Chiều 16/7, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Ðức Ðam, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 có cuộc họp giao ban trực tuyến với lãnh đạo các tỉnh, thành phố phía nam về công tác phòng, chống dịch.
Công ty TNHH Daikan Việt Nam, KCN Amata (Ðồng Nai) dựng lều ngủ cho công nhân ở lại nhà máy. Ảnh: THIÊN VƯƠNG
Tại cuộc họp, bên cạnh việc nêu rõ những khó khăn trong công tác phòng, chống dịch trên địa bàn, lãnh đạo các địa phương kiến nghị Trung ương hỗ trợ về sinh phẩm, trang thiết bị y tế, vật tư chống dịch cũng như tháo gỡ vướng mắc, bảo đảm lưu thông hàng hóa giữa các địa phương, không để tình trạng ách tắc.
Hiện nay, TP Hồ Chí Minh và một số địa phương lân cận đã thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15/CT-TTg, Chỉ thị 16/CT-TTg, tuy nhiên, tình hình dịch bệnh vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, có nguy cơ lây lan ra các tỉnh, thành phố khác. Do đó, Phó Thủ tướng yêu cầu các tỉnh, thành phố khu vực phía nam phải nâng cao hơn nữa các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, chuẩn bị sẵn sàng cho tình huống xấu hơn, dịch lây lan rộng hơn.
Ngoài việc thực hiện truy vết, xét nghiệm, sàng lọc, làm sạch các ổ dịch, các địa phương phải có kế hoạch để giữ vững những khu vực an toàn. Phó Thủ tướng yêu cầu tất cả các tỉnh, thành phố kêu gọi nhân dân hạn chế đến mức thấp nhất việc đi ra khỏi nhà, chỉ ra ngoài khi có việc thật sự cần thiết. Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ để có chỉ đạo tiếp theo, trên tinh thần, có nhiều khả năng dịch bệnh diễn biến phức tạp hơn.
Phó Thủ tướng đề nghị các địa phương tiếp tục triển khai các biện pháp phòng, chống dịch theo tinh thần "bốn tại chỗ". Chính phủ quyết định giao Bộ Y tế mua sắm tập trung sinh phẩm trang thiết bị, vật tư y tế để hỗ trợ các tỉnh chủ động hơn trong công tác phòng, chống dịch.
Theo báo cáo của Bộ Y tế, trong ngày 16/7, Việt Nam ghi nhận thêm 3.336 ca mắc Covid-19 tại 32 tỉnh, thành phố trên cả nước, trong đó 15 ca cách ly ngay sau khi nhập cảnh và 3.321 ca trong nước. Trong tổng số ca mắc trong nước có 2.939 ca được phát hiện trong khu cách ly hoặc khu đã được phong tỏa, số còn lại đang điều tra dịch tễ. Trong ngày, có 332 người mắc Covid-19 được công bố khỏi bệnh.
Tiểu ban Ðiều trị (Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19) thông báo có 18 người chết do Covid-19. Ðây là người bệnh chết từ ngày 8/7 đến 14/7 tại TP Hồ Chí Minh, Ðồng Tháp, Long An, Ðồng Nai, Bình Dương, Bắc Ninh, Bắc Giang.
Ngày 16/7, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP Ðà Nẵng họp khẩn, thống nhất chủ trương áp dụng Chỉ thị số 16/CT-TTg tại địa bàn bốn phường, gồm: phường Hòa Khánh Bắc (quận Liên Chiểu; phường Thạc Gián, phường An Khê (quận Thanh Khê) và phường Hòa An (quận Cẩm Lệ), bắt đầu từ 0 giờ, ngày 17/7 cho đến khi có thông báo mới. Yêu cầu lãnh đạo các địa phương triển khai tổng thể việc tầm soát khu vực có nguy cơ để chủ động cho kế hoạch xét nghiệm trên toàn thành phố. Chủ tịch UBND các quận, huyện chịu trách nhiệm quyết định phong tỏa ở những khu vực có nguy cơ cao. Tại Ðà Nẵng có chín chuỗi lây nhiễm, trong đó, Công ty TNHH điện tử Việt Hoa (Khu công nghiệp Hòa Khánh) và chợ Hòa An (quận Cẩm Lệ) là các chuỗi lây nhiễm ca mắc mới nhiều nhất.
Ngày 16/7, Thường trực Tỉnh ủy An Giang họp chỉ đạo xử lý thông tin Bệnh viện đa khoa Hạnh Phúc, phường Mỹ Thới (TP Long Xuyên) đăng thông báo trên các trang thông tin do bệnh viện quản lý, với nội dung "Bệnh viện đa khoa Hạnh Phúc An Giang triển khai đặt trước vắc-xin phòng Covid-19 AstraZeneca". Tại buổi làm việc, Bí thư Tỉnh ủy đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo phải có biện pháp xử lý thỏa đáng trong ngày 16/7 để trả lời dư luận; khi xử lý xong phải có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế, Thường trực Tỉnh ủy An Giang. Ðồng thời, cần đánh giá tính chất, mức độ để giải quyết dứt điểm, để định hướng trấn an dư luận…
Tối 16/7, UBND tỉnh An Giang thông báo về việc xử lý vi phạm đối với Công ty cổ phần Bệnh viện đa khoa Hạnh Phúc An Giang. Theo đó, Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông quyết định phạt hành chính Công ty cổ phần Bệnh viện đa khoa Hạnh Phúc 50 triệu đồng.
Ngày 16/7, 12 đoàn của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội TP Hồ Chí Minh cùng hệ thống dân vận của toàn thành phố đã đi thăm và tặng quà 18 nghìn người đang điều trị F0 và 17 nghìn người cách ly tập trung trên địa bàn thành phố.
Toàn tỉnh Long An có khoảng hơn 42 nghìn người lao động làm công việc như bán hàng rong, buôn bán nhỏ lẻ không có địa điểm cố định; thu gom rác, phế liệu; bốc vác, vận chuyển hàng hóa; lái xe mô-tô hai bánh chở khách… Tùy vào từng nhóm đối tượng cụ thể sẽ được hỗ trợ một lần. Dự kiến, từ nay đến cuối tháng 7/2021, Long An sẽ hoàn thành việc hỗ trợ cho tất cả các đối tượng theo tinh thần của Nghị quyết 68, với tổng kinh phí gần 70 tỷ đồng.
Theo nhandan.vn
https://nhandan.vn/tin-tuc-y-te/tiep-tuc-cac-bien-phap-bon-tai-cho-trong-phong-chong-dich-655450/