Dạy học trực tuyến: Để không “mạnh ai nấy làm”

Thứ 2, 30.03.2020 | 15:05:09
1,291 lượt xem

Dạy học trực tuyến (qua truyền hình và online) là việc làm ứng phó tức thời và cần thiết giúp HS được ôn tập, tránh đứt mạch kiến thức.

Ảnh minh họa/ INTẢnh minh họa/ INT

Tuy nhiên, để hình thức dạy học này phát huy hiệu quả cao hơn vẫn cần tổ chức quy củ, nhất quán về nội dung chương trình, thời lượng học…

Nở rộ dạy học trực tuyến

Tại Hà Nội, Sở GD&ĐT phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội thực hiện chương trình dạy học trên truyền hình cho HS cuối cấp (lớp 9 và lớp 12). Sau đó, các bài dạy trên truyền hình tiếp tục mở rộng cho HS từ lớp 4 – 12 với các bài học mới, tiếp nối chương trình dạy và học.

Nhiều địa phương sau một thời gian ngắn “loay hoay” chỉ giao bài tập cho HS qua Zalo, Facebook… chờ hết dịch cũng bắt đầu triển khai dạy online và yêu cầu HS học trực tuyến qua các kênh truyền hình. Thậm chí, từ chú trọng dạy học trực tuyến cho HS cuối cấp đã tăng lên dạy học online cho HS các cấp.

Các nội dung dạy học trực tuyến cho mỗi bậc học, lớp học ở địa phương cũng có sự khác nhau. Nơi GV dạy online chú trọng vào 3 môn Toán, Tiếng Anh, Ngữ văn nhưng có nơi dạy cả Sinh, Sử, Địa, Giáo dục công dân… Có địa phương HS được ôn tập, củng cố kiến thức trọng tâm trong học kỳ 1, nhưng có địa phương đã triển khai giảng dạy kiến thức mới của học kỳ 2 năm học 2019 -2020...

Sau hơn 2 tháng, HS các địa phương nghỉ học vì Covid-19, dạy học trực tuyến tại mỗi trường, GV, địa phương chủ yếu dựa vào điều kiện của mình mà triển khai. Chính vì vậy, dạy học trực tuyến vẫn bị động, thiếu sự thống nhất về chương trình, nội dung, thời lượng… giữa các địa phương, nhà trường. Đặc biệt, hiệu quả từ dạy học trực tuyến khi không có điểm chung về chương trình, thời lượng, phương pháp… cũng khó công nhận và đánh giá kết quả.

Đầu tư trang bị cơ sở vật chất tốt là điều kiện quan trọng để dạy học trực tuyến thành công.

Băn khoăn từ học trực tuyến

Có thể thấy, giảng dạy online như một phần trong chương trình đào tạo của nhiều trường ĐH. Chính vì vậy, các trường có sự phối hợp với nhiều công ty chuyên về công nghệ giáo dục để thiết kế các bài giảng trực tuyến. Sinh viên với trình độ, tiếp cận công nghệ thông tin tốt đã thích nghi với hình thức học này.

Thế nhưng với các trường phổ thông, dạy học trực tuyến mới nở rộ trong thời gian gần đây, nên quá trình triển khai không thể tránh khỏi những bỡ ngỡ từ cả GV và HS cũng như hiệu quả từ hình thức dạy học này mới chỉ phát huy bước đầu.

Chị Nguyễn Thị Như Quỳnh – có 2 con học Trường Tiểu học Quỳnh Mai và THCS Quỳnh Mai (quận Hai Bà Trưng - Hà Nội) chia sẻ: Đôi khi con học trực tuyến trên truyền hình với thái độ khá thờ ơ, không hào hứng, không ghi chép. Bố mẹ nhắc thì con nói “Cô cứ nói liên tục chứ có kiểm tra xem con có ghi chép đâu? Cũng không biết con tiếp nhận được kiến thức gì? Có thắc mắc muốn hỏi cũng chẳng thể...”. Theo chia sẻ của 2 con, chị Quỳnh cho biết: Cách dạy của “cô trên truyền hình” đôi lúc nhanh hơn so với “cô trên lớp”.

Anh Nguyễn Xuân Thanh – con học lớp 9 Trường Marie Curie (Hà Nội) lại phản ánh: Vì trường con vào học sớm hơn các trường công lập nên nội dung dạy học trên truyền hình chậm hơn so với chương trình học trên lớp. Phải học lại một số nội dung nên HS không tập trung và thậm chí không muốn học. Sự chênh lệch nhất định, cách dạy… giữa truyền hình và thực tế cũng khiến HS bật ti vi đều đặn nhưng chỉ như người dự giờ thay vì nhập tâm chủ động học.

Một vấn đề khác mà phụ huynh HS phản ánh đó là GV chưa có nhiều kinh nghiệm xử lý công nghệ thông tin, phụ huynh cũng lúng túng khi các thiết bị gặp trục trặc… Thậm chí, có HS vào được hệ thống, buổi học trực tuyến chỉ còn 5 - 10 phút thì kết thúc hoặc đang học đường truyền bị gián đoạn, mất tiếng, mất hình... GV không xử lý được.

Rõ ràng, dạy học trực tuyến để hướng tới hiệu quả cao cần hội tụ nhiều yếu tố. Nếu dạy học trực tuyến được xây dựng công phu với nội dung chương trình phù hợp, thú vị… sẽ giúp HS hứng thú và chủ động trong học tập. Tuy nhiên, nếu dạy học trực tuyến không tạo có tương tác với người học, nội dung chương trình học trên truyền hình và online của GV thiếu sự kết nối liên thông sẽ đẩy HS tới cảm giác “bội thực” kiến thức trực tuyến khi các em phải tham gia quá nhiều buổi học trực tuyến một ngày.

Mặt khác, với các địa phương khuyến khích HS học trực tuyến trên truyền hình thông qua các đài truyền hình tỉnh khác cần quan tâm đến tính phù hợp. HS các bậc bậc học tuy có thể học cùng một chương trình, một bộ sách giáo khoa nhưng trình độ, khả năng tiếp nhận kiến thức… hoàn toàn khác. Và như vậy đòi hỏi bài giảng và cách đánh giá kết quả học tập phải khác.

GV là người thổi hồn cho những buổi học tại nhà của HS không nhàm chán.

Nâng cao hiệu quả học tập tại nhà

Việc triển khai dạy học trực tuyến giữa các địa phương, nhà trường đang có sự khác nhau nhất định về nội dung, cách thức, thời lượng... Từ đó đòi hỏi cần có giải pháp hỗ trợ khác nhau để mang lại kết quả cao cho việc học tại nhà.

Tại An Giang, Sở GD&ĐT đã đề nghị Phòng GD&ĐT chỉ đạo hiệu trưởng trường TH, THCS chỉ đạo GV lựa chọn một số nội dung trọng tâm, bài tập, bài giảng quan trọng đã được ghi hình, quay video… gửi cho HS thông qua hệ thống tin nhắn, email, group của lớp, trang web của trường, liên lạc điện tử hoặc thông qua các ứng dụng OTT như Viber, Zalo…

Các hình thức này cho phép HS nghỉ ở nhà nhưng vẫn có thể tương tác với thầy cô, nhận nhiệm vụ học tập, được GV chấm bài, chữa bài. Ngoài ra, các trường tiếp tục phối hợp với nhà mạng để triển khai hiệu quả dạy học trực tuyến miễn phí, tăng cường giao bài tập về nhà cho HS, hướng dẫn các em làm bài và trả kết quả trên hệ thống khóa học để GV theo dõi, kiểm tra, nắm tình hình học tập.

Có địa phương lại huy động GV am hiểu về công nghệ thông tin (GV môn Tin học) tham gia vào hoạt động dạy học trực truyến. GV sẽ theo dõi, kiểm tra bài làm của HS, dựa trên sản phẩm học tập HS đã nộp trên hệ thống khóa học để xem xét tính chuyên cần của các em vào cuối học kỳ và cuối năm học.

Cô Nguyễn Hương Giang – Hiệu trưởng Trường Tiểu học xã Thanh Vân (Quản Bạ - Hà Giang) cho biết: Ban giám hiệu yêu cầu GV chủ nhiệm thường xuyên liên hệ với gia đình HS để cập nhật, nắm bắt thông tin về tình hình sức khỏe; Phối hợp hướng dẫn phòng chống tai nạn thương tích và phòng chống đuối nước trong thời gian HS nghỉ học. GV đồng thời kết hợp với gia đình HS có biện pháp quản lý hoạt động học tập của HS qua Internet, trên truyền hình, nhận xét đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ học tập đã giao cho HS.

Tại Trường PTDTBT THCS Khao Mang – Mù Cang Chải (Yên Bái), thầy Hà Trần Hồng – Phó Hiệu trưởng cho biết: Trường chủ động giới thiệu cho GV và HS tham khảo lịch phát sóng các bài học trên truyền hình; Rà soát số gia đình HS có ti vi, điện thoại thông minh có thể kết nối dạy học trực tuyến để đốc thúc HS học tập tại nhà. Việc rà soát cũng giúp cho nhà trường nắm bắt tình hình học tập chung của HS toàn trường, từ đó có giải pháp bù đắp kiến thức khi HS ở nhà và trở lại trường.

Đến nay, nhiều địa phương đã yêu cầu GV phải học chương trình trên truyền hình cùng HS. Trên cơ sở đó giao bài tập và kiểm tra kiến thức sát với nội dung đã học. Đây cũng là một hình thức để điểm danh, đôn đốc HS học tập, tăng cường chất lượng học tập tại nhà thông qua dạy học trực tuyến.

Nâng cao hiệu quả dạy học trực tuyến để HS hứng thú và chủ động với học tập.

Để dạy học trực tuyến đạt hiệu quả cao

Nhiều trường học đã tổ chức dạy học online, các bậc cha mẹ cũng tin tưởng chọn online là phương thức học tập tạm thời cho con trong thời gian nghỉ phòng dịch. Tuy vậy, quá trình ứng dụng công nghệ thông tin trong giáo dục cho thấy để dạy học trực tuyến phát huy hiệu quả cần có thời gian để không chỉ GV mà HS làm quen, thích nghi với cách học này. Mặt khác, các địa phương, nhà trường khi tổ chức dạy học trực tuyến cần tăng cường định hướng, thiết kế nội dung, chương trình dạy học cần phù hợp và tăng cường sự tương tác với HS.

Thầy Nguyễn Minh Thuận – Hiệu trưởng Trường THPT chuyên tỉnh Lào Cai chia sẻ kinh nghiệm dạy học trực tuyến của trường: Ngay khi nghỉ học chống dịch, Ban giám hiệu nhà trường triển khai dạy học trực tuyến để thay thế cho dạy học trực tiếp. Gần 100% HS các lớp đã tham gia hình thức học này nên việc ôn tập kiến thức cũ, triển khai kiến thức mới cho HS các khối và đặc biệt HS khối 12 vẫn diễn ra suôn sẻ. Do vậy, dạy học trực tuyến không phải là vấn đề đáng lo lắng của GV và HS nếu tiếp tục phải nghỉ học dài ngày.

Sở dĩ, việc dạy học trực tuyến phát huy hiệu quả cao tại Trường THPT chuyên tỉnh Lào Cai bởi cách học này được triển khai từ sớm, GV và HS nhà trường có một quá trình, nền tảng cơ bản và quen với việc giao bài, chữa bài, thảo luận… qua hệ thống. Tuy nhiên, theo thầy Nguyễn Minh Thuận, một vài trường, lớp vận hành dạy học trực tuyến thành công không có nghĩa hình thức học này không thể hiện những bất cập và cần được quan tâm cải thiện.

Ví như, để dạy học trực tuyến tại các nhà trường, địa phương đạt hiệu quả cao, GV phải tương tác với HS trong quá trình dạy học. Có như vậy mới biết HS hiểu bài ra sao, chuẩn bị bài đến đâu, cần tháo gỡ điều gì? Mặt khác, trước khi GV soạn bài giảng online phải hiểu rõ năng lực, trình độ tiếp thu của HS mức nào, yếu khía cạnh nào… mới cho ra một bài giảng phù hợp.

Cô Đinh Thị Phương Anh – Hiệu trưởng Trường THCS Lương Yên (Hai Bà Trưng – Hà Nội) cho biết: Nhà trường đã yêu cầu tất cả GV bộ môn cùng học trực tuyến với HS. Trên cơ sở nắm bắt nội dung bài học vừa diễn ra GV phải giao bài ngay trong ngày để HS làm. Điều này sẽ giúp GV tăng cường tương tác với HS, nắm bắt được kiến thức HS tới đâu? Có tham gia học trực tuyến hay không? Việc giao và chấm bài cho HS hàng ngày cũng là cơ sở dữ liệu để hiểu HS còn yếu, thiếu gì về kiến thức sau học trực tuyến. Từ đó có giải pháp bù đắp sau khi HS trở lại trường học.

Rõ ràng, việc đốc thúc, nắm chắc trình độ năng lực HS sau khi học, tăng cường tương tác trong quá trình dạy học trực tuyến, nâng cao năng lực hiệu quả giảng dạy của GV… là điều kiện tiên quyết cho chất lượng dạy học trực tuyến. Nếu GV buông lơi, không trao đổi, không điều chỉnh kiến thức, nội dung, phương pháp… vô hình trung học trực tuyến qua truyền hình và học online theo nhóm lớp sẽ biến HS thành người “xem ti vi”, dự giờ thay vì chủ động học tập.

Ban giám hiệu cần kết hợp cùng tổ chuyên môn thường xuyên kiểm duyệt xem nội dung bài giảng có nằm trong chương trình không? Dạy trong bao nhiêu tiết và khoảng thời gian nào? Việc động viên ý thức học tập của HS trong quá trình dạy học trực tuyến từ phía thầy cô, nhà trường cũng vô cùng quan trọng để khích lệ các em. Chỉ khi nào GV đạt tới sự tỉ mỉ ở hầu hết các khâu, cùng với điều kiện của dạy học trực tuyến bảo đảm khi đó mới đạt hiệu quả cao nhất… - Thầy Nguyễn Minh Thuận 

https://giaoducthoidai.vn/day-hoc-truc-tuyen-de-khong-manh-ai-nay-lam-20200330101858745.html

  • Từ khóa