Phát hiện mới cho thấy con người có thể sống lâu hơn mà không cần ăn ít hơn

Thứ 4, 10.02.2021 | 08:21:01
328 lượt xem

Các nhà khoa học tại trường Đại học Monash của Australia vừa đưa ra những nghiên cứu mới về vai trò của protein và cholesterol trong chế độ ăn uống có thể ảnh hưởng đến quá trình lão hóa.

Trong gần một thế kỉ qua, các nhà khoa học đã biết được rằng việc hạn chế khẩu phần ăn một cách vừa phải, đặc biệt là lượng protein tiêu thụ có thể kéo dài tuổi thọ ở nhiều loài động vật, nhưng họ chưa giải thích được lí do. 

Tác giả chính của nghiên cứu, Brooke Zanco, một tiến sĩ khoa học tại Trường Khoa học Sinh học Đại học Monash, cho biết: “Trong lịch sử, các thành phần chính của chế độ ăn uống, chẳng hạn như protein, carbohydrate và chất béo, là trọng tâm của các nghiên cứu về lão hóa. Điều này là do chế độ ăn ít protein liên tục kéo dài tuổi thọ trên nhiều loại động vật”. 

Nếu ruồi ăn chế độ giàu protein, cơ thể chúng được kích hoạt để đảm bảo các chất dinh dưỡng chính (chẳng hạn như cholesterol) sẽ được sản sinh như một cơ chế để duy trì cơ thể. Điều này làm giảm tuổi thọ của loài ruồi.

“Cho đến nay, chúng tôi nghĩ rằng chế độ ăn ít protein làm giảm khả năng sinh sản, từ đó làm tăng tuổi thọ của động vật. Tuy nhiên, sự sinh sản không phải là vấn đề” đồng tác giả của nghiên cứu, Tiến sĩ Matthew Piper, một người cũng đến từ trường Khoa học Sinh học, cho biết.

Ông nhấn mạnh “Thay vào đó, chúng tôi nhận thấy rằng lượng protein trong khẩu phần ăn tăng lên làm tăng sự sinh sản. Điều này làm cạn kiệt nguồn dự trữ vi chất dinh dưỡng quan trọng với tốc độ nhanh hơn tốc độ chúng có thể được bổ sung. Chính sự suy giảm thứ cấp của vi chất dinh dưỡng cholesterol đã làm giảm tuổi thọ của chúng". Cùng quan điểm với tiến sĩ Piper, tiến sĩ Brooke cho rằng vấn đề không phải là protein, mà là sự thiếu hụt vi chất dinh dưỡng.  

Nhóm nghiên cứu phát hiện ra rằng họ có thể kéo dài tuổi thọ của ruồi bằng cách cho chúng ăn nhiều vi chất dinh dưỡng hơn hoặc cho chúng uống một loại thuốc để ngăn chặn sự sinh sản. Ruồi có nhu cầu sinh lý về cholesterol khác với con người. Chúng cần cholesterol trong chế độ ăn nhưng con người có thể tự tạo ra cholesterol. Ruồi cũng có một hệ thống tuần hoàn khác với con người và mạch máu của chúng cũng không bị tắc nghẽn bởi các mảng cholesterol như con người. 

Tuy nhiên, cũng có các thành phần dinh dưỡng thiết yếu mà con người chỉ cần một lượng rất nhỏ (ví dụ các loại vitamin như folate và B12) và nhu cầu đối với những thành phần này tăng lên đặc biệt khi sinh sản. Đây là lý do tại sao phụ nữ mang thai thường được khuyến khích bổ sung folate trong thai kỳ.

Tiến sĩ Piper cho biết: “Nghiên cứu này giúp chúng tôi hiểu rõ hơn về cơ sở vận hành của chế độ ăn kiêng và quá trình lão hóa. Con người nhịn ăn hoặc hạn chế lượng calo nạp vào với hy vọng được sống lâu hơn và khỏe mạnh hơn, nhưng nghiên cứu cho thấy rằng con người có thể không cần phải ăn ít lại để sống lâu và khỏe mạnh hơn mà thay vào đó là một chế độ ăn giàu dinh dưỡng và cân bằng”. 

Cần có những nghiên cứu sâu hơn để xác định xem sự đánh đổi phụ thuộc vào chất dinh dưỡng này có xảy ra ở những động vật khác có chế độ ăn giàu protein hay không. Nhóm nghiên cứu hiện đang xem xét cụ thể làm cách nào việc giảm cholesterol trong chế độ ăn có thể gây giảm tuổi thọ./.


PV/VOV.VN

https://vov.vn/suc-khoe/phat-hien-moi-cho-thay-con-nguoi-co-the-song-lau-hon-ma-khong-can-an-it-hon-835256.vov

  • Từ khóa