Ung thư tuyến giáp là một trong những bệnh thường gặp ở vùng đầu, mặt, cổ ở cả nam và nữ giới. Bệnh thường không có dấu hiệu rõ ràng nên âm thầm di căn đến nhiều bộ phận khác.
Theo Bệnh viện Bãi Cháy, ung thư tuyến giáp xảy ra khi những tế bào bình thường ở tuyến giáp biến đổi thành những tế bào bất thường và phát triển không tuân theo sự kiểm soát của cơ thể. Tuyến giáp là một tuyến nội tiết nằm ở giữa cổ, gồm 2 thùy nối với nhau qua eo giáp trạng, có chức năng tiết ra hormone giúp cơ thể tăng trưởng và phát triển.
Điều trị ung thư tuyến giáp dựa vào từng thể mô bệnh học cụ thể, bệnh thường có tiên lượng tốt do bệnh tiến triển chậm, có thể phẫu thuật và đáp ứng với điều trị I-ốt.
Trên thực tế vẫn còn bỏ sót một tỉ lệ bệnh nhân không được chẩn đoán hoặc chẩn đoán ở giai đoạn muộn, dẫn đến những biến chứng nguy hiểm. Vì vậy việc có những kiến thức cần thiết về nguyên nhân và dấu hiệu để phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm là vô cùng quan trọng.
Những lưu ý sau khi điều trị ung thư tuyến giáp
Phẫu thuật u tuyến giáp tại Bệnh viện Bãi Cháy (Ảnh: BVCC).
Sau khi điều trị ung thư tuyến giáp, bệnh nhân nên tái khám 3 tháng/lần trong 2 năm đầu, 1 năm/lần trong những năm kế tiếp, để kiểm tra xem bệnh có quay trở lại hay không. Các biện pháp bao gồm: khám lâm sàng, siêu âm tuyến giáp, chụp X - quang ngực, siêu âm ổ bụng, xét nghiệm máu.
Bệnh nhân nên để ý các dấu hiệu của bệnh. Nếu có các triệu chứng đó, có thể bệnh đã quay trở lại. Hãy đến khám lại sớm nhất có thể.
Ngoài ra, bệnh nhân cần chú ý nếu có bất kì tác dụng phụ của thuốc, hãy trao đổi cho bác sĩ sớm nhất có thể. Ngoài ra, quay lại khám đúng hẹn cũng là điều hết sức quan trọng.
Cách phòng bệnh ung thư tuyến giáp
Để phòng bệnh ung thư tuyến giáp, bác sĩ khuyến cáo người dân cần thực hiện các biện pháp sau:
- Tránh tiếp xúc với các chất, tia phóng xạ.
- Khi cơ thể có các biểu hiện lạ như: mệt mỏi không rõ nguyên nhân, tăng cân đột ngột, cơ thể trở nên nhạy cảm hơn… cần đến khám tại các cơ sở y tế, vì đây là biểu hiện của rối loạn hormone tuyến giáp.
- Thường xuyên tự kiểm tra vùng cổ để kịp thời phát hiện các khối u bất thường.
- Chế độ ăn uống, nghỉ ngơi hợp lý. Duy trì cân nặng ở mức hợp lý.
- Nếu trong gia đình có tiền sử người thân bị mắc căn bệnh này thì cần khám sức khỏe định kỳ để phát hiện sớm bệnh và điều trị kịp thời.
- Chế độ ăn: Dùng muối I-ốt, sử dụng các thực phẩm giàu I-ốt như: tảo, rong biển, hải sản, ăn các loại thực phẩm giàu magie tốt cho tuyến giáp như hạt điều, hạnh nhân...
Minh Nhật/dantri.com.vn
https://dantri.com.vn/suc-khoe/nhung-luu-y-sau-khi-dieu-tri-ung-thu-tuyen-giap-20221004095538563.htm