Cô gái Hà Nội nhận tin mẹ qua đời sau biến cố. Cách đó hơn 30km, người cha nén đau thương trước sự ra đi của con trai. Họ, trong hai hoàn cảnh khác nhau, đã có cùng một quyết định cao cả.
"Con rất tự hào về mẹ!"
Khi bài hát "Để gió cuốn đi" vang lên giữa khán phòng, ở một góc, Tăng Minh Hiền (27 tuổi, quận Thanh Xuân, Hà Nội) bật khóc nức nở vì nhớ mẹ. 3 tháng trước, mẹ cô - bà Nguyễn Thị Hồng Hải (50 tuổi) qua đời sau một biến cố của gia đình.
"Có những khi tôi chững lại, khóc nhớ mẹ. Đó cũng là lúc tôi yếu đuối nhất", Hiền nói.
Ngày 16/9, bà Hải được chuyển đến cấp cứu tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội trong tình trạng nguy kịch. Hôm sau, bác sĩ thông báo với gia đình những tình huống xấu nhất có thể xảy ra, dặn chuẩn bị trước tâm lý.
"Túc trực bên mẹ tại bệnh viện, tôi vẫn nuôi một chút hi vọng, nhưng kết quả không như mong đợi", Hiền cho biết chỉ sau hai ngày, mẹ cô được chẩn đoán thiếu oxy lên não dẫn đến chết não.
Bố mất năm 2018 do ung thư, em gái vừa thi xong Đại học, gánh nặng gia đình lúc này đặt lên vai cô gái 27 tuổi.
"Trong buổi họp gia đình, chú tôi nhắc đến chuyện hiến tạng của mẹ. Nhớ lại trước đây hai mẹ con hay tâm tình, tôi có nghe mẹ nói mong muốn được hiến tạng sau khi qua đời", Hiền kể lại.
Minh Hiền bật khóc khi nhớ về mẹ trong buổi lễ truy tặng kỷ niệm chương vì hành động hiến mô, tạng.
Cô quyết định thực hiện tâm nguyện của mẹ, thuyết phục hai bên gia đình thấu hiểu để làm những điều tốt đẹp nhất cho bà Hải. Trên hành trình này, cô đã phải đấu tranh tâm lý rất nhiều, khi mà một số thành viên vẫn nặng quan niệm ngày xưa "chết phải toàn thây".
Hiền khẳng định, nếu hiến tạng mẹ, tức là bà vẫn còn sống, chỉ là trong những hình hài khác.
Ngày 19/9, Trung tâm Điều phối Ghép tạng Quốc gia đã tiếp nhận mô, tạng của bà Nguyễn Thị Hồng Hải tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội. Phổi của bà được chuyển ghép cho bệnh nhân tại Bệnh viện Quân đội 108; gan, hai thận ghép tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức; 3 mạch máu và 5 gân được chuyển về Ngân hàng mô của Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức; 2 giác mạc chuyển về Ngân hàng Mắt (Bệnh viện Mắt Trung ương).
"Cho đến bây giờ, gia đình cảm nhận mẹ vẫn còn tồn tại. Những mô, tạng mẹ cho đi, tuy không còn trong cơ thể mẹ, nhưng vẫn tiếp tục được sống và cống hiến", Hiền tâm sự.
Giây phút đứng trên sân khấu nhận thay bà Hải kỷ niệm chương "Vì sức khỏe nhân dân", Hiền xúc động nói: "Con rất tự hào về mẹ". Cô bày tỏ mong muốn được gặp những người đã nhận mô, tạng, đồng thời nói rằng sẽ đăng ký hiến tạng, giống như nghĩa cử cao đẹp mà mẹ đã dạy.
GS.TS Đồng Văn Hệ, Giám đốc Trung tâm Điều phối Ghép tạng Quốc gia.
GS.TS Đồng Văn Hệ, Giám đốc Trung tâm Điều phối Ghép tạng Quốc gia cho biết đây là trường hợp hiến ghép rất đặc biệt. Lần đầu tiên, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội - đơn vị chưa từng thực hiện ghép tạng, đã triển khai công tác hồi sức não cho bệnh nhân, đồng thời lấy tạng tại bệnh viện rồi chuyển tạng sang Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức và Bệnh viện Mắt trung ương.
"Chúng tôi hi vọng tạo được một mạng lưới không chỉ ở miền Bắc mà rộng khắp trung tâm y tế cả nước, để cứu được nhiều bệnh nhân hơn nữa", ông Hệ nói.
"Nhiều người nói tôi bán nội tạng con"
Cố tỏ ra mạnh mẽ, nhưng mỗi khi nhắc đến con trai là anh Đào Đức Lợi (27 tuổi), ông Đào Đức Thắng (50 tuổi, huyện Tiên Du, Bắc Ninh) không thể kìm nén những giọt nước mắt.
Tháng 9, anh Lợi gặp tai nạn, được đưa đến Bệnh viện Đa khoa Bắc Ninh cấp cứu nhưng không qua khỏi. Trong giây phút đau đớn nhất, ông Thắng nhớ lại từng xem những chương trình về hiến mô, tạng trên các phương tiện truyền thông đại chúng, nên đã hỏi ý kiến gia đình về việc để con trai tiếp tục tồn tại theo cách đặc biệt như thế.
"Tôi gọi điện thông báo cho vợ và con gái đang ở nước ngoài. Cả nhà cùng khóc, sau vẫn quyết định hiến tạng của Lợi cho y học", ông Thắng nói.
Ông Đào Đức Thắng, bố của bệnh nhân chết não hiến tạng cứu người.
Nhận được thông tin về trường hợp của anh Đào Đức Lợi, Trung tâm Điều phối Ghép tạng Quốc gia đã cử một kíp bác sĩ đón bệnh nhân từ Bệnh viện Đa khoa Bắc Ninh về Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức.
Các bác sĩ đã lấy tim, một gan, hai thận ghép tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức; 3 mạch máu và 5 gân gửi vào Ngân hàng mô của Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức; 2 giác mạc chuyển về Ngân hàng Mắt (Bệnh viện Mắt Trung ương).
"Tôi nuôi con gần 30 năm, nhưng nó chưa kịp cống hiến được gì cho xã hội và gia đình thì đã ra đi. Do đó, tôi quyết định hiến tạng của con để cứu giúp các bệnh nhân khác. Đây cũng là cách giúp con đóng góp một phần nào đó cho xã hội", ông Thắng chia sẻ.
Nhiều người đàm tiếu rằng ông Thắng "bán nội tạng con", nhưng người cha để ngoài tai tất cả, kiên định với mong muốn một phần cơ thể con tiếp tục sống trên cõi đời này.
"Nếu gia đình những người nhận mô, tạng của con tôi tìm đến cảm ơn, tôi rất vui sướng vì biết rằng cháu nội đáng thương của mình sẽ có thêm nhiều người chăm sóc và yêu thương", người đàn ông nghẹn ngào.
Từ ngày anh Lợi qua đời, ông Thắng không biết giải thích thế nào với đứa cháu mới lên 4 tuổi. Đôi khi, đứa trẻ ngây thơ hỏi: "Con nhớ bố. Bố đi đâu rồi?", ông chỉ biết trả lời: "Bố đi kiếm tiền".
Buổi lễ truy tặng kỷ niệm chương "Vì sức khỏe nhân dân" cho bà Nguyễn Thị Hồng Hải và anh Đào Đức Lợi đã hiến tặng toàn bộ mô, tạng sau khi qua đời.
Hơn 62.000 người đăng ký hiến mô, tạng trên cả nước
Tại buổi lễ truy tặng kỷ niệm chương "Vì sức khỏe nhân dân" chiều 11/12, GS.TS Đồng Văn Hệ cho biết, bà Nguyễn Thị Hồng Hải và anh Đào Đức Lợi đến từ hai nơi khác nhau, từ giã cõi đời theo cách khác nhau. Tuy nhiên, họ lại có chung một tình yêu vô bờ, là muốn người thân của mình tiếp tục làm việc thiện.
Trước khi từ giã cõi đời họ đã cứu được hàng chục người đang cận kề cái chết nếu không được ghép tạng.
"Dù họ đã ra đi nhưng một phần cơ thể vẫn sống trong nhiều người, hiện diện trên cõi đời này", ông Hệ nói.
PGS.TS.BS Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cho hay, 95% các ca ghép tạng Việt Nam có nguồn từ người cho sống, chỉ 5% là của người chết não. Đây là điều trái ngược với thông lệ quốc tế.
Theo ông Hiếu, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, quan trọng nhất là sự phối hợp giữa các bệnh viện có khả năng ghép và các bệnh viện khác không có chức năng ghép trên cả nước.
Bệnh viện Đại học Y Hà Nội khẳng định sẽ làm mọi cách để không có giới hạn trong việc phục vụ, chăm sóc sức khỏe nhân dân, cũng như hỗ trợ chương trình hiến mô, tạng.
"Tôi xin chia buồn sâu sắc với gia đình bà Nguyễn Thị Hồng Hải và anh Đào Đức Lợi - những người bệnh mà chúng tôi không đủ khả năng giữ lại trên cuộc đời này. Nhưng tôi tin chắc rằng, những phần cơ thể của họ, vẫn còn tồn tại. Đây là những đóng góp không gì có thể bù đắp được", PGS.TS.BS Nguyễn Lân Hiếu chia sẻ.
PGS.TS.BS Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội.
Theo ông Nguyễn Hoàng Phúc, Phó Giám đốc Trung tâm Điều phối Ghép tạng Quốc gia, tính đến đầu tháng 12/2022, đã có hơn 62.000 người đăng ký hiến mô, tạng trên cả nước, cao hơn so với những năm trước.
Đến nay, Việt Nam đã triển khai hơn 7.000 ca ghép tạng. Mặc dù nguồn tạng chủ yếu từ người hiến sống, nhưng nguồn từ người cho chết não cũng tăng lên với con số hơn 100 người.
"Riêng trong năm 2022, có hơn 10 người chết não đã đăng ký hiến tạng. Tôi tin con số này sẽ càng ngày càng tăng lên khi người dân gần đây đã hiểu hơn về hiến tặng mô, tạng", ông Phúc chia sẻ.
GS.TS.BS Tạ Thành Văn, Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Y Hà Nội.
Kết thúc buổi lễ, GS.TS.BS Tạ Thành Văn, Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Y Hà Nội cho biết nhà trường phối hợp với Trung tâm Điều phối Ghép tạng Quốc gia phát động phong trào hiến tặng mô tạng.
"Hành động cao cả của hai gia đình đã vượt lên phong tục truyền thống để cống hiến một phần cơ thể của người thân cho cộng đồng, cứu rất nhiều tính mạng khác. Tôi hi vọng những nghĩa cử tinh thần cao đẹp này sẽ lan tỏa rộng rãi trong nhân viên y tế cũng như trong cộng đồng", GS.TS.BS Tạ Thành Văn nói.
Minh Nhân/dantri.com.vn