Những năm qua, chất lượng khám chữa bệnh (KCB) của Trung tâm Y tế huyện Bình gia đã được nâng lên rõ rệt do được sự hỗ trợ đào tạo từ Dự án thí điểm đưa bác sĩ trẻ tình nguyện về công tác tại miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn (Dự án 585) của Bộ Y tế. Qua đó, chất lượng KCB, chăm sóc sức khỏe (CSSK) cho Nhân dân trên địa bàn được nâng lên.
Dự án 585 được Bộ Y tế triển khai thực hiện từ năm 2013 với việc đưa các bác sĩ trẻ về công tác tại 62 huyện nghèo trên cả nước. Đến năm 2020, đã có gần 500 bác sĩ trẻ được đào tạo và công tác tại các huyện nghèo trên cả nước. Tại Lạng Sơn, năm 2017, Bình Gia là 1 trong 2 huyện nghèo của tỉnh tham gia dự án. Ban đầu, việc thu hút bác sĩ trẻ về công tác tại huyện gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, sau khi dự án điều chỉnh, bổ sung thêm nhiều điều kiện mới như: mở rộng đối tượng tham gia là các bác sĩ được đào tạo liên thông tốt nghiệp loại khá, giỏi, bác sĩ đào tạo chính quy tốt nghiệp loại khá, giỏi đã được tuyển dụng vào làm việc tại các cơ sở y tế của tỉnh. Qua đó, nhiều bác sĩ trẻ đang công tác tại đơn vị đã được chọn lọc và gửi đi đào tạo.
Cán bộ Trung tâm Y tế Bình Gia thực hiện ca mổ nội soi
Bác sĩ Hoàng Duy Thiện, Giám đốc Trung tâm Y tế (TTYT) Bình Gia cho biết: Được sự tư vấn thường xuyên, liên tục của Ban Quản lý Dự án 585, từ 2017 đến nay, đơn vị đã cử 6 cán bộ tham gia dự án. Đơn vị trực tiếp lấy ý kiến, nguyện vọng của các bác sĩ đã được tuyển dụng vào biên chế của đơn vị có mong muốn công tác lâu dài tại đơn vị. Bên cạnh đó, trung tâm lựa chọn cán bộ có hộ khẩu thường trú tại địa bàn để cử đi đào tạo để có thể phục vụ lâu dài tại đơn vị.
Sau quá trình đào tạo 2 năm theo hình thức “cầm tay chỉ việc” tại Trường Đại học Y Hà Nội, các bác sĩ đã trở về đơn vị công tác. Qua đó, trung tâm đã phát triển được nhiều kĩ thuật mới như: phẫu thuật ngoại khoa, chẩn đoán hình ảnh, cấp cứu nhi, y học cổ truyền… Năm 2014, trung tâm mới có 7 bác sĩ chuyên khoa I (CKI), đến nay, đơn vị có 19 bác sĩ CKI (6 bác sĩ tham gia Dự án 585). Thời gian tới, TTYT Bình Gia tiếp tục cử thêm 2 cán bộ tham gia Đề án, góp phần nâng cao hơn nữa chất lượng KCB, đáp ứng nhu cầu CSSK của Nhân dân.
Bác sĩ CKI Bàn Văn Chiến, Khoa Ngoại tổng hợp, TTYT Bình Gia chia sẻ: Tôi là bác sĩ đầu tiên được đào tạo theo Dự án 585 trở về làm việc tại đơn vị. Với quy trình đào tạo bài bản, các bác sĩ, chuyên gia hướng dẫn tận tình, tôi đã có kinh nghiệm tham gia các ca mổ khó thuộc về cấp cứu ngoại khoa. Từ năm 2020 đến nay, tôi đã tham gia hơn 260 ca mổ chính, trên 550 ca phụ mổ đảm bảo an toàn.
Các bệnh nhân trên địa bàn huyện và các khu vực lân cận chính là những người trực tiếp được thừa hưởng kết quả của Dự án 585 đem lại. Trước đây, do thiếu bác sĩ, nhiều ca mổ như: mổ ruột thừa, nội soi thường được chuyển lên các bệnh viện tuyến trên, vừa mất thời gian, vừa tốn kém chi phí hiện nay, người dân đã được can thiệp mổ thành công ngay tại TTYT huyện. Anh Hoàng Văn Chuyền, thôn Tòng Chu 2, xã Hoàng Văn Thụ, huyện Bình Gia cho biết: Tôi bị viêm ruột thừa cấp, sau khi phẫu thuật thành công, hiện nay sức khỏe đã ổn định. Tôi cảm ơn các bác sĩ tại TTYT Bình Gia đã phẫu thuật cho tôi.
Dự án 585 là bước đột phá của ngành y tế trong việc tiến tới đảm bảo đủ số lượng nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn, kĩ thuật cao đáp ứng nhu cầu CSSK Nhân dân ở các địa phương có điều kiện khó khăn. Ông Lương Văn Tiến, Trưởng Phòng Tổ chức cán bộ, Sở Y tế cho biết: Dự án 585 tại Lạng Sơn đã được triển khai tại 6 huyện: Bình Gia, Đình Lập, Văn Quan, Cao Lộc, Lộc Bình, Tràng Định đã góp phần nâng cao chất lượng KCB tại cơ sở, tạo cơ hội cho Nhân dân tiếp cận các dịch vụ y tế chất lượng cao. Thời gian tới, Sở Y tế tiếp tục làm việc với Ban quản lý Dự án 585 để nhiều bác sĩ trên địa bàn có cơ hội học tập, nâng cao tay nghề.
Thực tế cho thấy, Dự án 585 đang góp phần nâng cao chất lượng KCB cho Nhân dân vùng khó khăn. Mong rằng, với tinh thần, nhiệt huyết, tài năng của các y, bác sĩ trẻ sẽ tích cực tham gia dự án để phục vụ tốt nhất nhu cầu CSSK của Nhân dân trên địa bàn.
TRIỆU THÀNH/BAOLANGSON.VN