Kể cả rượu thông thường nếu uống nhiều cũng có thể dẫn đến nguy hiểm. Nhiều trường hợp được đưa vào viện cấp cứu trong tình trạng hạ đường máu, đường máu về gần như bằng 0.
Sáng 12/1, chàng trai (25 tuổi, Hà Nội) được người nhà đưa vào Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) trong tình trạng tỉnh song người mệt, nằm bệt giường. Tối trước đó, cậu đi uống rượu với bạn, không ăn cơm sau đó về nhà ngủ đến sáng dậy thì nôn nhiều.
Kết quả xét nghiệm máu cho thấy ở bệnh nhân đã xuất hiện rối loạn toan chuyển hóa. Xuất hiện toan chuyển hóa đã là tình trạng đã nặng, dẫn đến nhiều rối loạn khác kèm theo sau đó.
Gần như ngày nào Trung tâm chống độc cũng tiếp nhận bệnh nhân bị ngộ độc rượu (Ảnh: N.Phương).
TS.BS Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) cho biết trường hợp người trẻ vào viện cấp cứu do ngộ độc rượu thông thường như trên không hiếm gặp. Họ thường uống rượu mà không ăn, bỏ bữa, dẫn đến hạ đường máu. Gần đây, nhiều trường hợp được chuyển vào viện trong tình trạng này, đường máu về gần như bằng 0, không còn đường trong người. Bản thân rượu gây hạ đường máu.
Ngoài ra, uống rượu tạo cảm giác no giả, trong khi thực ra cơ thể đang đói, dẫn tới người uống không ăn, khi về nhà thì say lăn ra ngủ, bỏ bữa tiếp. Người nhà thấy đắp chăn ngủ thì để cho ngủ, sáng dậy sờ đến người thân thì đã bất tỉnh.
TS.BS Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai (Ảnh: N.Phương).
"Tình trạng hạ đường huyết nghiêm trọng có thể dẫn đến tổn thương não, hôn mê, thậm chí dẫn tới tử vong. Ngoài ra, việc bị nôn nhiều, mất nước nhiều cũng dễ dẫn đến suy thận, tụt huyết áp. Trường hợp nào bị hôn mê sâu, nằm lâu thì có thể dẫn đến tổn thương cơ, tiêu cơ vân, suy thận…", BS Nguyên cho biết.
Theo BS Nguyên đây là những trường hợp cấp cứu do uống rượu thông thường, uống nhiều một lần hay uống nhiều lần đều nguy hiểm. Một lần uống nhiều thì dẫn đến ngộ độc cấp tính.
Rượu là một chất ảnh hưởng rất nhiều đến các chức năng của cơ thể. Nó có thể ảnh hưởng đến não gây ức chế thần kinh trung ương, gây hôn mê, ảnh hưởng chức năng hô hấp gây ngừng thở, thở yếu), ảnh hưởng chức năng tim mạch, tụt huyết áp, ảnh hưởng đến đường máu chuyển hóa gây hạ đường huyết, hạ thân nhiệt... Nó cũng là một chất làm mất khả năng kiểm soát, thậm chí chỉ uống ít.
Sáng 12/1, trung tâm tiếp nhận 2 bệnh nhân ngộ độc rượu đều còn rất trẻ, trong đó có một bệnh nhân nữ 19 tuổi (Ảnh: N.Phương).
"Vì thế, chúng ta nên cố gắng hạn chế tối đa việc uống rượu. Sau khi uống thì không được điều khiển phương tiện giao thông. Người mắc bệnh lý về tim, động kinh, hô hấp, thể trạng gầy yếu… không nên uống rượu vì khi đã bị ngộ độc rượu thì thường rất nặng", BS Nguyên chia sẻ.
Nếu bắt buộc phải uống thì cố gắng uống ít nhất có thể. Cụ thể, một ngày nam giới trưởng thành không nên uống quá 50ml rượu loại 40 độ, với nữ giới chỉ là một nửa trở lại của nam giới. Với bia thì ở nam giới là khoảng 400ml loại 8 độ, nữ giới cũng chỉ tương đương một nửa trở lại.
Cũng theo BS Nguyên một điều cần đặc biệt lưu ý là uống vào phải ăn, đặc biệt thức ăn giàu năng lượng nguồn gốc từ tinh bột để tránh hạ đường huyết như cơm, cháo. Đây là điều rất quan trọng. Trong lúc uống nếu thấy bản thân có biểu hiện mất kiểm soát thì nên dừng lại như: có dấu hiệu mất thăng bằng, không đứng được, đi lại loạng choạng, nói năng khó kiểm soát… dù thực tế lúc này dừng lại cũng đã hơi muộn.
Theo dantri.com.vn