Đây là căn bệnh có tỷ lệ mắc mới và tử vong cao nhất trong các bệnh ung thư thường gặp.
Ung thư gan ở giai đoạn sớm thường không biểu hiện và rất khó phát hiện. Phần lớn người bệnh đến khám khi bệnh đã tiến triển đến giai đoạn muộn gây khó khăn cho việc điều trị. Do đó căn bệnh này còn được ví như "sát thủ thầm lặng".
Những người có nguy cơ cao mắc ung thư gan cần tầm soát
Lạm dụng bia rượu làm tăng nguy cơ mắc ung thư gan (Ảnh: Internet).
Theo Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, tầm soát ung thư gan giúp phát hiện được bệnh ở giai đoạn rất sớm, ngay cả khi chưa có triệu chứng. Ở giai đoạn sớm bác sĩ phẫu thuật để loại bỏ khối u giúp bệnh nhân hồi phục nhanh và không để lại di chứng. Phẫu thuật ở giai đoạn này còn giúp ngăn chặn khối u di căn đến các cơ quan khác trên cơ thể.
Việc phát hiện sớm và điều trị cũng giúp cho bệnh nhân không phải chịu những thương tổn về thể chất hay tâm lý. Ngoài ra, điều trị ở giai đoạn sớm sẽ không gây tốn kém về mặt kinh tế cho người bệnh. Do đó việc tầm soát ung thư gan sớm là điều nên làm với những đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh.
Đối tượng cần tầm soát ung thư gan sớm bao gồm:
- Đang nhiễm virus và các bệnh liên quan đến gan.
- Tiền sử gia đình có người bị ung thư gan.
- Mắc virus viêm gan B và viêm gan C (nguyên nhân hàng đầu gây ung thư tế bào gan nguyên phát).
- Viêm gan do nguyên nhân tự miễn, có thể đi kèm các bệnh tự miễn khác như đái tháo đường type 1, Basedow, viêm khớp dạng thấp, Lupus ban đỏ...
- Gan nhiễm mỡ không do rượu.
Ngoài ra, những người mắc các bệnh khác nhưng có nguy cơ bị ung thư gan bao gồm:
- Người mắc các bệnh béo phì, tiểu đường làm tăng nguy cơ bị ung thư gan.
- Xơ gan do sử dụng rượu bia, các chất kích thích quá nhiều.
- Những người có biểu hiện nghi ngờ như thường xuyên mệt mỏi, nước tiểu có màu vàng đậm, đau âm ỉ vùng gan, xuất huyết dưới da thì cũng nên khám thường xuyên để nhận được lời khuyên của bác sĩ.
Những phương pháp chẩn đoán ung thư gan
Khi có các dấu hiệu nghi ngờ ung thư gan, các bác sĩ sẽ chỉ định các xét nghiệm nhằm chẩn đoán bệnh:
- Siêu âm để chẩn đoán về khối u và là xét nghiệm đầu tiên được sử dụng để thăm khám gan.
- Chụp CT giúp hiển thị kích thước, hình dạng và vị trí của bất kỳ khối u nào trong hoặc gần gan.
- Chụp MRI có thể cho biết các khối u trong gan có phải là ung thư hay không. Chúng cũng có thể được sử dụng để xem xét các mạch máu trong và xung quanh gan, đồng thời giúp tìm ra liệu ung thư gan đã di căn hay chưa.
- Xét nghiệm máu có thể giúp xác định tình trạng chức năng gan của bệnh nhân.
- Sinh thiết gan sẽ được kiểm tra để đánh giá sự hiện diện của các tế bào ung thư. Tuy nhiên, đôi khi, chụp MRI hoặc CT là đủ để xác định chính xác ung thư gan và không cần làm sinh thiết.
Các biến chứng nguy hiểm của ung thư gan
Biến chứng thường gặp của bệnh ung thư gan bao gồm:
- Suy gan: Các mô ung thư gây những tổn thương nghiêm trọng đến gan bệnh nhân. Điều này khiến gan không thể loại bỏ các độc chất trong cơ thể và dẫn đến bệnh não gan, là nguyên nhân chính gây tử vong do ung thư gan.
- Suy thận: Hiện tượng ung thư gan dẫn đến suy thận gây rối loạn khả năng loại thải chất độc khỏi cơ thể.
- Ung thư gan di căn: Thường gặp các tế bào ung thư di căn đến phổi và xương. Khi di căn đến phúc mạc, gây ra báng bụng. Vì vậy, ung thư gan nằm gần cơ hoành thâm nhiễm trực tiếp lên cơ hoành và màng phổi, có thể dẫn đến tràn dịch tràn máu màng phổi.
Theo dantri.com.vn