Nếu trẻ thường xuyên bị viêm nhiễm đường hô hấp, bên cạnh việc tuân thủ đơn thuốc của bác sĩ, bạn cần xem xét để loại bỏ dần các nguyên nhân tưởng chừng vô hại như bụi nhà, nấm mốc, thú cưng…
PGS.TS Phạm Thị Bích Đào, Bộ môn Tai Mũi Họng, Trường Đại học Y Hà Nội cho biết bản thân bác sĩ đã tiếp nhận, thăm khám cho nhiều trẻ đã khá "quen mặt", các bé được cha mẹ đưa đi khám thường xuyên, có khi hàng tuần. Cha mẹ hay người chăm sóc trẻ sốt ruột đến mức đã thay đổi rất nhiều bác sĩ, tuy nhiên con vẫn bị viêm mũi họng, viêm xoang hay đặc biệt là viêm tai giữa liên tục tái phát. Điều đó khiến cha mẹ thực sự lo lắng.
Nếu trẻ thường xuyên viêm nhiễm đường hô hấp, bên cạnh việc tuân thủ tuyệt đối đơn thuốc cũng như các hướng dẫn của bác sĩ trực tiếp khám và điều trị, bạn cần xem xét để loại bỏ dần các nguyên nhân tưởng chừng vô hại nhưng lại ảnh hưởng rất lớn đến tình trạng viêm nhiễm tái diễn ở đường hô hấp của trẻ.
Nếu trẻ thường xuyên bị ốm, bạn cần chú ý đến vấn đề bụi nhà, nấm mốc, nước hoa, nước xịt phòng, cây trồng trong nhà... (Ảnh minh họa: G.L).
Cụ thể:
Bụi nhà
"Bói ra ma, quét nhà ra rác", nhiều lúc cứ tưởng nhà rất sạch, nhưng hễ cứ quét là lại thấy rác. Nhà bạn luôn có rất nhiều đồ đạc, rác xuất hiện từ trong các ngóc ngách của các đồ đạc, từ ga trải giường, rèm cửa, đồ gỗ trong nhà, thậm chí các rỉ sắt của đồ dùng… Bên cạnh đó là bụi từ môi trường qua các cửa sổ, cửa thông gió…
Với những gia đình có trẻ thường xuyên mắc bệnh viêm nhiễm đường hô hấp trên, bạn hãy tăng cường lịch quét dọn nhà hàng ngày.
Nấm mốc
Theo PGS Đào, những trẻ dị ứng thì hệ hô hấp của chúng cũng rất nhạy cảm với nấm mốc. Vì thế với những trẻ thường xuyên hắt hơi, bạn nên tránh cho con tiếp xúc với nấm mốc như chơi ở nơi có rèm nếu rèm không được giặt thường xuyên, những nơi có mảng tường bị dột, thấm nước, hạn chế để thảm, tránh chơi ở các khu rừng trong mùa ẩm…
Đồng thời, cần hạn chế thay mới rèm cửa, ga trải giường, nên giặt vỏ gối 2 ngày một lần, xử lý ngay những chỗ tường dột nước…
Thú cưng
"Chúng tôi đã gặp rất nhiều trường hợp điều trị viêm mũi dị ứng không đáp ứng thuốc. Khi tìm hiểu phát hiện gia đình nuôi thú cưng: mèo, chó, chim cảnh…", PGS Đào cho biết.
Khi tách trẻ khỏi những loài vật này trẻ khỏi gần như hoàn toàn mà không cần sử dụng thuốc.
Nước hoa, nước xịt phòng hoặc nước khử mùi trong nhà vệ sinh
Đây là các chất tiếp xúc mà ít bậc cha mẹ để ý nhất, một số người phát hiện ra rằng khi mình không sử dụng nước hoa có vẻ như trẻ đỡ ốm hơn. Hoặc khi các bạn thấy nhà vệ sinh có mùi hôi, bạn sử dụng thuốc khử mùi… và lập tức, trẻ gặp bác sĩ tai mũi họng thường xuyên hơn.
Vì thế, bạn hãy lắng nghe sự thay đổi của trẻ để điều chỉnh trong trường hợp này.
Cây trồng trong nhà và hoa
Cây cối và hoa tô điểm thêm màu sắc cho bất kỳ ngôi nhà nào, nhưng chúng có thể là nguyên nhân khiến trẻ hay thậm chí bản thân bạn dễ bị viêm mũi xoang. Những loại hoa có số lượng phấn hoa cao như hoa cúc có thể đặc biệt nguy hại đối với xoang. Các loại cây trồng trong nhà như các loại cây leo, cây thân gỗ… có thể tạo ra chất gây dị ứng thông qua nhựa của chúng, chất này có thể bám vào các hạt bụi.
Thay vào đó, hãy chọn những loại cây có số lượng phấn hoa thấp để thực sự lọc không khí, chẳng hạn như cây lưỡi mèo.
Sử dụng bể bơi
Bơi là môn thể thao có lợi cho sức khỏe đặc biệt là hệ cơ và xương khớp. Tuy nhiên nếu bạn sử dụng hóa chất ở bể bơi không được kiểm soát kỹ hoặc khi nước bể bơi và môi trường có sự chênh lệch nhiệt độ lớn, hoặc ở chỗ gió lùa… đường hô hấp sẽ dễ bị tổn thương.
Nam Phương/dantri.com.vn