Vi khuẩn não mô cầu hiện là tác nhân nguy hiểm hàng đầu gây bệnh do não mô cầu ở thanh, thiếu niên. Thay đổi một số thói quen sẽ giúp người trẻ tránh được bệnh tử hiệu quả.
Năm 24 tuổi, trong một kỳ thực tập tại Tây Ban Nha, chàng sinh viên người Ý Davide Morana có các triệu chứng giống cúm như mệt mỏi, đau đầu, sốt sau đó cơn đau đầu ngày càng tăng kèm theo các nốt ban đỏ lan ra khắp người. Bác sĩ chẩn đoán Davide mắc bệnh do não mô cầu nhóm C và phải đoạn 2 tay, 2 chân. Anh chưa từng tiêm vaccine ngừa bệnh do não mô cầu.
"Hành trình sau đó của tôi đã rẽ một hướng khác… Tôi khó mà tưởng tượng được tương lai thế nào dù trong tương lai gần hay xa", Davide chia sẻ về giai đoạn suy sụp nhất của cuộc đời. Sau nhiều tháng phục hồi chức năng và làm quen với đôi tay và chân giả, Davide bắt đầu luyện tập thể thao và trở thành một vận động viên điền kinh Paralympic Games - thế vận hội cho người khuyết tật.
Năm 2023, Davide cùng 2 vận động viên Paralympic khác là Ellie Challis (Anh), Théo Curin (Pháp) cũng từng đoạn chi khi mắc bệnh do não mô cầu vào lúc 16 tháng tuổi và 6 tuổi tham gia chiến dịch nâng cao nhận thức, hiểu biết đẩy lùi căn bệnh do não mô cầu. Chiến dịch do Quỹ nghiên cứu về bệnh do não mô cầu, Liên đoàn các tổ chức phòng chống bệnh do não mô cầu (CoMO) và Sanofi tổ chức.
Ba vận động viên đồng hành phất cao lá cờ nâng cao nhận thức về bệnh do não mô cầu (Ảnh: SNF).
Tại Việt Nam, theo báo cáo thống kê bệnh truyền nhiễm Bộ Y tế năm 2016, bệnh do não mô cầu là 1 trong 10 bệnh truyền nhiễm có tỷ lệ tử vong cao nhất Việt Nam (0,006/100.000 dân). Bệnh có thể gây tử vong nhanh chỉ trong 24 tiếng kể từ khi xuất hiện triệu chứng ban đầu. Các biểu hiện thường giống như cảm cúm thông thường dẫn đến khó chẩn đoán, điều trị sớm.
Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) ghi nhận khoảng 50% bệnh nhân mắc bệnh do não mô cầu tử vong nếu không được điều trị đúng cách. Dù được điều trị kịp thời và tích cực, bệnh cũng có tỷ lệ tử vong cao, lên đến 15%. Có đến 20% bệnh nhân sống sót sau bệnh do não mô cầu phải chịu nhiều di chứng như cắt cụt chi, điếc, mù lòa, chậm phát triển tâm thần và hành vi…
Theo Bộ Y tế, bệnh do não mô cầu có thể gặp ở mọi đối tượng, trong đó hai nhóm có tỷ lệ mắc bệnh cao nhất là nhóm trẻ dưới 5 tuổi và thanh, thiếu niên. Mới đây, Sở Y tế tỉnh Lâm Đồng thông tin vừa ghi nhận 4 ca mắc não mô cầu, trong đó 3 bệnh nhân được chuyển điều trị Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM. Trước đó, Bệnh viện Nhi Trung ương cũng ghi nhận một bé trai 6 tháng tuổi (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội), khởi phát bệnh với triệu chứng sốt cao, nôn trớ, phát ban dạng chấm li ti toàn thân. Bé chưa tiêm vaccine phòng não mô cầu.
Não mô cầu khuẩn gây nhiều bệnh cảnh như viêm màng não, nhiễm khuẩn huyết… (Ảnh: Shutterstock).
Vi khuẩn não mô cầu lây qua đường hô hấp. Nguồn lây bệnh chủ yếu là bệnh nhân và người lành mang trùng. Nghiên cứu ước tính có 24% thanh thiếu niên 19 tuổi mang trùng não mô cầu cao mà không có triệu chứng.
Các chuyên gia lý giải do tỷ lệ người lành mang trùng cao và thường xuyên có các hành vi thân mật như hôn nhau, hút thuốc lá hoặc sinh hoạt ở nơi tập trung đông người như ký túc xá, câu lạc bộ, trường học, lễ hội… nên nguy cơ lây bệnh do não mô cầu ở nhóm thanh, thiếu niên càng cao.
Ngoài ra, việc tiêm chủng vaccine hiện chỉ được quan tâm ở trẻ nhỏ, người già, người có bệnh nền mà thiếu đi nhóm thanh thiếu niên. Trong khi đây là nhóm có lối sống dễ lây truyền nhất như thích tụ tập ở nơi đông người, ở chung ký túc xá, tiếp xúc thân mật giữa các giới.
Thói quen tụ tập bạn bè, hay xê dịch nhiều nơi nhưng không có ý thức chủ động phòng ngừa có thể làm tăng nguy cơ nhiễm não mô cầu ở người trẻ (Ảnh minh họa: Freepik).
Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo, tiêm chủng là chiến lược kiểm soát tốt nhất giúp dự phòng bùng phát các vụ dịch và các ca bệnh như bệnh do não mô cầu. Các chuyên gia truyền nhiễm cho biết vi khuẩn não mô cầu có 13 nhóm huyết thanh, trong đó có 5 nhóm huyết thanh nguy cơ cao gây bệnh là A, B, C, Y, W, chiếm 90% số ca bệnh trên toàn thế giới. Hiện các nhóm nguy cơ cao đã có vaccine phòng ngừa. Thanh thiếu niên cần tiêm ngừa đầy đủ cả 5 nhóm huyết thanh của vi khuẩn não mô cầu gây bệnh phổ biến. Phòng ngừa thiếu một hoặc một vài nhóm trong 5 nhóm nói trên cũng có thể dẫn đến nguy cơ mắc bệnh bệnh do não mô cầu.
Trong đó, vaccine cộng hợp tứ giá ACYW hiện được sử dụng ở hơn 70 quốc gia trên thế giới với hàng trăm triệu liều đã được sử dụng. Theo số liệu của CDC Mỹ, từ khi đưa vào sử dụng, vaccine cộng hợp tứ giá ACYW phòng bệnh do não mô cầu đã giảm đến 90% số ca mắc bệnh ở các nhóm huyết thanh chính gây bệnh C, Y và W.
Bên cạnh tiêm vaccine ngừa bệnh do não mô cầu, thanh thiếu niên và các thành viên trong gia đình cần bổ sung các mũi tiêm còn thiếu, tránh bệnh chồng bệnh. Đồng thời áp dụng các biện pháp phòng ngừa như vệ sinh mũi họng đều đặn, đeo khẩu trang, giữ khoảng cách khi đến nơi đông người, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng.
Theo dantri.com.vn