Ngày 26/8, đồng chí Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh có buổi làm việc về công tác phòng, chống dịch tại UBND xã Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh.
Lực lượng Quân Y tại Trạm y tế lưu động số 1, phường 6, quận Tân Bình (TP Hồ Chí Minh) mang đồ dùng cần thiết đến nhà điều trị cho F0. Ảnh: MẠNH LINH
Đồng chí Nguyễn Văn Nên đánh giá huyện Bình Chánh nói chung và xã Vĩnh Lộc B nói riêng đã có nhiều nỗ lực cùng nhân dân quyết tâm, chấp hành, có các giải pháp, sáng kiến, sáng tạo, góp phần cùng thành phố kiềm chế sự lây lan dịch Covid-19 trong cộng đồng. Theo đồng chí Nguyễn Văn Nên, qua ba ngày triển khai thực hiện Nghị quyết 86 của Chính phủ, Chỉ thị 11 của UBND thành phố, xã Vĩnh Lộc B đã triển khai quán triệt và đúng theo tinh thần đề ra; tính chấp hành nghiêm của người dân tốt hơn; thực hiện các biện pháp an sinh xã hội, bảo đảm có đường dây nóng, sẵn sàng phân công các tổ tự quản, tiếp cận và khi cần sẽ vận chuyển đến hộ dân kịp thời…
Ngày 26/8, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam kiểm tra công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại quận 6 và quận Bình Tân, TP Hồ Chí Minh. Phó Thủ tướng yêu cầu các Trạm Y tế lưu động với sự chi viện của lực lượng quân y phải bám sát người dân, bảo đảm tiếp nhận, có phản hồi ngay tất cả những yêu cầu hỗ trợ về chăm sóc sức khỏe của nhân dân trên địa bàn. Thời gian tới, quận tiếp tục thực hiện tốt việc giãn cách thật nghiêm, bảo đảm an sinh cho 100% người dân, tiếp nhận, phản hồi hoặc qua thăm ngay trong thời gian sớm nhất khi người dân gọi điện yêu cầu trợ giúp về y tế. Lãnh đạo quận 6 cần quan tâm hơn nữa, từng bước nắm những yêu cầu cá biệt của người đang gặp vấn đề về sức khỏe hoặc điều trị bệnh khác để hỗ trợ cho nhân dân không chỉ là thuốc mà cả chế độ dinh dưỡng, nhất quyết không được để ai thiếu đói. Cùng với việc "rà đi, rà lại" "vùng đỏ đậm đặc", quận cần triển khai thêm các tổ xét nghiệm ở vùng ít đậm đặc hơn và cả vùng tạm coi là an toàn để đánh giá sát tình hình, chuẩn bị thuốc, khu cách ly…
Sáng 26/8, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành kiểm tra tại các khu công nghiệp, khu chế xuất tại TP Hồ Chí Minh. Phó Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu, trước khi đi vào sản xuất, các doanh nghiệp phải bảo đảm công nhân được xét nghiệm khẳng định âm tính với SARS-CoV-2. Dây chuyền sản xuất được sắp xếp phù hợp, bảo đảm giãn cách. Dứt khoát bảo đảm an toàn dịch bệnh mới được sản xuất và sản xuất phải an toàn. Đây là tiền đề cho việc duy trì, bảo đảm sản xuất trong điều kiện dịch bệnh...
Sáng 26/8, tại buổi kiểm tra, giám sát công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại phường 5 (quận 8, TP Hồ Chí Minh), Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long đề nghị chính quyền cơ sở phải thật sự bám sát từng tổ dân phố, từng ngõ, ngách, từng người để thực hiện triệt để bảo đảm ai cũng thực hiện nghiêm các quy định phòng, chống dịch; vận hành trạm Y tế lưu động, đưa y tế xuống gần dân nhất. Đối với các nhân viên y tế mặc dù hướng dẫn người dân tự test nhanh nhưng phải kiểm soát, nếu người dân bị ho, cán bộ y tế phát gói thuốc ngay; người dân tự theo dõi sức khỏe. Nếu có vấn đề cần liên hệ với đội y tế phòng, chống Covid-19 tại cộng đồng. Từ ngày 27/8, Bộ Y tế cùng Sở Y tế TP Hồ Chí Minh sẽ đưa thuốc kháng vi-rút Molnupiravir vào cộng đồng điều trị cho F0. Hiện viên nang Molnupiravir 400 mg do Công ty TNHH Liên doanh Stellapharm Việt Nam sản xuất; sẽ cung cấp hơn 2,3 triệu viên để điều trị cho 116 nghìn F0 tại cộng đồng ở TP Hồ Chí Minh.
Cùng ngày, Bộ Y tế có quyết định Ban hành hướng dẫn tạm thời "Danh mục thuốc điều trị ngoại trú cho người nhiễm Covid-19 tại nhà" được áp dụng tại các cơ sở được giao nhiệm vụ quản lý người nhiễm Covid-19 tại nhà và theo sự chỉ đạo của Sở Y tế tỉnh, thành phố và Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 của địa phương.
Bộ Y tế đã có quyết định ban hành tài liệu Hướng dẫn thiết lập cơ sở thu dung, điều trị Covid-19 theo mô hình tháp ba tầng để các bộ, ngành, sở y tế các tỉnh, thành phố thiết lập, củng cố các cơ sở thu dung, điều trị Covid-19 phù hợp với điều kiện và tình hình thực tế và dự báo tình hình dịch tại địa phương.
Bộ Y tế vừa có văn bản đề nghị các Bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các đơn vị trực thuộc thực hiện quản lý, xử lý chất thải trong phòng, chống dịch Covid-19 tại các cơ sở y tế, cơ sở cách ly thuộc thẩm quyền quản lý bảo đảm theo quy định, không làm phát tán mầm bệnh ra bên ngoài. UBND các cấp tỉnh chỉ định đơn vị chịu trách nhiệm thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải có nguy cơ chứa SARS-CoV-2 và chất thải khác tại cơ sở cách ly, khu vực phong tỏa, nơi cách ly tại nhà, cơ sở thu dung, điều trị bệnh nhân Covid-19 trên địa bàn quản lý, không để tình trạng chất thải không được thu gom, xử lý kịp thời, làm tăng nguy cơ lây lan dịch bệnh.
Bộ Y tế cho biết, đến hết ngày 25/8, trên địa bàn TP Hồ Chí Minh đã thiết lập được 403 trạm y tế lưu động.
Theo báo cáo của Bộ Y tế, ngày 26/8 cả nước ghi nhận 11.575 ca mắc Covid-19, gồm sáu ca nhập cảnh và 11.569 ca ghi nhận trong nước (giảm 524 ca so với ngày 25/8) tại 43 tỉnh, thành phố, trong đó có 5.603 ca trong cộng đồng. Tỉnh Bình Dương là địa phương có số mắc Covid-19 cao nhất với 4.868 ca. Trong ngày, có 18.567 người bệnh mắc Covid-19 được công bố khỏi bệnh. Tiểu ban Điều trị (Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19) thông báo trên Hệ thống Thông tin thu dung điều trị bệnh nhân Covid-19 ghi nhận 318 người chết tại 14 tỉnh, thành phố.
Bộ Y tế vừa phân bổ 103.680 lọ thuốc Remdesivir điều trị Covid-19 cho 33 đơn vị. Đây là lần thứ tư thuốc Remdesivir được Bộ Y tế xuất cấp để phục vụ cho nhu cầu điều trị của 12 bệnh viện (trong đó có các trung tâm hồi sức tích cực Covid-19) và 21 sở y tế các tỉnh, thành phố. Đến nay đã có 173 nghìn 680 lọ thuốc Remdesivir được xuất cấp để phục vụ điều trị người bệnh Covid - 19 nặng, có nguy cơ cao (người trên 65 tuổi), người có bệnh nền và béo phì.
Nguồn nhandan.vn