Dạy online: Giảng viên, Giáo sư đầu ngành cũng phải tập làm sinh viên

Thứ 3, 14.04.2020 | 08:16:10
913 lượt xem

Dạy và học online không chỉ là thách thức với học sinh, sinh viên, mà ngay cả các giảng viên giàu kinh nghiệm cũng phải nỗ lực.

Từng học vài khóa học online, PGS.TS Ngô Thị Phượng chưa bao giờ nghĩ rằng sẽ có lúc cô phải trải nghiệm tương tự với tư cách là người dạy.

Khoa Triết học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (DDHQG Hà Nội) nơi cô Phượng công tác, dạy môn Triết học và Chủ nghĩa xã hội khoa học cho toàn ĐHQG HN.

Hiện tại, cô Phượng dạy 2 lớp, một lớp cho Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn, một lớp cho Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, với hai nền tảng khác nhau. Số sinh viên mỗi lớp khoảng 80. Từ 13/4, số lớp sẽ tăng lên.

day online mua dich: giang vien, giao su dau nganh cung phai tap lam sinh vien hinh 1
Để làm quen với cách dạy online, nhiều giảng viên cũng phải tự thay đổi và học hỏi thêm. (Ảnh minh họa, USSH)

Mỗi tiết dạy online tương ứng với một tiết dạy trực tiếp. Để tránh nhàm chán cho người nghe, trong một buổi lên lớp (3 tiết), thời gian giảng viên thuyết trình giảm đi, tăng thời gian để sinh viên tương tác với thầy, cô và sinh viên làm việc nhóm với nhau. 

Ngoài thời gian trực tiếp lên lớp, cô Phượng còn phải thực hiện nhiều việc trên khóa học như tạo ra các diễn đàn để giao bài tập, chủ đề thảo luận; thường xuyên kiểm tra các diễn đàn đó và trao đổi lại với sinh viên.

“Khó khăn lớn nhất khi chuyển đổi là tâm lý e ngại, sợ không tiếp thu được công nghệ này. Các cô có tuổi nên tiếp thu chậm hơn cán bạn trẻ”, PGS Ngô Thị Phượng chia sẻ.

Để theo kịp tiến độ chung của nhà trường, để sinh viên không phải nghỉ học nhiều, cô đã dành trọn hai tuần chuẩn bị, vừa đi tập huấn, vừa tự đọc tài liệu hướng dẫn, mày mò, không hiểu chỗ nào là gọi nhờ hỗ trợ luôn. 

Cô Phượng chia sẻ, cô cùng một nhóm giáo viên khác phải cùng vào lớp của nhau, vừa đóng vai sinh viên, vừa làm thầy, tập nói trước máy tính và thực tập các tương tác trên phần mềm. 

Không chỉ cô Phượng sút 2 kg trong 2 tuần, mà hầu hết thầy, cô đều bơ phờ. Bù lại, nỗ lực, quyết tâm của các giảng viên đã được đền đáp. Các khóa học online được thiết lập, giáo áo được thiết kế, hệ thống bài tập, câu hỏi hoàn tất, hệ thống học liệu sẵn sàng.

“Buổi đầu tiên dạy sinh viên cũng hơi ngượng một chút. Sau đó, mọi việc đều rất ổn”, PGS. TS Ngô Thị Phượng chia sẻ.

PGS Ngô Thị Phượng đánh giá, với công cụ và quy trình của trường, kết quả học tập của sinh viên là khách quan, chính xác. “Tuy nhiên, với những môn chung, nhiều thầy dạy một môn học, cần có sự thống nhất của bộ môn trong đánh giá kết quả, tránh trường hợp mỗi thầy, cô đánh giá một kiểu, thì sẽ không công bằng giữa các sinh viên”.

Giáo sư hơn 70 tuổi cũng phải thay đổi để thích nghi

Còn với GS.TS Lâm Thị Mỹ Dung, nữ Giáo sư Khảo cổ học duy nhất của Việt Nam nay đã ngoài 70 tuổi, việc chuyển đổi từ dạy học truyền thống sang học trực tuyến là cả một quá trình. Trước đây, dù thực hiện một số hoạt động chuyên môn qua mạng, nhưng cô chưa từng dạy online.

day online mua dich: giang vien, giao su dau nganh cung phai tap lam sinh vien hinh 2
Tiết dạy online của Cô Lâm Thị Mỹ Dung. 

“Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn đã triển khai giảng dạy qua website môn học từ lâu, sử dụng nhiều công nghệ hiện đại, tuy nhiên chủ yếu là các thầy cô giáo trẻ tham gia. Lúc đó tôi thực sự không hào hứng lắm”, cô Dung chia sẻ thật.

 Sinh viên nghỉ học, trường tập huấn giảng viên dạy trực tuyến, còn GS Lâm Thị Mỹ Dung đã vô cùng lo lắng vì luôn nghĩ mình đã lớn tuổi. Liệu có đủ khả năng đáp ứng hình thức dạy mới này? 

Nhưng tình thế buộc mỗi người cô, mỗi người thầy phải tìm cách thích ứng, làm hết sức vì sinh viên, bởi vậy, GS Lâm Thị Mỹ Dung cùng các giảng viên U60, U70 đã nhận được sự trợ giúp từ trường và các cô Dung cũng như nhiều giảng viên khác sẵn sàng thay đổi để thích nghi.

 “Không biết thì hỏi, không biết thì học. Người trẻ có thể chỉ cần một giờ để học, người lớn tuổi  như tôi sẽ mất nhiều thời gian hơn. Để khắc phục, chỉ có học và hỏi là cách nhanh nhất”, cô Dung nói.

Cô thường thiết kế các chủ đề bài tập khiến sinh viên phải sử dụng cả kiến thức thu được từ bài giảng và cả đọc tài liệu bắt buộc; thiết kế bài giảng sinh động hơn bằng video, phim ngắn, … Cô “chat” với sinh viên, vừa để kiểm tra sự tích cực của người học vừa lồng ghép các quan điểm khác nhau về vấn đề đang lên lớp. 

Hai môn chuyên đề sau đại học của Bộ môn Quản lý Văn hóa và Khảo cổ học sắp diễn ra. Cô tiếp tục tìm tòi để cải tiến chất lượng lên lớp online, thiết kế môn học hướng tới tăng tính chủ động của học viên cũng như liên hệ nhiều hơn với thực tiễn công việc mà họ đang đảm nhận. 

Bên cạnh phần mềm của trường, cô chủ động học sử dụng các tính năng của Google Meet, Google class room, ... để đa dạng hóa cách tương tác. Cô tận dụng các kênh khác như email, Facebook để nhắc nhở và cung cấp thông tin cho sinh viên.

Càng học và càng dạy, GS Lâm Thị Mỹ Dung càng khám phá ra nhiều ưu điểm của phương thức online. Sinh viên tích cực và chủ động hơn, học được nhiều kỹ năng và thoải mái đưa ra ý kiến của mình. Các em làm bài tập sau mỗi bài học; quá trình nộp bài, chấm bài thuận tiện; điểm được tích hợp ngay nên sinh viên kịp thời kiểm tra điểm và nhận xét của giảng viên.

Cô Mỹ Dung đánh giá, việc kiểm tra online khá chính xác và khách quan, tất nhiên phụ thuộc vào cách tương tác, kiểm tra thái độ sinh viên khi lên lớp. 

Dẫu vậy, như bao người, “cô trò mong dịch qua mau để gặp nhau trên lớp, để đi bảo tàng, …”. GS Lâm Thị Mỹ Dung chia sẻ và cho rằng, dạy-học lý tưởng nhất là kết hợp giữa hai hình thức trực tiếp và trực tuyến với tỷ lệ 70/30%.

GS.TS Hoàng Anh Tuấn, Phó Hiệu trưởng trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn chia sẻ, những ngày đầu tháng 3, 22 giờ đêm, hàng chục giảng viên của trường vẫn ngồi trước màn hình máy tính ở nhà, đóng vai sinh viên. Họ tham gia vào một buổi học trực tuyến, thử nghiệm hệ thống platform phần mềm tích hợp. Cùng học với cô Mỹ Dung, các giảng viên khác, còn có cả ban giám hiệu nhà trường.

Tính đến đầu tháng 4/2020, sau hơn 3 tuần triển khai, trường có khoảng 300 giảng viên tham gia dạy trực tuyến ở gần 800 lớp môn học; khoảng 40.000 lượt sinh viên học tập hàng tuần. Con số này sẽ tăng nhẹ trong những tuần tới vì một số lớp sau đại học bắt đầu được triển khai. Đến nay, số lớp môn học và lượt người học đạt khoảng 90% so với đăng ký vào đầu học kỳ”.

GS TS Hoàng Anh Tuấn cho hay, khi các trường bắt đầu triển khai đào tạo trực tuyến một cách quy mô từ ngày 9/3, các văn bản hướng dẫn về tổ chức thực hiện và công nhận kết quả còn chưa đồng bộ, nên một số đơn vị gặp khó khăn nhất định. Nhưng sau khi Bộ GD-ĐT có những hướng dẫn cụ thể hơn, các trường thuận lợi hơn nhiều trong quá trình triển khai. 

“Trong 3 tuần đầu, thầy, trò phản hồi rất tích cực về kết quả dạy-học trực tuyến, mặc dù chưa hết những khó khăn. “Khó khăn chủ yếu nằm ở hạ tầng cơ sở như băng thông, đường mạng… và yêu cầu tiến độ. Dù vậy, việc dạy và học trực tuyến đã căn bản đi vào ổn định”, GS Hoàng Anh Tuấn khẳng định./.


Nguyễn Trang/VOV.VN

https://vov.vn/xa-hoi/giao-duc/day-online-giang-vien-giao-su-dau-nganh-cung-phai-tap-lam-sinh-vien-1036618.vov

  • Từ khóa