Thanh long rất giàu vitamin C, A, B1, B12, E và kali, magie, kẽm, photpho. Nó cũng chứa nhiều hợp chất thực vật có lợi như polyphenol, flavonoid, carotenoid, betaxanthin và betacyanins.
100g trái thanh long cung cấp 85-87g nước, 1,1g đạm, 11,2g đường, nhiều vitamin (như vitamin A, C, PP) và chất khoáng (canxi, sắt, photpho, kali, natri), cung cấp 40-60 calo.
Lương y đa khoa Bùi Đắc Sáng, Hội Đông y Hà Nội cho biết, thanh long chứa nhiều chất nhầy pectin, chất xơ hòa tan và chất xơ không tan cellulose đều có tác dụng phòng trị bệnh táo bón, béo phì, xơ vữa động mạch, viêm ruột kết...
Thanh long còn là trái cây có chứa lượng đường thấp, giàu magie, nhiều vitamin và khoáng chất, lại ít năng lượng. Vì thế, ăn thanh long thường xuyên rất tốt cho người tiểu đường, người mập phì nóng nhiệt, đang cần giảm cân.
Thanh long rất giàu lycopene, có khả năng giảm nguy cơ ung thư tuyến tiền liệt và buồng trứng (Ảnh: H.K).
Một nghiên cứu năm 2016 được công bố trên tờ Journal of Gastroenterology and Hepatology đã chỉ ra rằng, những con chuột nuôi bằng chế độ ăn nhiều chất béo được nhận chiết xuất từ quả thanh long đã tăng cân ít hơn và giảm mỡ gan, viêm và kháng insulin, nhờ sự có mặt của betacyanins trong đó.
Thanh long có thể giúp cải thiện sức khỏe tim mạch bằng cách giảm mức cholesterol xấu và bổ sung thêm cholesterol tốt. Trái cây này rất giàu chất béo không bão hòa đơn giúp trái tim được nghỉ ngơi trong tình trạng tốt nhất, lương y Sáng cho biết.
Sự hiện diện của vitamin C và flavonoid trong quả thanh long có thể tăng cường hệ thống miễn dịch và bảo vệ cơ thể trước những nhiễm trùng có hại. Vì vitamin C là một chất chống oxy hóa hòa tan trong nước, nên nó có thể giúp bảo vệ cơ thể khỏi tác hại của các gốc tự do.
Quả thanh long chứa một lượng lớn chất xơ giúp điều hòa hệ tiêu hóa và ngăn chặn các vấn đề về tiêu hóa như táo bón và trào ngược. Theo một nghiên cứu trên tạp chí Electronic Journal of Biotechnology, thanh long rất giàu các prebiotic giúp tăng cường tiêu hóa và thúc đẩy sự phát triển của vi khuẩn đường ruột khỏe mạnh. Loại quả này chứa các oligosaccharide hoạt động như prebiotics giúp cải thiện tiêu hóa và sức khỏe đường ruột.
Các nghiên cứu đã chỉ ra tác dụng chống đái tháo đường của thanh long đỏ có thể là nhờ hàm lượng chất xơ và chất chống oxy hóa của nó.
Một nghiên cứu chỉ ra rằng thanh long có thể giúp cải thiện lượng đường trong máu ở những người bị tiền đái tháo đường. Tuy nhiên, tác động của thanh long đối với đái tháo đường túyp 2 trên người còn chưa nhất quán và cần nghiên cứu thêm. Một nghiên cứu khác cho thấy quả thanh long có hiệu quả trong kiểm soát tổn thương oxy hóa và giảm độ cứng động mạch chủ ở chuột mắc đái tháo đường.
Dưới đây, lương y Sáng chỉ ra một số bài thuốc từ trái và hoa thanh long:
- Chữa táo bón kinh niên: Thanh long 200g, đu đủ chín 50g, thêm sapoche 50g, chuối 50g cắt thành miếng cho vào ly cho thêm đường cát hoặc sữa cho tủ lạnh ăn ngày 1-2 lần.
- Chữa viêm đại tràng rối loạn tiêu hóa: Thanh long 100g thái thành miếng, sữa chua 1 hũ cho vào ly trộn thêm ít đá ăn ngày vài lần.
- Chữa ho khan: Hoa thanh long tươi 4-5 cái tươi nấu canh với thịt heo hoặc sắc uống.
Theo dantri.com.vn
https://dantri.com.vn/suc-khoe/an-thanh-long-co-tac-dung-gi-20230309071343317.htm