Theo bác sĩ, những người hút thuốc, có chế độ dinh dưỡng giàu thức ăn mặn và đồ hun khói, ăn ít trái cây và rau quả sẽ tăng nguy cơ mắc căn bệnh ung thư nguy hiểm này.
Ngày 4/11, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương (TPHCM) cho biết, các bác sĩ nơi đây vừa tiến hành một cuộc đại phẫu cho bà N.T.B. (81 tuổi, ngụ TPHCM).
Xuất viện chỉ sau 3 ngày cắt u dạ dày
Trước đó, bà B. nhập viện vì nhiều ngày điều trị chứng trào ngược dạ dày không hiệu quả. Sau khi được tiến hành thăm khám và làm các xét nghiệm, bà được chẩn đoán là ung thư dạ dày, cần phẫu thuật sớm. Tuy nhiên, cụ bà có nhiều bệnh nền như tăng huyết áp, thiếu máu cơ tim, tiểu đường, suy thận mạn, viêm phế quản, đồng thời còn bị rối loạn lo âu, trầm cảm.
Bác sĩ Hồ Văn Phước, khoa Ngoại Tiêu hóa của bệnh viện cho biết, để ca mổ tiến hành an toàn và giúp bệnh nhân hồi phục sớm, các bác sĩ tại đây đã áp dụng quy trình phục hồi nhanh sau phẫu thuật (ERAS). Với sự hỗ trợ hiệu quả của các bác sĩ nhiều chuyên khoa, bệnh nhân được tối ưu hóa tình trạng sức khỏe.
Bệnh nhân N.T.B. (Ảnh: Bệnh viện cung cấp).
Sau đó, bệnh nhân được phẫu thuật nội soi, cắt phần dạ dày có khối u, nạo các hạch di căn trong ca mổ kéo dài 4 giờ. Hậu phẫu 1 ngày, bệnh nhân đã ăn uống được, tập đi lại. Ngày thứ 3 sau mổ, bệnh nhân đã được cho xuất viện. Một tuần sau mổ, bệnh nhân đến tái khám, cắt chỉ trong tình trạng ổn định.
Theo bác sĩ Phước, ERAS (Enhanced Recovery After Surgery) là chương trình tăng cường hồi phục sau mổ, được nhiều nước trên thế giới áp dụng.
ERAS với sự phối hợp của nhiều chuyên khoa đã giúp giảm đáng kể tỷ lệ biến chứng, tái nhập viện, rút ngắn thời gian nằm viện, giảm chi phí và làm tăng sự hài lòng, giúp bệnh nhân sớm trở lại với cuộc sống sinh hoạt bình thường. Ngoài dạ dày, ERAS còn được áp dụng cho phẫu thuật thực quản, đại trực tràng, gan mật tụy…
Theo TS.BS Lê Huy Lưu, Trưởng khoa Ngoại Tiêu hóa cho biết, trước đây nhiều quan điểm cho rằng khi thực hiện các ca phẫu thuật mổ liên quan đến hệ thống tiêu hóa, bệnh nhân phải nhịn ăn, nhịn uống, phải nằm nghỉ... Tuy nhiên, ngày càng nhiều bằng chứng y học chứng minh rằng điều này làm chậm quá trình phục hồi của bệnh nhân, đặc biệt là ở những bệnh nhân lớn tuổi.
Với quy trình ERAS, bệnh nhân từ nhịn ăn qua đêm được chuyển sang dùng đồ uống có chứa đường 2 giờ trước khi phẫu thuật, được thực hiện các phương pháp xâm lấn tối thiểu thay vì vết mổ lớn. Bệnh nhân cũng được vận động sớm và có chế độ ăn ngay trong ngày phẫu thuật.
Bác sĩ tiến hành phẫu thuật nội soi cho bệnh nhân ung thư dạ dày (Ảnh: Bệnh viện cung cấp).
Những yếu tố làm tăng nguy cơ ung thư dạ dày
Theo các bác sĩ, ung thư dạ dày là loại ung thư hay gặp nhất trong số các loại ung thư của đường tiêu hóa và là nguyên nhân gây tử vong cho khoảng 25.000-35.000 người mỗi năm. Trên thế giới, hàng năm có khoảng 600.000-700.000 trường hợp ung thư dạ dày mới được phát hiện.
Tại Việt Nam, tỷ lệ mắc bệnh ung thư dạ dày lần lượt là 19,3/100.000 ở nam và 9,1/100.000 người ở nữ. Bệnh thường gặp ở lứa tuổi từ 40-60, nam gấp 2 lần nữ.
Những yếu tố làm tăng nguy cơ ung thư dạ dày bao gồm: Chế độ ăn giàu thức ăn mặn và hun khói; Chế độ ăn ít trái cây và rau quả; Ăn các loại thực phẩm bị nhiễm nấm mốc aflatoxin; Lịch sử gia đình mắc bệnh ung thư dạ dày; Nhiễm Helicobacter pylori; Viêm dạ dày mạn tính; Thiếu máu ác tính; Hút thuốc; Có polyp dạ dày.
TS.BS Lê Huy Lưu khuyến cáo, khi có các biểu hiện như ăn uống kém, chán ăn, khó chịu hoặc đau ở bụng, chướng hơi dạ dày sau khi ăn, toàn thân người mệt mỏi, giảm khả năng lao động, da xanh niêm mạc nhợt, người gầy sút cân nhanh… cần đi khám chuyên khoa tiêu hóa để được chẩn đoán và điều trị sớm các bệnh lý liên quan, đặc biệt là ung thư dạ dày.
Hoàng Lê/dantri.com.vn