Bé trai 7 tuổi ở Hà Nội bị chó cắn đứt rời môi

Thứ 4, 08.08.2018 | 08:00:00
535 lượt xem

Phần môi đứt rời của bé được bảo quản không đúng cách, dập nát, có nhiều vết răng chó, bác sĩ không thể phẫu thuật nối liền.

Phần môi đứt rời của bé được bảo quản không đúng cách, dập nát, có nhiều vết răng chó, bác sĩ không thể phẫu thuật nối liền.

Bác sĩ Nguyễn Thị Thu Hằng, khoa Phẫu thuật Hàm mặt - Tạo hình - Thẩm mỹ, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức (Hà Nội) cho biết, bé trai được chuyển đến viện trong tình trạng mặt có nhiều vết thương, khuyết một nửa môi trên dính sát liền mũi phải. Phần môi đứt rời kích thước 2x2 cm dập nát, có nhiều vết răng chó.
 

Phần tổn thương quá dập nát nên bác sĩ không thể nối vi phẫu lại môi cho bệnh nhân. Ê kíp đã làm sạch tổn thương, khâu các vết thương ở mặt, ghép phức hợp một phần của môi trên.
 

Bé đang được chăm sóc ở bệnh viện. Vết thương ở môi của bé sẽ phải phẫu thuật rất nhiều lần. Ảnh: Bệnh viện cung cấp.

Bé đang được chăm sóc ở bệnh viện. Vết thương ở môi của bé sẽ phải phẫu thuật rất nhiều lần. Ảnh: Bệnh viện cung cấp.


Theo bác sĩ Hằng, tổn thương ảnh hưởng lớn đến chức năng và thẩm mỹ của trẻ. Bệnh nhi sẽ phải phẫu thuật tạo hình nhiều lần song sẽ không lành lặn như trước được.
 

Trường hợp này bác sĩ tiếc không cứu được môi cho bé bởi phần đứt liền không được bảo quản đúng. Để nối vi phẫu thành công thì những bộ phận cơ thể người đứt rời thì khâu bảo quản ban đầu rất quan trọng. Nên cho phần đứt rời vào túi nilon sạch, buộc kín lại, nếu có thể thì bọc trong miếng gạc. Sau đó đặt vào một túi nilon khác đựng nước, buộc kín bỏ vào thùng đá, giữ ở nhiệt độ 4-10 độ C.
 

Khoa Phẫu thuật Chấn thương Chung của Bệnh viện cũng đang điều trị một bệnh nhân nữ 88 tuổi bị chó cắn vào bàn tay. Theo người nhà, trên đường đi mua thuốc về, cụ bị con chó to nhà hàng xóm chạy ra ngoài đường xô ngã, cắn.
 

Bác sĩ Đặng Trung Kiên cho biết bệnh nhân được mổ cắt lọc vết thương và tiêm phòng uốn ván. Hiện sức khỏe cụ ổn định, có thể xuất viện sau vài ngày tới.
 

Bác sĩ khuyến cáo gia đình có vật nuôi (chó) cần có biện pháp quản lý vật nuôi an toàn; phải cách ly với trẻ, đặc biệt là chó mới đẻ con, đang ăn, bị thương... Chó phải được tiêm văcxin ngừa bệnh dại định kỳ, ra khỏi nơi nuôi nhốt cần được rọ mõm.
 

Khi bị chó cắn cần rửa kỹ vết thương bằng nước và xà phòng đặc liên tục trong 15 phút. Nếu không có xà phòng thì phải xối rửa vết thương bằng nước sạch. Đây là biện pháp sơ cứu hiệu quả để giảm nguy cơ mắc bệnh dại khi bị chó mèo cắn. Sau đó tiếp tục rửa vết thương bằng cồn 70%, cồn iod hoặc povidone, iodine. Chú ý hạn chế làm dập vết thương và không được băng kín vết thương. Sau đó đến cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn và tiêm phòng dại kịp thời.

  • Từ khóa