Giới khoa học cho rằng những trường hợp dương tính dù đã tiêm vaccine Covid-19 không phải là hiếm. Điều này cũng không có nghĩa vaccine hay cách triển khai việc tiêm phòng có vấn đề.
Hôm 29/1, văn phòng hạ nghị sĩ bang Massachusetts, Mỹ, Stephen Lynch thông báo ông xét nghiệm dương tính với nCoV dù đã chủng ngừa hai liều vaccine Covid-19 của hãng Pfizer/BioNTech.
Giới chức Isarel hôm 4/1 công bố trong số gần một triệu người dân được tiêm vaccine Pfizer, khoảng 240 người được xác định mắc Covid-19 vài ngày sau khi tiêm.
Trước đó, tháng 12/2020, Matthew W., một y tá 45 tuổi ở thành phố San Diego của Mỹ, dương tính với nCoV sau vài ngày được tiêm vaccine của Pfizer-BioNTech.
Một người đàn ông ở Jerusalem được tiêm vaccine ngày 30/12. Ảnh: Flash90
Các nguyên nhân thật sự khiến nhiều người vẫn mắc Covid-19 sau khi chủng ngừa vaccine là:
Vaccine không có tác dụng ngay lập tức. Cơ thể con người cần một vài tuần để tăng cường hệ miễn dịch sau khi tiêm. Những vaccine như Pfizer và Modern đều cần tiêm liều thứ hai sau 21-27 ngày tiêm lần một để đạt hiệu quả tối đa.
Vaccine không phản tác dụng. Một người có thể nhiễm nCoV từ trước khi tiêm phòng mà không hay biết, kể cả khi được xét nghiệm âm tính trong thời gian gần đó. Trước khi vaccine phát huy hoàn toàn khả năng, bệnh vẫn có thể phát triển sau khi tiêm. Vì thế, bạn vẫn có thể bị dương tính.
Vaccine chống lại Covid-19, nhưng chưa chắc ngăn lây truyền nCoV. Vaccine được cấp phép nhờ khả năng ngăn chặn nguy cơ người bệnh bị ốm nặng, phải nhập viện hoặc tử vong. Các nhà khoa học chưa xác định được hiệu quả của vaccine trong việc phòng tránh lây nhiễm nCoV. Kể cả loại vaccine tốt nhất cũng không hoàn hảo. Hiệu quả của vaccine Pfizer-BioNTech và Moderna cực kỳ cao, nhưng không phải 100%. Trước tình trạng virus lây lan trong cộng đồng, những người đã tiêm vaccine vẫn có thể bị nhiễm nCoV.
Mai Dung/Vnexpress.net
https://vnexpress.net/tai-sao-tiem-vaccine-van-nhiem-ncov-4229563.html