Ung thư gan hiện nay vẫn là nỗi ám ảnh với nhiều người vì tiên lượng khó hơn các bệnh ung thư khác và đặc biệt đây là căn bệnh đang gia tăng ở Việt Nam.
Dấu hiệu nhận diện ung thư gan theo từng giai đoạn
Theo các chuyên gia cách tốt nhất để phòng ngừa, phát hiện ung thư gan là khám sức khỏe định kỳ, siêu âm gan 6 tháng/lần.
Có thể nhận diện ung thư gan thông qua các triệu chứng sau:
- Giai đoạn đầu: Người bệnh có những rối loạn tiêu hóa nhẹ như ăn không ngon, ăn ít đầy bụng, khó tiêu, đại tiện khó khăn, đôi lúc cảm thấy đau tức hạ sườn phải nhưng không đáng kể, cơ thể mệt mỏi, sốt... Những triệu chứng này thường không rõ ràng nên người bệnh hay nhầm lẫn với những bệnh khác.
- Giai đoạn sau: Người bệnh thấy đau vùng gan (vùng mạn sườn bên phải), bụng trên đầy tức, có thể xuất hiện cổ trướng, chán ăn, buồn nôn và nôn, tiêu chảy, sụt cân, sốt, gan to và da vàng, một số người có thể xuất hiện hiện tượng rối loạn tâm thần nếu bệnh ở tình trạng nguy hiểm.
Điều trị ung thư gan thế nào?
Theo bác sĩ Bệnh viện K Trung ương, cũng như các bệnh ung thư khác, điều trị ung thư gan là điều trị đa mô thức (kết hợp giữa phẫu thuật - hóa chất - xạ trị).
- Phẫu thuật cắt gan được chỉ định đối với khối u gan đơn độc hoặc nhiều khối nhưng khu trú, khối u chưa xâm lấn các mạch máu lớn như tĩnh mạch chủ dưới, thân chung tĩnh mạch cửa, chưa di căn xa (phổi, não, xương…). Đây là phương pháp điều trị triệt căn quan trọng nhất trong số các phương pháp điều trị ung thư gan hiện nay và thường được khuyến cáo là lựa chọn hàng đầu cho bệnh nhân nếu còn chỉ định.
- Ghép gan: Thay thế gan bệnh bằng gan lành từ người cho sống hoặc người cho chết não. Thường được chỉ định trong các trường hợp có u gan không còn khả năng cắt bỏ.
- Phá hủy u tại chỗ: Đây là phương pháp hiện đại giúp phá hủy mô ung thư mà không cần phẫu thuật. Cơ chế chung là dùng nhiệt hoặc các chất gây chết tế bào ung thư: đốt u bằng sóng cao tần (RFA), vi sóng (MWA), tiêm cồn tuyệt đối qua da (PEI), áp lạnh (Cryotherapy).
- Nút hóa chất động mạch gan (TACE): Đây là biện pháp chặn nguồn cấp máu cho khối u. Bác sĩ sẽ luồn dụng cụ vào đến nhánh động mạch gan cấp máu cho khối u, sau đó bơm vật liệu nút mạch kèm hóa chất gây tắc mạch đó. Khối u sau đó sẽ bị thiếu máu và hoại tử dần.
- Xạ trị: Hiện nay có một số loại hình xạ trị đang được nghiên cứu, áp dụng như: xạ trị dùng hạt vi cầu phóng xạ Yttrium-90, xạ trị proton… tuy nhiên hiệu quả cần thêm thời gian đánh giá.
- Hóa trị: Phương pháp này sử dụng hóa chất tiêu diệt tế bào ung thư. Thuốc có thể dùng đường uống, hoặc tiêm truyền tĩnh mạch, hoặc bơm chọn lọc vào nhánh động mạch gan cấp máu cho khối u khi làm tắc mạch. Hiệu quả của hóa trị cũng như xạ trị hiện còn những hạn chế nhất định.
- Điều trị nhắm trúng đích: Nó thường được chỉ định khi các phương pháp điều trị kể trên không còn chỉ định.
Minh Nhật/dantri.com.vn