Việt Nam sẽ hoàn thành chiến dịch tiêm chủng lớn nhất lịch sử như thế nào?

Chủ nhật, 20.06.2021 | 14:51:28
1,418 lượt xem

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 lần này là chiến dịch có quy mô lớn nhất trong lịch sử tiêm chủng ở nước ta.

Tiêm chủng vừa kịp tiến độ vừa đảm bảo an toàn

Để chấm dứt đại dịch Covid-19, Việt Nam đã khởi động chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 toàn quốc. Bộ Y tế đang tiếp tục tìm kiếm thêm vắc xin từ các nguồn cung ứng trên toàn cầu để đạt mục tiêu 150 triệu liều vắc xin.

Việt Nam sẽ hoàn thành chiến dịch tiêm chủng lớn nhất lịch sử như thế nào? - 1

PGS.TS Trần Đắc Phu trả lời độc giả tại buổi giao lưu trực tuyến "Những điều cần biết khi tiêm vắc xin phòng Covid-19" do Báo Điện tử Dân trí tổ chức.

Chia sẻ tại buổi giao lưu trực tuyến "Những điều cần biết khi tiêm vắc xin phòng Covid-19" do Báo Điện tử Dân trí tổ chức chiều 18/6, PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam cho hay, mục tiêu của chiến dịch này là khoảng 70% dân số được tiêm chủng, để đạt được miễn dịch cộng đồng.

Chính phủ đã giao cho Bộ Y tế kết hợp với Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Thông tin và Truyền thông… để mở một chiến dịch tiêm chủng vắc xin lớn chưa từng có từ trước tới nay. Đặc biệt có sự chỉ đạo của chính quyền các cấp trên địa bàn.

Theo PGS Phu, có nhiều giải pháp được đưa ra để có thể đáp ứng được tiến độ tiêm chủng trong chiến dịch này, đó là:

- Triển khai trên phạm vi tất cả các điểm tiêm chủng đã có trên toàn quốc (khoảng 14.000 điểm tiêm chủng).

- Thiết lập thêm các hệ thống tiêm chủng khác. Triển khai các hình thức ngoài tiêm chủng cố định, ví dụ như kết hợp các điểm tiêm chủng lưu động tại các nhà máy, khu tập trung đông người.

- Ứng dụng công nghệ thông tin trong việc đăng ký theo dõi, cấp giấy chứng nhận sau tiêm chủng.

- Tăng cường thời gian thực hiện tiêm chủng trong ngày.

"Với các giải pháp đó, chúng ta sẽ nhanh chóng triển khai đạt tiến độ khi có vắc xin. Tuy vậy, cũng phải nhấn mạnh rằng, tiêm chủng đến đâu phải an toàn đến đó và phải thuận lợi cho người dân", PGS Phu nhấn mạnh.

Ông cũng lưu ý rằng, Việt Nam có kinh nghiệm trong tổ chức chiến dịch tiêm chủng, đặc biệt đã thực hiện thành công chiến dịch tiêm vắc xin Sởi và Rubella cho 23 triệu trẻ em Việt Nam vào năm 2015.

Việt Nam sẽ hoàn thành chiến dịch tiêm chủng lớn nhất lịch sử như thế nào? - 2

"Phải nhấn mạnh rằng, tiêm chủng đến đâu phải an toàn đến đó và phải thuận lợi cho người dân", PGS Phu chia sẻ.

PGS Phu phân tích: "Khi đạt được miễn dịch cộng đồng (trên phạm vi quốc gia) thì tình hình dịch đã được khống chế và dịch không thể bùng phát lớn được nhưng có thể vẫn còn có những ca bệnh rải rác. Tùy từng tình hình mà chúng ta áp dụng những biện pháp phòng chống dịch một cách hợp lý".

Tác dụng của vắc xin là rất lớn. Đặt tình huống có chủng virus xuất hiện mới, nếu vắc xin vẫn còn tác dụng tới các chủng virus thì không phải áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội, phong tỏa một cách nghiêm ngặt và rộng khắp gây ảnh hưởng tới kinh tế xã hội như hiện nay.

Sau khi tiêm vắc xin vẫn cần tuân thủ 5K

Giải đáp thắc mắc của độc giả về việc một số trường hợp được tiêm đủ 2 mũi vắc xin nhưng vẫn mắc Covid-19, theo PGS Phu, việc nghiên cứu vắc xin phải mất 4-5 năm và có vắc xin mất đến 10 năm, riêng vắc xin phòng Covid-19 vừa nghiên cứu và sản xuất để đưa ra tiêm đại trà trong chưa đầy một năm nên đều được cấp phép trong điều kiện khẩn cấp.

Việt Nam sẽ hoàn thành chiến dịch tiêm chủng lớn nhất lịch sử như thế nào? - 3

Các vắc xin khác nhau có những hiệu quả phòng bệnh khác nhau có loại đạt trên 90% nhưng cũng có loại chỉ đạt trên 60%. Tuy vậy chắc chắn sau tiêm vắc xin Covid-19 sẽ làm giảm nhẹ được triệu chứng mắc bệnh nặng cũng như giảm tỷ lệ tử vong.

"Việt Nam hiện đã cấp phép cho các loại vắc xin: AstraZeneca, Sputnik V, Sinopharm, Pfizer. Trong thời gian tới sẽ có thể cho phép một số vắc xin khác được nhập khẩu và lưu hành tại Việt Nam", PGS Phu cho hay.

Tuy nhiên, chuyên gia này cũng lưu ý rằng, đối với vắc xin Covid-19 vẫn chưa biết được thật rõ ràng khả năng phòng chống bệnh ở mức độ nào và có những người sau tiêm cũng có thể chưa có khả năng bảo vệ không mắc bệnh đối với Covid-19. Vì vậy, ngay cả khi đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin, việc thực hiện 5K là vô cùng cần thiết.


Minh Nhật/dantri.com.vn

https://dantri.com.vn/suc-khoe/viet-nam-se-hoan-thanh-chien-dich-tiem-chung-lon-nhat-lich-su-nhu-the-nao-20210620090323790.htm

  • Từ khóa