Theo bác sĩ, hơn một nửa số bệnh nhân bị viêm khớp phải đối mặt với sự đau nhức các khớp dai dẳng, mỗi khi thời tiết biến đổi giao mùa như trong dịp cuối năm, Tết đến.
Trao đổi với phóng viên Dân trí, bác sĩ Trịnh Quang Anh, Trưởng Trung tâm Hiệu chỉnh cơ xương khớp, Bệnh viện Phục hồi chức năng và Chỉnh hình TPHCM (1A) cho biết, thay đổi thời tiết gây đau nhức và mệt mỏi luôn là nỗi lo lắng thường trực với những người có vấn đề về xương khớp.
Cảnh báo tình trạng căng cơ, đau khớp khi chuyển mùa
Có hơn một nửa số bệnh nhân viêm khớp phải đối mặt với sự đau nhức các khớp dai dẳng, mỗi khi thời tiết biến đổi giao mùa, như trong dịp lễ, Tết.
Nhiều cuộc nghiên cứu đã thực hiện cho thấy, những người bị viêm khớp có thể nhạy cảm với sự thay đổi của áp suất khí quyển. Bác sĩ Quang Anh phân tích, những ngày lạnh hơn mang theo áp suất khí quyển thấp hơn, do chất khí co lại khi lạnh đi.
Việc áp suất không khí thấp hơn có thể khiến các mô mềm xung quanh khớp giãn ra để đáp ứng và tạo ra sự hạn chế trong khớp. Điều này có thể gây đau ở khớp và cơ. Các cơ cũng co lại trong thời tiết lạnh hơn, dẫn đến dễ bị mất nước, chuột rút và co thắt.
Tình trạng căng cơ, đau nhức xương khớp dễ diễn ra khi thời tiết thay đổi (Ảnh: Bác sĩ cung cấp).
Hơn nữa, khi lớp sụn bên trong khớp bị bào mòn, các dây thần kinh trong xương có thể cảm nhận được những thay đổi của áp suất. Nhiệt độ thấp cũng là một trong những yếu tố góp phần làm cho dịch khớp trở nên đặc hơn, khiến cho các khớp bị cứng và đau hơn. Nhiều người bị viêm khớp đôi khi cảm nhận được các triệu chứng xấu xảy ra trước hoặc trong những ngày lạnh.
Cũng theo bác sĩ Quang Anh, trong một cuộc khảo sát trên 200 người bị viêm xương khớp ở đầu gối, kết quả đã phát hiện ra khi nhiệt độ giảm khoảng 10 độ C, kèm theo áp suất khí quyển thấp đã làm gia tăng chứng đau khớp. Mặc dù thời tiết không phải là nguyên nhân gây ra viêm khớp, tuy nhiên chúng có thể tạm thời làm tăng cơn đau khớp.
"Thời tiết lạnh khiến cơ bắp của bạn mất nhiều nhiệt hơn và co lại, điều này gây ra sự căng cứng khắp cơ thể. Khi các khớp của bạn trở nên chặt hơn, kết hợp cơ bắp co lại làm giảm biên độ chuyển động. Đây có thể là một lý do khiến mọi người cảm thấy đau hơn.
Hệ thống thần kinh của bạn kích hoạt những thay đổi trong cơ thể khi trời mát hơn và cơ bắp của bạn co lại để co mạch máu" - bác sĩ Quang Anh nói.
Thời tiết lạnh khiến cơ bắp của bạn mất nhiều nhiệt hơn và co lại (Ảnh: Bác sĩ cung cấp).
Làm gì để phòng ngừa đau nhức xương khớp dịp Tết?
Đáng chú ý, bạn không nhất thiết phải bị viêm khớp, thoái hóa khớp hoặc các tình trạng khác để gây ra tình trạng căng cơ, đau khớp trong mùa đông. Tác động của nhiệt độ lạnh hơn khiến cơ bắp của bạn phải làm việc chăm chỉ hơn, có thể dẫn đến tổn thương nhiều hơn cho các mô cơ, làm tăng đau nhức kết hợp các tư thế mà bạn tạo ra để giữ ấm.
Chẳng hạn, các động tác bó mình trong thời tiết lạnh có thể khiến tư thế của bạn thay đổi. Tất cả gây sự mất cân bằng cơ trở nên trầm trọng hơn khi người dân có các bệnh lý đau cơ xương khớp cơ năng, như đau cổ vai gáy, thắt lưng, khớp hông, khớp gối và cổ chân.
Để phòng ngừa, giảm thiểu tình trạng đau nhức khi thời tiết thay đổi như trong dịp Tết, bác sĩ Quang Anh hướng dẫn người dân 5 cách có thể thực hiện tại nhà.
Thứ nhất là giữ ấm cơ thể. Với bệnh nhân xương khớp cần chủ động giữ ấm cho cơ thể nói chung và các khớp mắc bệnh nói riêng khi bước vào giai đoạn chuyển mùa. Bạn có thể mặc quần áo ấm, cần che kín cơ thể và hạn chế tiếp xúc với khí lạnh.
Người bệnh xương khớp cần mặc quần áo ấm, che kín cơ thể và hạn chế tiếp xúc với khí lạnh (Ảnh: Bác sĩ cung cấp).
Thứ hai, xoa bóp. Dùng dầu gừng hoặc dầu khuynh diệp, các loại rượu thuốc xoa bóp trực tiếp các vùng xương khớp bị đau nhức để làm nóng khớp và tăng cường lưu thông khí huyết.
Thứ ba, chườm nóng. Chườm ấm, chườm nóng 20 phút giúp làm giảm các cơn đau xương khớp.
Thứ tư, tắm nước ấm nóng. Bạn có thể tắm nước nóng từ 15-20 phút với nhiệt độ vừa phải, tránh tắm muộn và tắm quá lâu.
Thứ năm, giảm áp lực cho xương khớp. Điều này sẽ giúp giảm đau hiệu quả. Không vận động mạnh, không bê vác nặng.
Hoàng Lê