Ung thư là căn bệnh có thể cần tới điều trị đa mô thức, bao gồm phẫu thuật, xạ trị, hoá trị, liệu pháp miễn dịch. Trong đó, liệu pháp miễn dịch là liệu pháp điều trị có rất nhiều triển vọng trong tương lai.
Các bác sĩ phẫu thuật cho bệnh nhân ung thư.
Hơn 300.000 người đang sống chung với bệnh ung thư
Theo ước tính của Tổ chức Y tế thế giới, mỗi năm trên toàn cầu có khoảng gần 20 triệu trường hợp mắc mới ung thư và trên 10 triệu ca tử vong vì căn bệnh này, trong đó 2/3 là ở các nước đang phát triển.
Tại Việt Nam năm 2016 có 165 ngàn trường hợp mắc mới ung thư, đến năm 2018 con số này lên đến 182 ngàn. Năm 2020, 122.690 trường hợp tử vong vì ung thư, gấp 18 lần tổng số 6.700 ca tử vong vì tai nạn giao thông trong cùng năm, gấp 3 lần tổng số 43.094 ca tử vong vì dịch Covid-19 tính đến tháng 8 năm 2022.
Hơn 300.000 người đang sống chung với bệnh ung thư. Xu hướng mắc bệnh không ngừng gia tăng không chỉ ở Việt Nam mà còn ở hầu hết các nước trên thế giới.
PGS, TS Phạm Văn Bình, Phó Giám đốc chuyên môn Bệnh viện K, Giám đốc Trung tâm phẫu thuật Nội soi Robot, Trưởng Khoa Ngoại bụng I cho biết, hai đặc tính quan trọng nhất của ung thư là tái phát và di căn.
Sự phát triển của tế bào ung thư là sự nhân lên vô độ, không kiểm soát được của một nhóm tế bào. Để hạn chế sự phát triển của các tế bào ung thư, các bác sĩ có thể sử dụng phương pháp xạ trị, phẫu thuật (lấy tối đa tế bào ung thư)…
Đối với bệnh nhân ung thư, muốn điều trị hiệu quả thì không chỉ cần thuốc mà còn phải kết hợp nhiều yếu tố như dinh dưỡng, tinh thần. Thậm chí có những nghiên cứu chỉ ra tình cảm gia đình, tinh thần tốt giúp bệnh nhân tăng miễn dịch nội sinh trong cơ thể.
Cũng theo PGS Phạm Văn Bình, 60% các loại ung thư có thể can thiệp. Theo ước tính của WHO, mỗi năm trên toàn cầu có hơn 18 triệu trường hợp mắc mới ung thư. Trong đó, 1/3 số người nếu biết phòng bệnh sẽ không bị mắc ung thư, 1/3 bệnh nhân phát hiện ung thư sớm có thể điều trị khỏi, 1/3 số bệnh nhân ung thư ở giai đoạn tiến triển.
Tại Việt Nam, mô hình bệnh tật nói chung và ung thư nói riêng có nhiều nét khác so với nước ngoài. Thí dụ, tỷ lệ mắc ung thư dạ dày, ung thư cổ tử cung ở các nước Âu Mỹ rất thấp. Tỷ lệ này tại Việt Nam và các nước châu Á cao hơn. Đối với ung thư đại trực tràng, tỷ lệ ở các nước Âu Mỹ cao hơn ở Việt Nam…
Liệu pháp miễn dịch có nhiều triển vọng điều trị bệnh nhân ung thư
Theo bác sĩ Bình, hiểu biết về cơ chế miễn dịch trong điều trị ung thư giúp cho thầy thuốc cá biệt hoá bản chất đột biết gene, thay đổi ức chế, dấu ấn miễn dịch.
Liệu pháp miễn dịch trong điều trị ung thư giúp chống lại cơ chế này của khối u bằng cách đánh dấu tế bào ung thư, kích thích hệ thống miễn dịch của cơ thể nhận ra và tấn công các tế bào ung thư, từ đó, làm ngừng hoặc làm chậm sự phát triển của tế bào ung thư, ngăn tế bào ung thư lan rộng sang các cơ quan khác trong cơ thể và cải thiện hệ thống miễn dịch, giúp tiêu diệt tế bào ung thư hiệu quả hơn.
"Bệnh viện K đang ứng dụng liệu pháp miễn dịch trong ung thư vú, đại trực tràng, ung thư phổi, ung thư tuyến tiền liệt, ung thư liên quan tới hệ thần kinh và ung thư ở trẻ nhỏ… bước đầu đã có những kết quả rất khả quan", PGS Bình nói.
Gần đây nhất, các bác sĩ đã kết hợp nhiều phương pháp xạ trị, hoá chất và liệu pháp miễn dịch cho một sản phụ trẻ quyết tâm sinh con dù đang bị ung thư giai đoạn muộn gây suy sụp sức khỏe.
Nhờ kết hợp nhiều phương pháp điều trị, bệnh nhân đã sinh con khoẻ mạnh. Người mẹ được điều trị đa mô thức đến nay vẫn sống khoẻ mạnh.
Để phòng ngừa ung thư, các chuyên gia khuyên người dân cần có lối sống lành mạnh, tăng cường vận động, có chế độ ăn cân đối, tránh xa những thực phẩm có ảnh hưởng xấu cho sức khoẻ. Người dân cần tầm soát ung thư định kỳ để phát hiện sớm và điều trị kịp thời. Khi có bất cứ dấu hiệu bất thường nào, mọi người cần đi khám sớm.
Khái niệm điều trị miễn dịch là dùng thuốc kích hoạt hệ thống miễn dịch của cơ thể để tấn công ung thư. Theo BS Phạm Tuấn Anh, Phó trưởng Khoa Điều trị theo yêu cầu, Bệnh viện K, liệu pháp này được dùng cho giai đoạn di căn và mức độ biểu hiện của thể PD-L1 trên khối u càng cao thì khả năng đạt đáp ứng với liệu pháp miễn dịch càng cao. Liệu pháp này có thể được tiến hành kết hợp với các phương pháp điều trị truyền thống khác như phẫu thuật, hóa trị, xạ trị, điều trị đích để tăng cường hơn nữa hiệu quả diệt tế bào ung thư. Đây là giải pháp mang tính chất đột phá của ngành ung thư và miễn dịch. |
Theo nhandan.vn
https://nhandan.vn/lieu-phap-mien-dich-mo-ra-canh-cua-moi-trong-dieu-tri-ung-thu-post718669.html