Bộ Y tế cho biết trong số các ca mắc mới này có 2 ca nhập cảnh và 2.762 ca lây nhiễm trong nước. Hơn 2.000 tình nguyện viện đăng ký tham gia hỗ trợ chống dịch sau lời kêu gọi của Thứ trưởng Bộ Y tế.
Tính từ 18h30 ngày 26/7 đến 6h ngày 27/7 nước ta có 2.764 ca mắc mới, gồm 2 ca nhập cảnh và 2.762 ca ghi nhận trong nước tại TPHCM (1.849), Đồng Tháp (149), Tây Ninh (144), Đồng Nai (119), Bình Dương (87), Vĩnh Long (73), Tiền Giang (63), Bến Tre (60), Bà Rịa - Vũng Tàu (52), An Giang (43), Phú Yên (37), Khánh Hòa (26), Cần Thơ (17), Đắk Lắk (11), Kiên Giang (11), Hậu Giang (7), Hà Nội (4), Bình Định (4), Trà Vinh (3), Huế (2), Cà Mau (1). Trong đó có 538 ca trong cộng đồng.
Như vậy, tính đến sáng 27/7, Việt Nam có 109.111 ca mắc, trong đó có 2.203 ca nhập cảnh và 106.908 ca mắc trong nước. Số ca mắc mới ghi nhận trong nước tính của đợt dịch kể từ ngày 27/4 đến nay là 105.338 ca, trong đó có 18.570 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
Có 8/62 tỉnh, thành phố đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp mắc mới: Yên Bái, Quảng Trị, Thái Nguyên, Điện Biên, Hải Dương, Quảng Ninh, Bắc Kạn, Nam Định. Có 9 tỉnh, thành phố không có lây nhiễm thứ phát trên địa bàn: Lào Cai, Ninh Bình, Kon Tum, Hà Giang, Phú Thọ, Sơn La, Lai Châu, Hòa Bình, Tuyên Quang.
Ảnh minh họa: Đỗ Linh.
Về tình hình điều trị:
- Tổng số ca được điều trị khỏi: 21.344 ca.
- Số bệnh nhân nặng đang điều trị ICU: 126 ca.
- Số bệnh nhân nguy kịch đang điều trị ECMO: 15 ca.
Trong ngày 26/7 có 109.234 liều vắc xin phòng Covid-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vắc xin đã được tiêm là hơn 4,7 triệu liều, trong đó tiêm một mũi là 4.323.571 liều, tiêm mũi 2 là 423.071 liều.
Đến 18h00 ngày 26/7, sau 2 ngày kể từ khi Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, Trưởng bộ phận thường trực đặc biệt hỗ trợ phòng, chống dịch Covid-19 của Bộ Y tế tại TPHCM có thư ngỏ, đã có hơn 2.000 lượt người đăng ký, trong đó tình nguyện viên ngụ tại TPHCM là gần 1.900 người; các tỉnh khác hơn 200 người.
TPHCM chuyển chiến lược sang điều trị, tổ chức khoa học để điều phối hiệu quả các nguồn lực, tập trung cho công tác điều trị, giảm tỷ lệ tử vong.
Sở Y tế Hà Nội yêu cầu Bệnh viện Phổi Hà Nội tạm dừng hoạt động khám chữa bệnh thông thường từ 18h ngày 25/7, chuyển các ca nhiễm SARS-CoV-2 lên Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương điều trị. Các bệnh nhân khác được phân luồng chuyển ngay ra 3 bệnh viện khác của Hà Nội gồm Xanh Pôn; Thanh Nhàn và Đức Giang.
Tỉnh Hà Tĩnh đón 814 công dân đang lưu trú, làm việc từ TPHCM và các tỉnh phía Nam bằng tàu SE14 đã về đến Hà Tĩnh an toàn.
Từ 0 giờ ngày 26/7, TP. Cần Thơ phong tỏa Bệnh viện Đa khoa thành phố Cần Thơ do liên quan đến chùm ca dương tính với virus SARS-CoV-2.
Ngày 26/7, Sở Y tế Tây Ninh cũng có thông báo khẩn về chuyển tất cả các cơ sở khám, chữa bệnh công lập thành bệnh viện dã chiến để điều trị bệnh nhân Covid-19.
Nam Phương/dantri.com.vn