Cách ngày vào viện khoảng 3 tháng, bệnh nhân thường xuyên đi ngoài phân lúc lỏng, lúc rắn, có lúc phân sẫm màu, kèm theo đau bụng vùng hạ vị từng cơn, không nôn, không sốt.
Ông N.V.X., 55 tuổi, sống tại Bắc Giang vào Bệnh viện Ung bướu Bắc Giang trong tình trạng mệt mỏi, ăn uống kém, sụt cân.
Qua khai thác bệnh sử, cách ngày vào viện khoảng 3 tháng, bệnh nhân thường xuyên đi ngoài phân lúc lỏng, lúc rắn, có lúc phân sẫm màu, kèm theo đau bụng vùng hạ vị từng cơn, không nôn, không sốt.
Qua thăm khám, các bác sĩ phát hiện bệnh nhân có hình ảnh di căn gan đa ổ, u sùi đại tràng sigma kích thước 29x16mm gây hẹp lòng đại tràng. Kết quả giải phẫu bệnh cho thấy bệnh nhân mắc ung thư biểu mô tuyến đại tràng sigma đã di căn gan đa ổ.
Cách ngày vào viện khoảng 3 tháng, bệnh nhân thường xuyên đi ngoài phân lúc lỏng, lúc rắn, có lúc phân sẫm màu (Ảnh: Internet).
Bệnh nhân được chỉ định phẫu thuật cắt đoạn đại tràng, vét hạch, truyền hóa chất 6 chu kỳ.
Sau điều trị, bệnh nhân đáp ứng tốt, thể trạng tốt, ăn ngủ khá, không đau bụng, không bị rối loạn tiêu hóa và tăng được 5kg sau một thời gian.
Tại Việt nam, ung thư đại trực tràng đứng hàng thứ 5 trong các bệnh ung thư thường gặp của cả hai giới và đang có xu hướng gia tăng.
Yếu tố nguy cơ của ung thư đại trực tràng bao gồm: chế độ ăn ít rau nhiều chất béo, nhiều thịt, mỡ động vật, bệnh polyp đại trực tràng, bệnh crohn, viêm loét mạn tính…
Các yếu tố di truyền có vai trò trong sinh bệnh ung thư đại trực tràng bao gồm: Hội chứng ung thư đại trực tràng di truyền không polyp (Hội chứng Lynch), Bệnh đa polyp đại trực tràng gia đình(FAP)…
Nếu bệnh được phát hiện ở giai đoạn sớm tiên lượng tốt, có thể chữa khỏi hoàn toàn và phương pháp điều trị chủ yếu là phẫu thuật.
Ở giai đoạn muộn, bệnh nhân chủ yếu được điều trị hóa chất, điều trị đích, liệu pháp miễn dịch… Những phương pháp này sẽ làm tăng thời gian sống thêm và cải thiện chất lượng cuộc sống.
Tỷ lệ khỏi bệnh sau 5 năm là từ 40-60%. So với các ung thư đường tiêu hóa, ung thư đại trực tràng có tiên lượng tốt hơn và được coi là bệnh ưu tiên chữa khỏi.
Khám gì để phát hiện ung thư đại trực tràng?
- Soi đại tràng: Là phương pháp hữu hiệu nhất, giúp phát hiện các khối u ở kích thước cỡ vài milimet, hoặc các bất thường khác của đại tràng như polyp đại tràng, túi thừa, các tổn thương loét, viêm do nhiễm khuẩn…
- Xét nghiệm máu trong phân: Khối u đại tràng thường có hiện tượng hoại tử, chảy máu, do đó trong phân thường có hồng cầu (xét nghiệm này cũng ít ý nghĩa ở giai đoạn sớm).
- Xét nghiệm các dấu ấn ung thư: Bao gồm các dấu ấn CEA, CA 19-9 là 2 dấu ấn thường được sử dụng trong chẩn đoán ung thư đại tràng.
- Các xét nghiệm khác: Chụp X-quang ổ bụng, chụp cắt lớp vi tính, chụp cộng hưởng từ, chụp PET… chỉ có giá trị đánh giá giai đoạn bệnh, mà ít ý nghĩa trong chẩn đoán bệnh, đặc biệt giai đoạn sớm của bệnh.
Minh Nhật/dantri.com.vn