Theo bác sĩ mỗi người cần cảnh giác nếu thấy người nhà ủ rũ, cảm thấy cuộc sống bế tắc, dự trữ thuốc, mua dây thừng... Khi đó, cần đưa họ đi khám, can thiệp kịp thời tránh hành vi tự sát.
Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), có 800.000 người trên toàn thế giới chết vì tự sát mỗi năm, đứng thứ 14 trong 250 nguyên nhân gây tử vong. Thống kê năm 2018 ở Mỹ cho thấy có hơn 48.000 người tự sát trong năm, đứng thứ 10 trong 10 nguyên nhân hàng đầu gây tử vong.
Các phương thức tự sát thường gặp là sử dụng súng, ngạt (treo cổ) và ngộ độc (uống thuốc). 80% các trường hợp này đã liên hệ với các bác sĩ trong tuyến chăm sóc sức khỏe ban đầu trong vòng một năm trước khi tử vong. Chỉ có khoảng 25-30% liên hệ với các bác sĩ tâm thần trong vòng một năm trước khi tử vong.
Có 800.000 người trên toàn thế giới chết vì tự sát mỗi năm (Ảnh minh họa: H.L).
Tại Việt Nam, kiến thức của người dân về chuyên ngành tâm thần vô cùng thiếu. Chia sẻ với báo chí chiều 13/12, TS.BS Nguyễn Văn Dũng, Phó Viện trưởng Viện Sức khỏe tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) cho biết theo một số nghiên cứu, 36% những trường hợp tự sát đã có ý định tự sát từ trước. Hành vi tự sát được coi là một trong những hành vi, tập tính dễ bị bắt chước.
"Tỷ lệ rối loạn trầm cảm, hành vi tự sát gia tăng sau nghỉ hè, Tết, dịch Covid-19, sau mỗi kỳ World Cup... Gần đây, Bệnh viện Bạch Mai cũng tiếp nhận không ít trường hợp thua lỗ chứng khoán, vỡ nợ đến viện thăm khám. Ý tưởng tự sát không phải bộc phát mà được nuôi dưỡng qua thời gian dài", TS Dũng cho biết.
ThS.BS Vũ Sơn Tùng, Phó phòng Điều trị rối loạn cảm xúc, Viện Sức khỏe tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai (Ảnh: N.P).
ThS.BS Vũ Sơn Tùng, Phó phòng Điều trị rối loạn cảm xúc cũng cho biết thêm tự sát là hành vi tự kết liễu bản thân. Ý tưởng tự sát là ý nghĩ về việc tự kết liễu bản thân, kế hoạch tự sát là kế hoạch để tự kết liễu bản thân. 60% sẽ chuyển từ ý tưởng tự sát sang kế hoạch và từ kế hoạch sang toan tự sát trong năm đầu tiên khi bắt đầu có ý định tự sát.
"Chúng ta cần cảnh giác nếu thấy người nhà dự trữ thuốc như paracetamol, thuốc hạ huyết áp… - rất dễ mua hoặc đi mua dây điện, dây thừng… hoặc thấy họ ủ rũ nhiều hơn, buồn rầu, cảm thấy cuộc sống bế tắc… Khi đó, cần đưa họ đi khám để bác sĩ có chuyên môn có thể khai thác tốt hơn, can thiệp kịp thời, tránh chủ quan để người bệnh ở nhà tự điều trị", BS Tùng cho biết.
Bên cạnh đó, để phòng ngừa tự sát cần tránh để bệnh nhân cầm vật sắt nhọn, tránh ở lầu cao, tránh ổ điện… Ngoài ra, khi bệnh nhân đã được ra viện thì vẫn cần điều trị củng cố, tránh tái phát.
Tự sát có thể có rất nhiều nguyên nhân, bắt nguồn từ stress trong cuộc sống - gia đình như chuyện tình cảm, bố mẹ chia ly; vấn đề kinh tế như thua lỗ; bệnh lý khác như trầm cảm, rối loạn do sử dụng chất kích thích, rối loạn tâm thần phân liệt, hoang tưởng bị hại, bị theo dõi…
Một số yếu tố làm tăng nguy cơ tự sát gồm: tiền sử toan tự sát, tiền sử gia đình và di truyền, bất hạnh thời thơ ấu, sự tuyệt vọng, tình trạng hôn nhau, xu hướng tình dục, nghề nghiệp, rối loạn tâm thần, bệnh lý nội khoa, rối loạn thần kinh, chấn thương sọ não…
"Mỗi người chúng ta cần biết tính của người thân có phải là người sống khép mình, nội tâm, nhút nhát hay không. Những trường hợp này khi gặp một số sang chấn, làm ăn thua lỗ, đua đòi dùng chất kích thích… mà có biểu hiện chán đời, buồn phiền, thu mình, né tránh, hay nói về cái chết, mất ngủ… thì nên cảnh giác. Có thể đưa họ đi khám chuyên khoa tâm thần để có hướng can thiệp phù hợp", TS Dũng cho biết.
Bác sĩ cũng lưu ý tránh sử dụng thuốc nam hay tự ý sử dụng một số thuốc khác như thuốc tuần hoàn, thuốc bổ có thể gây tác dụng không tốt cho bệnh nhân, tránh cúng bái trừ tà bắt ma…
Nam Phương/dantri.com.vn