Hiện tại, nước ta đang bước vào giai đoạn giao mùa đông xuân với kiểu thời tiết nồm ẩm rất đặc trưng. Đây cũng là thời cơ để nhiều mầm bệnh sinh sôi và tấn công con người.
Theo nhận định của TS.BS Vũ Minh Điền, Phó Giám đốc Trung tâm phòng chống dịch, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (Hà Nội), kiểu thời tiết như hiện nay là điều kiện rất thuận lợi để các bệnh lây truyền do virus gia tăng.
TS.BS Vũ Minh Điền, Phó Giám đốc Trung tâm phòng chống dịch, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (Hà Nội)
BS Điền phân tích, mùa đông xuân hay có mưa phùn làm độ ẩm tăng cao, trong khi đó nhiệt độ lại không quá cao là điều kiện thuận lợi cho các vi sinh vật phát triển. Ngoài ra, việc cường độ ánh sáng mặt trời thấp trong giai đoạn này cũng giúp vi sinh vật tồn tại lâu hơn, bởi ánh sáng mặt trời có tia UV sẽ giúp sát khuẩn.
"Từ thực tế lâm sàng, trong thời điểm này hàng năm đều là mùa cao điểm các bệnh do virus như: sởi, quai bị, thủy đậu, rubella,…", BS Điền nhấn mạnh.
Để giúp bảo vệ bản thân và gia đình trong giai đoạn giao mùa nhạy cảm này, theo BS Điền, có 3 giải pháp chính mà chúng ta có thể áp dụng:
Tiêm phòng vắc xin
Tiêm vắc xin là giải pháp hiệu quả để phòng ngừa các bệnh do virus đặc trưng vào mùa đông xuân.
Những bệnh như: cúm, sởi, quai bị, thủy đậu, rubella đều có vắc xin phòng bệnh và đa số đã được đưa vào Chương trình tiêm chủng mở rộng. Tuy nhiên, có một số trường hợp trước đây Chương trình tiêm chủng mở rộng chưa phủ hết được hoặc có khoảng trống miễn dịch thì nên tiêm lại.
Tiêm vắc xin là giải pháp hiệu quả để phòng ngừa các bệnh do virus đặc trưng vào mùa đông xuân (Ảnh minh họa).
Theo BS Điền, đối với sởi kể cả khi tiêm chủng đầy đủ, khả năng miễn dịch cũng có thể không bền vững. Sau 5-15 năm, lượng kháng thể giảm xuống chúng ta cần tiêm nhắc lại để đảm bảo lượng kháng thể bảo vệ.
Đối với thủy đậu và rubella, những người có nguy cơ cao nếu bị bệnh thì việc tiêm chủng là rất cần thiết.
BS Điền cho hay: "Những sản phụ mang thai quý đầu nếu nhiễm virus rubella, thai nhi sẽ có nguy cơ bị dị dạng rất cao. Do đó, phụ nữ khi có ý định mang thai cần chủ động đi tiêm phòng. Với thủy đậu, những cơ địa có sức đề kháng suy giảm như: bị suy giảm miễn dịch bẩm sinh hoặc ung thư, bệnh hệ thống tự miễn, suy gan,… nếu không may bị thủy đậu bệnh sẽ lan tràn rất nhanh. Do đó, đây là các đối tượng hàng đầu cần tiêm phòng căn bệnh này".
Sởi là một trong những bệnh thường bùng phát mạnh trong giai đoạn hiện nay.
Đối với bệnh cúm, BS Điền khuyến cáo, những người nguy cơ diễn tiến nặng khi mắc như người có bệnh nền hen phế quản, phổi tắc nghẽn mạn tính rất nên tiêm phòng cúm.
"Nhìn chung, mùa đông xuân rất hay gặp các bệnh do virus. Vì vậy, tùy vào nguy cơ của bản thân mà mỗi người nên cân nhắc giải pháp tiêm phòng phù hợp, để tạo lá chắn bảo vệ trước bệnh tật", BS Điền nói.
Loại trừ nguy cơ từ không gian sống
Giữ cho môi trường sống sạch bệnh là một trong những yếu tố quan trọng để phòng bệnh mùa đông xuân. Theo BS Điền, bên cạnh vệ sinh định kì các bề mặt, còn cần phải đảm bảo không gian sống thông thoáng tránh không khí tù đọng.
BS Điền khuyến cáo: "Sống trong nhà có không khí tù đọng rất dễ mắc các bệnh về đường hô hấp. Bên cạnh đó, vào những ngày có nắng, các gia đình nên mở cửa để ánh nắng có thể lọt vào nhà, giúp tiêu diệt mầm bệnh. Nếu có điều kiện có thể mua thêm máy lọc không khí có màng lọc hepa. Loại màng lọc này có thể hút và giữ lại các loại vi sinh vật, bào tử nấm bệnh. Thậm chí, màng lọc hepa loại tốt có thể lọc được virus".
Cũng theo chuyên gia này, người cao tuổi và trẻ em là những đối tượng có nguy cơ cao trước bệnh tật. Do đó, người cao tuổi và trẻ em nên được ưu tiên bố trí không gian sống thông thoáng, có nhiều cửa sổ.
Duy trì một lối sống lành mạnh
Để tăng cường "lá chắn" tự nhiên của cơ thể trước các mầm bệnh, theo BS Điền, mọi người cần xây dựng cho mình một thói quen ăn uống, sinh hoạt khoa học.
Chúng ta nên bổ sung các loại thực phẩm giàu vitamin và khoáng chất như rau xanh, hoa quả vào bữa ăn hàng ngày, có phương pháp nghỉ ngơi, tập thể dục điều độ.
Bên cạnh đó, để hạn chế nguy cơ lây nhiễm mầm bệnh trong môi trường, cần tập thói quen vệ sinh tay trước khi chế biến thức ăn và sau khi đi vệ sinh.
Minh Nhật/dantri.com.vn