Cần những biện pháp phù hợp để chấm dứt bệnh AIDS vào năm 2030

Chủ nhật, 27.11.2022 | 15:12:08
841 lượt xem

Theo nhận định của các chuyên gia, hình thái lây nhiễm HIV đang có sự thay đổi rõ rệt trong những năm gần đây. Vì vậy, cần những biện pháp phù hợp để đạt được mục tiêu của Chiến lược quốc gia chấm dứt bệnh AIDS vào năm 2030.

Nhân Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS (từ ngày 10-11 đến 10-12), PGS, TS Phan Thị Thu Hương, Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS, Bộ Y tế đã có cuộc trao đổi với báo chí để làm rõ hơn vấn đề này.

Phóng viên (PV): Thưa bà, thực tế đáng lo ngại là hình thái lây nhiễm HIV tại Việt Nam có chiều hướng tăng trong nhóm đối tượng quan hệ đồng tính nam (MSM). Bà có ý kiến gì về vấn đề này?

Cần những biện pháp phù hợp để chấm dứt bệnh AIDS vào năm 2030

PGS, TS Phan Thị Thu Hương, Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế). 

PGS, TS Phan Thị Thu Hương: Theo số liệu thống kê của Cục Phòng, chống HIV/AIDS, tính đến cuối tháng 9-2022, số người nhiễm HIV đang sống được quản lý là 219.146 trường hợp. Xu hướng dịch HIV/AIDS có dấu hiệu giảm rõ rệt. Nếu như 15 năm trước, mỗi năm, chúng ta phát hiện hơn 30.000 người nhiễm HIV thì những năm gần đây, số lượng người nhiễm HIV giảm tới 60% (từ 10.000 đến 12.000 ca nhiễm mỗi năm). Tuy nhiên, vấn đề lây nhiễm HIV ở Việt Nam đang theo một xu hướng mới. Trước đây, khi nói đến nhiễm HIV, chúng ta nghĩ đến nhóm người chích ma túy hay phụ nữ mại dâm. Song hiện nay, qua phân tích sâu số liệu cho thấy, tỷ lệ lây truyền qua quan hệ tình dục không an toàn, chủ yếu là những người quan hệ đồng giới nam có xu hướng tăng. Giám sát trọng điểm năm 2018 chỉ ra tỷ lệ nhiễm trong nhóm này là 10,8%, tăng nhanh so với năm 2011 (chỉ 2,9%). Ở một số địa phương, người nhiễm HIV mới được phát hiện có tới hơn 50% là nhóm MSM. MSM được dự báo có thể trở thành nhóm chiếm tỷ lệ lớn nhất trong tổng số người nhiễm mới HIV trong thời gian tới.

PV: Có biện pháp nào để ngăn chặn sự lây nhiễm HIV trong nhóm MSM không, thưa bà?

PGS, TS Phan Thị Thu Hương: Để giảm tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm MSM, tiến tới thực hiện mục tiêu chấm dứt đại dịch HIV/AIDS, chúng ta cần thực hiện đồng thời nhiều giải pháp. Giải pháp then chốt là phổ biến kiến thức về HIV và cách phòng tránh lây nhiễm HIV, hướng dẫn sử dụng thuốc dự phòng trước phơi nhiễm (PrEP), dự phòng sau phơi nhiễm (PEP). Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), PrEP đạt hiệu quả bảo vệ 97% qua quan hệ tình dục và 74% qua đường tiêm chích. Vì thế, ngay khi WHO khuyến cáo về hiệu quả của PrEP, Việt Nam đã nghiên cứu áp dụng triển khai trong bối cảnh tình hình dịch có sự thay đổi, lây truyền HIV qua quan hệ tình dục là đường lây chính trong những năm gần đây và tỷ lệ nhiễm HIV tăng lên trong nhóm MSM. Năm 2017, Việt Nam đã triển khai cung cấp dịch vụ PrEP thí điểm tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Từ năm 2019 đến nay, với sự hỗ trợ từ các dự án, Bộ Y tế đã mở rộng cung cấp dịch vụ PrEP tại 29 tỉnh, thành phố với 210 cơ sở điều trị (49 cơ sở PrEP tư nhân) và nhiều mô hình cung cấp dịch vụ PrEP đa dạng được triển khai phối hợp.

Mặt khác, chúng ta cần phải tăng cường truyền thông, cung cấp thông tin qua các sự kiện cộng đồng, các mạng lưới tại địa phương, nhóm đồng đẳng... Tăng cường truyền thông giảm kỳ thị, phân biệt đối xử; vận động các nhà tài trợ, ngân sách nhà nước và địa phương tiếp tục mở rộng độ bao phủ triển khai PrEP, kết hợp đa dạng các mô hình đã triển khai và sáng kiến mới về cung cấp dịch vụ PrEP tại các tỉnh có dự án...

Cần những biện pháp phù hợp để chấm dứt bệnh AIDS vào năm 2030
Tư vấn điều trị cho người nhiễm HIV. Ảnh: THÙY CHI 

PV: Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm nay lấy chủ đề "Chấm dứt dịch AIDS-Thanh niên sẵn sàng". Điều này có ý nghĩa như thế nào, thưa bà?

PGS, TS Phan Thị Thu Hương: Chúng tôi vừa có cuộc khảo sát tại một số địa phương và ghi nhận một thực tế đáng quan ngại, đó là ngày càng nhiều người nhiễm HIV ở lứa tuổi trẻ. Chính vì vậy, chủ đề của Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm nay tập trung nhiều hơn vào nhóm thanh niên. Họ là nhóm người cần có được sự quan tâm đầy đủ từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường ở cấp trung học và cả khi rời ghế nhà trường tiếp cận các môi trường mới để có kiến thức, biết được các biện pháp dự phòng tốt cho bản thân.

Theo số liệu Tổng điều tra dân số năm 2021, tỷ lệ hiểu biết toàn diện về dự phòng lây nhiễm HIV ở nam và nữ trong độ tuổi 15-24 chỉ dưới 50%. Tỷ lệ có thái độ phân biệt đối xử với HIV ở nam và nữ trong độ tuổi 15-24 là gần 40%. Như vậy, nhóm tuổi này có kiến thức, thái độ rất hạn chế so với mục tiêu đặt ra là 80% dân số Việt Nam trong độ tuổi 15-49 đạt cả hai chỉ số trên. Đáng lưu ý, việc thiếu các thông tin về phòng, chống HIV/AIDS trong thanh thiếu niên, tình trạng kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV và với nhóm nguy cơ cao là rào cản việc tiếp cận các dịch vụ và biện pháp can thiệp. Vì vậy, sự vào cuộc và đóng góp của thanh niên rất quan trọng, cần tiên phong cho công cuộc phòng, chống HIV/AIDS. Cá nhân tôi mong những thông điệp, kiến thức về phòng, chống HIV/AIDS sẽ được lan tỏa rộng rãi đến cộng đồng, đặc biệt là các thanh niên, để các bạn có thể dự phòng tốt hơn cho bản thân.

PV: Xin trân trọng cảm ơn bà!


HÀ VŨ/qdnd.vn

https://www.qdnd.vn/y-te/cac-van-de/can-nhung-bien-phap-phu-hop-de-cham-dut-benh-aids-vao-nam-2030-712185

  • Từ khóa