Ngoài 1 trường hợp đã tử vong và 2 người khác đang trong quá trình điều trị, Bệnh viện Nhân Dân 115 vừa tiếp nhận thêm 3 người trong tình trạng nguy kịch sau khi ăn pate chay tại Bình Dương.
Sáng 27/3, Bác sĩ Trần Văn Sóng, Phó giám đốc Bệnh viện Nhân Dân 115 cho biết, bệnh viện vừa tiếp nhận thêm 3 trường hợp ngộ độc sau khi ăn pate chay. Cùng với nữ bệnh nhân đang điều trị, tổng số bệnh nhân trong vụ việc này được bệnh viện tiếp nhận là 4 trường hợp.
Bệnh nhi bị ngộ độc sau khi ăn pate chay đang được điều trị tích cực tại Bệnh viện Nhi Đồng 2, TPHCM.
Tất cả các trường hợp vừa nhập viện đều ở Bình Dương đã cùng ăn bún riêu chay, chả chay, pate chay vào ngày 20/3 do gia đình bà C.N.H. nấu tại miếu Chiêu Liêu ở thị trấn An Thạnh (huyện Thuận An, Bình Dương) cho nhiều người cùng ăn. Trong đó món pate bị phồng nắp, khi ăn mọi người đều cảm nhận có vị chua.
Sau bữa ăn, các bệnh nhân đều gặp những biểu hiện tương tự như khó nói, yếu cơ, khó thở, diễn tiến suy hô hấp nhanh. Sau khi nhập viện, được bác sĩ cấp cứu, điều trị tích cực hiện bệnh nhân C.N.H. (SN: 1968, ngụ tại An Thạnh, Thuận An) đã tiếp xúc, hiểu ý khi được hỏi, sức cơ tứ chi có cải thiện nhưng vẫn còn sụp mi.
Các bệnh nhân mới nhập viện gồm Đ.Đ.L.U. (SN: 1979, ngụ thị xã Thủ Dầu Một) đã tiếp xúc, sức cơ tứ chi cải thiện tích cực, vẫn còn sụp mi, hé mắt khi được gọi tên. Bệnh nhân T.T.N.Đ. (SN: 1978, ngụ thị xã Thủ Dầu Một, Bình Dương) sức chi đã đạt 3/5, tiếp xúc được. Bệnh nhân T.N.K.N. (SN: 1999) có cải thiện sức cơ, nhưng tình trạng sụp mi còn nặng. Hiện cả 4 bệnh nhân đã được đặt nội khí quản, thở máy, điều trị tích cực tại khoa Hồi sức Tích cực Chống độc của bệnh viện.
Đến nay, vụ ngộ độc này đã xác định được 6 nạn nhân, trong đó một ca bệnh điều trị tại Chợ Rẫy đã tử vong, một bệnh nhi đang điều trị tại Bệnh viện Nhi Đồng 2 sức khỏe đang dần bình phục. Để ngăn chặn nguy cơ ngộ độc trong cộng đồng, Sở Y tế TPHCM đã khuyến cáo cộng đồng tạm ngừng ăn pate chay.
Vân Sơn/dantri.com.vn