Theo Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn, dân số TPHCM đông nên để loại bỏ triệt để mầm bệnh rất cần người dân tự xét nghiệm thường xuyên cho bản thân, gia đình, đồng thời cập nhật kết quả cho cơ quan y tế.
Trong thư gửi tới người dân TPHCM mới đây, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết TP đã trải qua hơn 100 ngày hết sức khó khăn trong việc ngăn chặn sự lây nhiễm của biến chủng Delta của virus SARS-CoV-2.
Hiện tại, công tác phòng, chống dịch đã đạt được một số kết quả bước đầu và đang có những sự thay đổi tích cực theo hướng kiểm soát được bệnh dịch. Với sự lây truyền nhanh và mạnh của biến chủng Delta, công tác xét nghiệm là chìa khóa để xác định nguồn lây nhiễm, bóc tách, cách ly và điều trị kịp thời. Đây cũng là mắt xích đầu tiên, rất quan trọng trong chiến lược phòng chống virus SARS- CoV-2 của Việt Nam cũng như các nước khác trên toàn thế giới.
Ảnh minh họa: Hải Long.
TP đã và đang áp dụng chiến lược xét nghiệm diện rộng cho toàn bộ người dân. Các nhân viên y tế, người tình nguyện và các lực lượng hỗ trợ đã ngày đêm thực hiện công tác xét nghiệm, không ngại khó khăn, gian khổ.
Tuy nhiên do dân số TP đông, nguồn nhân lực có hạn nên khả năng lặp lại xét nghiệm để loại bỏ triệt để nguồn lây nhiễm mạnh còn hạn chế. Đặc biệt tại một số nơi, điểm lấy mẫu xét nghiệm chưa đảm bảo an toàn sinh học có thể gây ra nguy cơ lây nhiễm cho cả người lấy mẫu và người được lấy mẫu.
Vì thế, để chủ động phòng bệnh cho chính bản thân, cho gia đình và cho cộng đồng dân cư khi biến thể Delta vẫn còn lưu hành, Thứ trưởng khuyến khích người dân tự xét nghiệm bằng test nhanh kháng nguyên cho bản thân và cho gia đình.
Bộ Y tế và Sở Y tế TPHCM đã xây dựng các hướng dẫn bằng hình ảnh và video clip. Người dân có thể nhờ nhân viên y tế hướng dẫn khi lần đầu thực hiện hoặc tham khảo hướng dẫn trên các phương tiện truyền thông và mạng xã hội.
Thứ trưởng cũng đề nghị các cơ sở y tế địa phương và nhân viên lấy mẫu xét nghiệm chủ động đề xuất và giúp người dân tự thực hiện xét nghiệm bằng test nhanh kháng nguyên.
"Kiểm soát và sớm đẩy lùi dịch bệnh là mong muốn, ước vọng không những của người dân TP, mà còn của nhân dân cả nước. Với trách nhiệm cá nhân, với tình yêu thương bản thân, gia đình và tri ân các lực lượng y tế đang nỗ lực hết sức để điều trị và bảo toàn sinh mệnh cho các bệnh nhân Covid-19, tôi hiểu rằng người dân sẽ sẵn lòng tự xét nghiệm thường xuyên", Thứ trưởng Sơn viết trong thư.
Thứ trưởng cũng tin rằng kết quả xét nghiệm nhanh sẽ luôn được cập nhật tới cơ quan y tế địa phương. Đây là những thông tin có giá trị để đánh giá tình hình dịch bệnh và cũng là những viên gạch góp phần xây nên "pháo đài" chống dịch của các phường, xã trong TP.
Tất cả các biện pháp chống dịch đang được thực hiện quyết liệt và khẩn trương, việc thực hiện tự xét nghiệm bằng test nhanh của người dân cùng với các phương thức phòng chống dịch Covid-19 của TP sẽ là trận tấn công tổng lực.
"Khi chúng ta cùng đồng lòng thực hiện, chúng tôi tin chắc TP sẽ nhanh chóng bình yên", Thứ trưởng Sơn nhấn mạnh.
Người dân TPHCM được hướng dẫn cách tự test nhanh (Ảnh: Hà Văn Đạo)
Trung tâm kiểm soát bệnh tật TPHCM hướng dẫn người dân 7 bước tự test nhanh Covid-19:
Bước 1: Chuẩn bị túyp dung dịch đệm (buffer) theo hướng dẫn của nhà sản xuất.
Bước 2: Tự lấy mẫu trước gương hoặc thực hiện thao tác lấy mẫu cho các thành viên khác trong hộ gia đình.
Bước 3: Dùng tay xoay đều tăm bông trong túyp nhựa chứa dung dịch đệm, nhúng que tăm bông lên xuống trong dung dịch đệm (10 lần).
Bước 4: Chuyển tay lên phần thân trên túyp, bóp chặt và rút từ từ que tăm bông. Đảm bảo vắt sạch toàn bộ dung dịch còn đọng trên đầu tăm bông xuống đáy túyp.
Bước 5: Đóng chặt nắp màng lọc, lắc đều dung dịch trong túyp bằng tay (5 lần).
Bước 6: Ghi tên mỗi thành viên lên từng khay test tương ứng. Nhỏ 3-5 giọt dung dịch trên vào giếng test (theo hướng dẫn của nhà sản xuất).
Bước 7: Đọc kết quả sau 15-30 phút theo hướng dẫn của nhà sản xuất.
Trường hợp âm tính (chỉ xuất hiện một vạch C): kết luận mẫu bệnh phẩm của người được lấy mẫu có kết quả âm tính tại thời điểm xét nghiệm.
Trường hợp dương tính (xuất hiện cả 2 vạch C và T): kết luận mẫu bệnh phẩm của người được lấy mẫu có kết quả dương tính bằng phương pháp test nhanh kháng nguyên tại thời điểm xét nghiệm.
Cuối cùng, người dân sẽ báo cáo kết quả và nộp lại khay test cho cán bộ y tế để tổng hợp.
Nam Phương/dantri.com.vn