Ngày 24/10, Bệnh viện Mắt Hà Nội và Novartis Việt Nam ký kết hợp tác khởi động Chương trình giáo dục bệnh glôcôm cho bệnh nhân. Đây là chương trình giáo dục về bệnh glôcôm đầu tiên được triển khai kết hợp trực tiếp và trực tuyến (hybrid) trong ngành nhãn khoa.
Quang cảnh lễ ký kết.
Khác với những chương trình giáo dục cho bệnh nhân trước đây thường được thực hiện trực tiếp tại bệnh viện, mô hình hybrid sẽ tạo sự thuận tiện để nhiều bệnh nhân dễ dàng tham gia hơn nhằm giúp họ tăng cường nhận thức cũng như sự tuân thủ trong điều trị bệnh glôcôm vốn được gọi là “kẻ cắp thị lực thầm lặng” vì lấy mất thị lực người bệnh vĩnh viễn không hồi phục và là nguyên nhân gây mù lòa đứng hàng thứ hai ở Việt Nam và nhiều khu vực trên thế giới.
Chương trình sẽ kéo dài trong vòng 3 tháng từ tháng 10 đến tháng 12/2022 nhấn mạnh tầm quan trọng của tuân thủ điều trị trong quản lý bệnh lý glôcôm. Glôcôm là một bệnh lý nguy hiểm, tiến triển âm thầm, không có triệu chứng rõ ràng và gây đánh mất thị lực vĩnh viễn.
Để đạt hiệu quả tối ưu trong quá trình nâng cao nhận thức về bệnh glôcôm cho bệnh nhân và người chăm sóc, mỗi buổi giáo dục bệnh nhân được triển khai cùng lúc dưới 2 hình thức trực tiếp và trực tuyến.
Hình thức trực tiếp được thực hiện tại khán phòng bệnh viện, các bác sĩ cung cấp cho bệnh nhân thông tin dưới dạng Infographic (Đồ họa thông tin) về chứng tăng nhãn áp, thể hiện rõ mức độ phổ biến và nguy cơ bệnh lý.
Còn hình thức trực tuyến thực hiện thông qua các nền tảng: Zalo, Youtube, Website và Fanpage của Bệnh viện Mắt Hà Nội nhằm tối đa hóa hiệu quả tiếp cận thông tin, kiến thức cho bệnh nhân.
Bên cạnh các bài viết, video chuyên sâu được đăng tải trên các nền tảng, bệnh viện cũng tổ chức hội thảo trực tuyến thông qua Livestream trên kênh Youtube mỗi tháng 1 lần nhằm giải đáp thêm những thắc mắc của người bệnh về bệnh lý glôcôm…
TS,BS Nguyễn Xuân Tịnh, Giám đốc Bệnh viện Mắt Hà Nội chia sẻ: Với sự kết hợp cả 2 hình thức trực tiếp và trực truyến bằng công nghệ kỹ thuật số, chúng tôi tin tưởng đây sẽ là mô hình giáo dục mang lại hiệu quả, giúp những bệnh nhân và người nhà không có điều kiện đến bệnh viện vẫn có thể tiếp cận được thông tin, được tư vấn và giải đáp những câu hỏi thường gặp của bệnh glôcôm.
Qua chương trình này, người bệnh và người chăm sóc sẽ được cung cấp thông tin và tư vấn rất kỹ lưỡng về tình trạng bệnh tật của mình. Từ đó, giúp họ nhận thức được tầm quan trọng của việc khám, phát hiện sớm và điều trị kịp thời bệnh lý glôcôm, đặc biệt là việc tuân thủ điều trị.
Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới, glôcôm là nguyên nhân gây mù lòa đứng thứ hai thế giới. Vào năm 2020, có khoảng 79,6 triệu người (tuổi từ 40 đến 80) bị glôcôm, được dự đoán tăng lên 111,8 triệu vào 2040, trong đó bệnh nhân glôcôm người châu Á chiếm 47%.
Ở các nước phát triển, khoảng 50% số người bị bệnh glôcôm không biết có bệnh và không đi khám. Trong khi đó, ở các nước đang phát triển, con số này có thể tăng tới 90%.
Theo nhandan.vn