Cả cá đồng và cá biển đều cung cấp protein, chất béo không no và không bão hòa, vitamin và khoáng chất tốt cho sức khỏe của trẻ.
So sánh hàm lượng dinh dưỡng trong cá đồng và cá biển
Hàm lượng dinh dưỡng
Cá đồng và cá biển có hàm lượng chất dinh dưỡng gần như cao ngang nhau đối với sức khỏe của trẻ. Cụ thể, cá đồng và cá biển đều chứa hàm lượng protein từ 15 đến 22%, hàm lượng chất béo 1-10% (bao gồm cả chất béo không no và axit béo). Ngoài ra, cả hai loại còn cùng chứa một lượng vitamin nhất định (A, D, B2) và khoáng chất (canxi, natri, kali, magie).
Cá đồng và cá biển có hàm lượng chất dinh dưỡng gần như cao ngang nhau (Ảnh: Food Navigator).
Hàm lượng DHA
DHA là một acid béo rất cần thiết cho sự phát triển trí não, thị giác, đồng thời giúp tăng khả năng miễn dịch của trẻ. Trong cá đồng và cá biển hàm lượng DHA không chênh lệch nhau nhiều.
Theo một vài phân tích, cá biển có hàm lượng DHA cao hơn cá đồng, tuy nhiên đây chỉ là phân tích mang tính tham khảo và tùy vào từng loại cá cụ thể sẽ có hàm lượng DHA khác nhau.
Như vậy, theo Viện Dinh dưỡng Quốc gia (Bộ Y tế), có thể thấy hàm lượng dinh dưỡng trong cá đồng và cá biển chênh lệch không nhiều. Cả 2 loại cá đều mang đến những giá trị dinh dưỡng rất tốt cho sức khỏe của trẻ như: cung cấp protein, chất béo không no và không bão hòa, vitamin và khoáng chất.
Những lưu ý khi bổ sung cá đồng, cá biển vào thực đơn của trẻ
Mặc dù có hàm lượng dinh dưỡng tương đương nhau, tuy nhiên nếu xét về hương vị thì hai loại cá vẫn có những điểm khác biệt. Bố mẹ hãy thêm cả cá đồng và cá biển vào thực đơn cho trẻ giúp bữa ăn thêm phong phú, đa dạng.
Bên cạnh đó, để đảm bảo an toàn và chất dinh dưỡng của các món ăn từ cá cho trẻ, bố mẹ cần lưu ý một số điều sau:
- Chọn mua cá tươi ngon, an toàn: Dù là cá đồng hay cá biển đều phải lựa chọn loại cá tươi và mua ở những điểm bán đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm để đảm bảo sức khỏe cho trẻ.
- Hạn chế cho trẻ ăn các loại cá có chứa hàm lượng thủy ngân cao: Thủy ngân là chất có thể gây ra nhiều vấn đề không tốt cho sức khỏe ở trẻ, đặc biệt có khả năng gây ra bệnh lý về não. Vì thế chúng ta nên hạn chế loại cá có khả năng chứa thủy ngân cao như: các loại cá có tuổi thọ cao, loại cá bắt mồi - cá buồm, cá mập, cá ngừ đại dương...).
- Tuyệt đối không cho trẻ ăn mật cá: Trong một số bộ phận nội tạng của cá biển và cá đồng, đặc biệt là trong mật cá có chứa những chất gây suy thận, suy gan... Do đó, khi chế biến cá, bạn hãy rửa sạch máu, bỏ vây, mang và nội tạng để đảm bảo an toàn sức khỏe cho trẻ.
- Chế biến món ăn từ cá đúng cách: Nên cho trẻ ăn cá đã nấu chín, hạn chế cho trẻ ăn cá sống nhằm tránh nguy cơ nhiễm ký sinh trùng. Và để giữ trọn hương vị tươi ngon của cá, bạn có thể thử chế biến cá với cách hấp hoặc nấu riêu, lẩu… khi hấp có thể cho thêm ít muối, hành, gừng, tiêu để món ăn thêm trọn vị hơn.
- Cung cấp lượng cá vừa đủ cho cơ thể: Bố mẹ nên xây dựng thực đơn cho trẻ mỗi tuần với 2-3 bữa cá và nên ăn thay đổi giữa cá đồng với cá biển để tăng tính đa dạng cho món ăn.
Hà An/dantri.com.vn
https://dantri.com.vn/suc-khoe/ca-dong-hay-ca-bien-tot-hon-cho-tre-20220902224544299.htm