Số lượng thực phẩm chức năng đăng ký mới mỗi năm có thể lên tới con số chục nghìn trong 20 năm qua, trong đó có hơn 70% là sản phẩm sản xuất trong nước. Người biết và sử dụng thực phẩm chức năng tăng lên trên 60%. Tuy nhiên, thời gian qua, rất nhiều sản phẩm vi phạm quảng cáo, gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng.
Hai đối tượng người tỉnh Hải Dương bán thực phẩm chức năng không có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. (Ảnh Đội quản lý thị trường số 5 cung cấp).
PGS, TS Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm thông tin, nhiều doanh nghiệp đang có tình trạng "đăng ký một đằng, sản xuất một nẻo". Không ít đơn vị đã lợi dụng hình ảnh các y bác sĩ, người nổi tiếng, diễn viên để "thổi phồng" tác dụng của thực phẩm chức năng.
Hiện nay, người tiêu dùng có thể tìm mua các sản phẩm thực phẩm chức năng ở nhiều nơi, từ cửa hàng, siêu thị, các nhà thuốc, các shop online, các website hoặc mạng xã hội của chính các công ty phân phối. Sự quan tâm của người tiêu dùng tới hiệu quả của thực phẩm chức năng ngày càng tăng lên.
Tuy nhiên, cùng với đó, các vấn đề nảy sinh liên quan đến việc vi phạm trong sản xuất, kinh doanh, quảng cáo thực phẩm chức năng cũng tăng lên.
Tại hội thảo "Phát triển bền vững thị trường thực phẩm chức năng" do Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) phối hợp với Hiệp hội Thực phẩm chức năng Việt Nam tổ chức, Tiến sĩ Trần Việt Nga, Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế bày tỏ những bức xúc về việc sử dụng danh nghĩa, hình ảnh bác sĩ, người nổi tiếng, cơ quan báo chí, truyền hình uy tín để quảng cáo thực phẩm chức năng như thuốc chữa bệnh, thần dược.
“Chúng tôi theo dõi, thống kê thấy rằng có những diễn viên, người nổi tiếng nhiều bệnh vì quảng cáo sản phẩm nào cũng tham gia, lúc thì bệnh gout, tim mạch, lúc là bệnh huyết áp… và đều khỏi bệnh sau một thời gian ngắn sử dụng sản phẩm”, Tiến sĩ Nga nói.
Quảng cáo thực phẩm chức năng như thần dược, khiến nhiều người mua và sử dụng sản phẩm không hiệu quả, tiền mất tật mang. Cục An toàn Thực phẩm đã công khai thông tin trên website của cơ quan này để cảnh báo nhưng tình trạng trên vẫn diễn ra phổ biến.
Rất nhiều sản phẩm chưa được Cục An toàn thực phẩm xác nhận nội dung quảng cáo nhưng vẫn xuất hiện rộng rãi trên các phương tiện đại chúng. Một số trường hợp quảng cáo sai nội dung được phê duyệt, thêm bớt từ ngữ bị cấm hoặc câu chữ khiến người tiêu dùng cảm nhận “đây là thần dược”.
Bên cạnh đó, theo các chuyên gia, có hiện tượng sản phẩm không đúng như bản đăng ký. Nhà sản xuất còn vì lợi nhuận mà cho thêm chất cấm, chất độc hại vào trong sản phẩm.
Theo nhandan.vn
https://nhandan.vn/nhieu-thuc-pham-chuc-nang-dang-bi-thoi-phong-tac-dung-post730924.html