị hạn chế vận động, thường phải ở trong nhà. Cơ hội để trẻ đốt cháy năng lượng giảm đi nhiều so với mùa nóng, vì vậy, cha mẹ cần chú ý tạo cơ hội để trẻ được vận động, vui chơi và kết nối.
Việc cùng con làm việc nhà trong mùa lạnh, giao cho con nhiệm vụ dọn dẹp nhà cửa đón Tết sẽ giúp trẻ vừa có cơ hội vận động, giải phóng năng lượng, vừa giúp tinh thần trẻ trở nên cân bằng hơn. Trẻ sẽ bình tĩnh, ổn định hơn về trạng thái tâm lý. Nhờ vậy, trẻ vâng lời hơn, học tập, sinh hoạt có kỷ luật hơn trong kỳ nghỉ có nhiều sự hưng phấn này.
Giúp con giữ vững phong độ học tập và kỷ luật sinh hoạt trong kỳ nghỉ Tết là thách thức đối với không ít phụ huynh (Ảnh minh họa: Shutterstock).
Việc bài trí lại nhà cửa và phòng riêng của trẻ cũng là hoạt động phù hợp để tiến hành vào thời điểm này trong năm. Ngoài ra, các hoạt động sáng tạo khác trong gia đình như làm bánh, nấu ăn, cùng nhau đọc sách, xem phim, chơi trò chơi... sẽ giúp trẻ có trạng thái tinh thần tốt, gia tăng sự gắn kết giữa các thành viên trong gia đình.
Mùa lạnh, hành trình di chuyển và những chuyến đi chơi cũng thường khiến cha mẹ và các con cảm thấy áp lực hơn ít nhiều bởi những việc nhỏ không tên. Chẳng hạn, cha mẹ phải chuẩn bị đủ các thứ đồ giữ ấm cho con như găng tay, áo khoác, mũ, khăn... Nhưng trẻ lại rất dễ để quên những thứ này, gây nên những tình huống phiền phức.
Hãy giúp con ghi nhớ danh sách những món đồ cá nhân thường dùng trong mùa đông để con tự đảm bảo rằng mình không để quên đồ.
Kỳ nghỉ Tết thường gắn liền với những hoạt động "chộn rộn", bao gồm những chuyến hành trình di chuyển, những buổi gặp mặt, những bữa ăn sum họp, các sự kiện đông người... Điều này thường khiến trẻ rất phấn khích, hào hứng, nhưng cũng cần có sự hỗ trợ của cha mẹ, để trẻ biết cách thích nghi và tham gia hiệu quả nhất.
Khi xác định được kế hoạch cụ thể đối với các hoạt động này, cha mẹ nên trò chuyện với con trước để cùng con có sự chuẩn bị. Cha mẹ có thể cùng con hình dung trước về hoạt động, sự kiện, về cách con tự chuẩn bị, tham gia, phối hợp với cha mẹ...
Trong kỳ nghỉ Tết, cha mẹ hãy cố gắng duy trì thời gian các bữa ăn giống như ngày thường (Ảnh minh họa: Shutterstock).
Trong những hoạt động cha mẹ cần con vâng lời và hợp tác nhất, cha mẹ hãy để con được mặc trang phục mà con yêu thích nhất, được mang theo những đồ dùng cá nhân, đồ chơi, thú nhồi bông thân thuộc gắn bó với con. Điều này sẽ phát huy hiệu quả trong những cuộc hành trình di chuyển đường dài khiến trẻ cảm thấy nhàm chán, mệt mỏi.
Ngoài ra, để trẻ không bị rối loạn nhịp sinh hoạt quá nhiều trong kỳ nghỉ Tết, cha mẹ hãy cố gắng duy trì thời gian các bữa ăn giống như ngày thường, cũng như duy trì các thói quen sinh hoạt về cơ bản cho trẻ.
Nhìn chung, kỳ nghỉ Tết là thời điểm để mỗi gia đình cùng sống chậm lại. Thời tiết mùa lạnh và kỳ nghỉ Tết rất phù hợp để cha mẹ và các con làm những việc mà bình thường, nhịp sống bận rộn khiến cả nhà không có thời gian thực hiện.
Để chuẩn bị cho điều này, ngay từ trong năm, cha mẹ và các con hãy ghi lại những việc muốn làm trong kỳ nghỉ Tết. Nhờ vậy, tinh thần đón Tết, trải nghiệm ngày Tết cũng như trạng thái tâm lý khi kết thúc kỳ nghỉ đều sẽ lý tưởng, do gia đình đã có sự chuẩn bị chu đáo, ý nghĩa.
Kỳ nghỉ Tết là thời điểm để mỗi gia đình cùng sống chậm lại, nạp lại năng lượng (Ảnh minh họa: Shutterstock).
Xuyên suốt kỳ nghỉ, cha mẹ hãy quan tâm đến sức khỏe thể chất và tinh thần của bản thân và con cái. Cha mẹ cũng nên dễ tính và nhẹ nhàng hơn, áp dụng những quy tắc linh hoạt hơn, để không khí gia đình luôn vui vẻ trong những ngày nghỉ.
Việc cha mẹ duy trì được trạng thái thể chất và tinh thần tốt trong kỳ nghỉ, để vừa tận hưởng kỳ nghỉ dài ngày, nạp lại năng lượng, vừa thực hiện được những việc muốn làm, sẽ là hình mẫu lý tưởng để con cái noi theo.
Theo dantri.com.vn