Với người béo phì, bên cạnh kiểm soát chế độ ăn, việc tập luyện cũng rất quan trọng. Với 30 phút nhảy dây một người nặng 60kg tiêu hao 317 calo, với người nặng 70kg là 370, với người 80kg là 422 calo.
PGS.TS Võ Tường Kha, Giám đốc Bệnh viện Thể thao Việt Nam cho biết trước khi tập luyện bất kỳ môn nào, mỗi người cần kiểm tra thể lực, thăm dò tim mạch, nhất là với người lớn tuổi, có yếu tố nguy cơ tim mạch. Trước mỗi buổi tập chúng ta cũng cần đánh giá tình trạng thể lực có đảm bảo để tập, thời gian bao nhiêu, khối lượng vận động bao nhiêu, điều kiện thời tiết có cho phép.
Khi tập, mỗi người cũng cần chú ý xem điều kiện sân bãi có đảm bảo điều kiện để tập hay không; dụng cụ tập luyện có phù hợp với thể lực, tầm vóc hay không. Đồng thời, cũng chú ý dụng cụ bảo hộ- như nịt đầu gối, cổ tay, những bộ phận có nguy cơ chấn thương thì phải nịt....
Đồng thời, chuẩn bị nước uống, dinh dưỡng bổ sung trong quá trình luyện tập nếu không sẽ bị kiệt sức, thiếu năng lượng.
Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, để buổi tập an toàn và hiệu quả, nên thực hiện đủ 3 giai đoạn:
- Khởi động (5-10 phút): làm nóng cơ thể với những động tác đơn giản, cường độ thấp. Khởi động các khớp từ trên xuống dưới.
- Tập luyện: thực hiện các bài tập vận động từ 20 đến 30 phút.
- Làm nguội (5-10 phút): thư giãn, thả lỏng cơ thể với những động tác chậm rãi, đưa cơ thể về trạng thái ban đầu.
Cường độ tập luyện
Tập luyện hoạt động thể chất sức bền (aerobic) là biện pháp thiết yếu trong các chương trình giảm cân cho người béo phì. Mỗi người nên thực hiện các bài tập cường độ trung bình ít nhất 150 phút mỗi tuần, 3 đến 5 lần một tuần, bắt đầu bằng bài tập cường độ thấp và tăng dần cường độ và số lượng tập thể dục theo mức độ thể dục cá nhân.
Tập luyện đề kháng nên được áp dụng trong các chương trình giảm cân để tăng khối lượng cơ và thúc đẩy giảm mỡ cơ thể và được đề nghị thực hiện bằng các bài tập sử dụng các nhóm cơ lớn 2-4 lần một tuần.
Dùng công thức tính nhịp tim khi tập để xác định mức độ phù hợp của cường độ tập luyện:
Nhịp tim khi tập = (220 - tuổi) x (từ 50% đến 70%).
Ví dụ: một người 40 tuổi được xem là vận động phù hợp nếu khi tập luyện nhịp tim đạt mức: (220 - 40) x 0,5 = 90 lần/phút.
Người bệnh cũng có thể tự đánh giá mức độ vận động đã phù hợp chưa qua giọng nói: khi tập luyện không thấy hụt hơi, vẫn trò chuyện được nhưng không thể hát được.
Thời gian tập luyện
Có thể tập vào bất kỳ thời điểm nào trong ngày, miễn là phù hợp với nếp sinh hoạt của mình.
Mỗi ngày trung bình 30 - 40 phút. Hoặc vận động nhiều lần trong ngày, mỗi lần tối thiểu 10 phút. Nên vận động tối thiểu 5 ngày/tuần, tốt hơn nên tập đều đặn mỗi ngày.
Loại hình tập luyện
Nên lựa chọn các loại hình tập luyện có tính nhịp nhàng đều đặn, thời gian kéo dài như: đi bộ, đạp xe, bơi lội, dưỡng sinh… Tuy vậy, có thể tập bất cứ loại hình nào phù hợp với sức khỏe, tuổi tác, sở thích và điều kiện sống.
Nếu có biến chứng ở mắt, tim, thận, bàn chân, nên hỏi ý kiến bác sĩ về loại hình luyện tập thích hợp. Thông thường trong các trường hợp này loại hình luyện tập phù hợp nhất là đi bộ.
Nếu không có điều kiện tập liên tục 30 phút, có thể chia ra 2-3 lần/ngày, mỗi lần 5-10 phút, miễn sao tập đều đặn.
Luyện tập để tăng cường sức khỏe thể chất và tinh thần, ngoài công việc hàng ngày. Ví dụ một bà nội trợ đi chợ nấu ăn, quét dọn nhà cửa sẽ tiêu hao một số năng lượng, nhưng vẫn cần duy trì luyện tập thể lực mỗi ngày.
Nếu thấy các dấu hiệu như: đau tức ngực, khó thở, nhanh mệt, huyết áp tăng, huyết áp tụt, huyết áp không tăng, mạch nhanh quá mức… phải đi khám ngay.
Nam Phương/dantri.com.vn
https://dantri.com.vn/suc-khoe/mach-ban-cach-van-dong-dot-mo-hieu-qua-nhat-20230210100611646.htm