Chuyên gia cảnh báo, có những cách làm sai lầm khi bị chó mèo cắn, cào của người dân sẽ tạo điều kiện cho virus gây bệnh dại xâm nhập vào cơ thể nhanh chóng và nguy hiểm hơn là dẫn đến tử vong.
Người tiêm ngừa bệnh dại tăng mạnh trong và sau Tết
Mới đây tại buổi làm việc với Đoàn kiểm tra của Bộ Y tế, bác sĩ Nguyễn Thành Dũng, Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TPHCM cho biết, có đến 1.365 người dân đến bệnh viện tiêm phòng bệnh dại, hàng trăm trường hợp phải tiêm vaccine vì bị động vật tấn công trong dịp Tết Nguyên đán vừa qua.
Cụ thể, có 8 người bị chuột cắn, 55 người bị mèo cào, 496 người bị chó cắn và đả thương, 29 người bị động vật có vú khác cắn phải vào viện tiêm ngừa.
Nhận định nguyên nhân vì sao khá nhiều trường hợp đến viện vì bị chó mèo cắn, lãnh đạo Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM cho rằng, có thể do người dân đi chúc Tết nên bị thú cưng nuôi trong nhà tấn công. Ngoài ra, trong dịp Tết nhiều cơ sở tiêm chủng đã tạm ngưng hoạt động nên người dân phải tìm đến đây.
Người dân đăng ký khám bệnh, tiêm ngừa tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM (Ảnh: Hoàng Lê).
Còn tại hệ thống tiêm chủng VNVC, ngay trong tuần đầu năm mới hoạt động trở lại, nơi này ghi nhận tổng số người dân đến tiêm vaccine dại ở các trung tâm trên toàn quốc tăng hơn 300% so với tháng trước Tết.
Ở khu vực miền Đông Nam Bộ và TPHCM, trong tháng 1/2023 ghi nhận hơn 5.000 lượt tiêm vaccine dại, tăng 25% so với tháng 12/2022 và tăng gấp 4 lần so với tháng 11/2022. Khu vực miền Trung và Tây Nguyên cũng tăng gần 3 lần so với tháng trước.
Những sai lầm "chết người" khi bị chó mèo cắn, cào, liếm
Theo thống kê của Bộ Y tế, 9 tháng đầu năm 2022 cả nước ghi nhận 40 ca tử vong do bệnh dại, tăng cao đột biến ở những tỉnh vốn không phải là khu vực trọng điểm của bệnh, như Bến Tre (12 ca), Kiên Giang (5 ca), Gia Lai (4 ca).
Bộ Y tế nhận định, những nguyên nhân khiến bệnh dại có chiều hướng tăng là do nhận thức của người dân về bệnh này còn hạn chế, công tác quản lý đàn chó còn lỏng lẻo, tỷ lệ tiêm vaccine dại trên chó còn thấp...
ThS.BS Nguyễn Ngọc Anh Tuấn, Trung tâm xét nghiệm Y sinh học lâm sàng và dịch vụ khoa học kỹ thuật (Viện Pasteur TPHCM) chia sẻ, đã có nhiều người bệnh tử vong vì không đi tiêm vaccine sau khi bị động vật cắn, cào, liếm lên vùng da bị tổn thương.
Kể cả bị động vật cắn, cào, liếm lên vùng da bị tổn thương, người dân đều có khả năng bị bệnh dại (Ảnh: Hoàng Lê).
Kế đến, nhiều người thường nghĩ rằng chó, mèo đã tiêm phòng rồi thì không sao hoặc có thói quen theo dõi khi bị động vật cắn, nếu có vấn đề gì mới đến cơ sở tế tiêm phòng. Đây là các quan niệm không đúng, vì vaccine khi dự phòng trên động vật chỉ làm giảm nguy cơ bị dại, mức độ cảnh báo thấp hơn nhưng không đảm bảo hoàn toàn.
Do đó khi bị động vật đã tiêm ngừa dại cắn thì vẫn phải thực hiện các biện pháp xử lý bệnh, tiêm ngừa dại càng sớm càng tốt. Nhất là những trường hợp bị cắn ở vùng nguy hiểm như đầu, mặt, cổ...
Đặc biệt, việc tự ý điều trị bằng thuốc nam, hoặc đi lấy nọc, đắp lá cây, rắc ớt bột lên vết thương theo phương pháp dân gian cũng là những cách làm sai lầm, tạo điều kiện cho virus xâm nhập vào cơ thể nhanh chóng hơn và nguy hiểm hơn là dẫn đến tử vong.
Các chuyên gia khẳng định, hiện nay chưa có một bài thuốc đông y nào được nghiên cứu và công bố có thể chữa được bệnh dại. Cách phòng ngừa và điều trị bệnh dại duy nhất là tiêm vaccine và huyết thanh kháng dại.
Cách xử trí khi bị chó, mèo, súc vật cắn
- Rửa ngay vết thường với xà phòng và dưới vòi nước chảy liên tục trong khoảng 10-15 phút. Nếu không có xà phòng, có thể rửa ngay vết thương bằng nước sạch dưới vòi nước chảy liên tục 15 phút. Đây là phương pháp sơ cứu hiệu quả nhất để chống lại bệnh dại.
- Vết thương sau khi rửa bằng nước cần được rửa kỹ với cồn 70% hoặc cồn i-ốt (nếu có).
- Đưa ngay bệnh nhân đến cơ sở y tế để điều trị càng sớm càng tốt.
- Không nên đi lấy nọc, đắp thuốc nam, hoặc đắp lá cây, bã cà phê, ớt bột, nước ép, nhựa cây... lên vết thương.
- Không rạch hoặc làm dập nát thêm vết thương. Không nên khâu kín vết thương.
Hoàng Lê