Bảo hiểm y tế hiện là nguồn lực tài chính chủ yếu cho công tác phòng, chống HIV/AIDS tại Việt Nam khi Quỹ Bảo hiểm y tế đã chi trả điều trị cho 95% số người nhiễm HIV, tăng gấp hai lần trong vòng 5 năm qua. Tuy nhiên, để bảo đảm nguồn tài chính bền vững, ngoài bảo hiểm y tế ra thì rất cần sự đồng hành của cả cộng đồng, nhất là những tổ chức xã hội.
Bệnh nhân uống thuốc methadone tại Cơ sở Điều trị Methadone ở phường Hà Khánh, TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh. (Ảnh Nguyễn Hoa)
Trong bối cảnh các nguồn viện trợ cho phòng, chống HIV/AIDS đang bị cắt giảm, Việt Nam xác định giải pháp tài chính bền vững và lâu dài là chuyển đổi nguồn tài chính cho phòng, chống và điều trị HIV/AIDS từ viện trợ quốc tế sang chi trả qua bảo hiểm y tế.
Ngày 8/3/2019 người nhiễm HIV chính thức nhận thuốc ARV (thuốc điều trị kháng virus) từ nguồn bảo hiểm y tế trên cả nước tại 188 cơ sở điều trị ARV ở 63 tỉnh, thành phố đã đánh dấu một cột mốc quan trọng. Đến nay tỷ lệ người nhiễm HIV/AIDS có thẻ bảo hiểm y tế tăng lên nhanh chóng, đạt 95% (năm 2022).
Quỹ Bảo hiểm y tế đến nay chi trả trung bình 400 tỷ đồng/năm, nâng tỷ trọng của Quỹ Bảo hiểm y tế trong tổng chi cho HIV/AIDS tăng từ 4% lên tới 9%, chiếm tới 25% nguồn lực trong nước cho công tác phòng, chống HIV/AIDS.
Tuy nhiên, theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phan Thị Thu Hương, Cục trưởng HIV/AIDS (Bộ Y tế), bước sang giai đoạn 2023-2030, Việt Nam sẽ còn rất nhiều việc phải làm để đạt được mục tiêu đề ra. Trong khi đó, tình hình dịch vẫn có xu hướng phức tạp. Số người nhiễm HIV được báo cáo tăng cao trong ba năm trở lại đây với hơn 13.000 trường hợp. Số người nhiễm HIV tăng nhanh trong nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới, nhóm chuyển giới. Một số khu vực vẫn còn nhiều nguy cơ cao về bùng phát dịch trở lại như: Đồng bằng sông Cửu Long, miền Đông Nam Bộ...
Đáng chú ý, việc bảo đảm tài chính cho công tác phòng, chống HIV/AIDS vẫn đứng trước những nguy cơ, thách thức mới, bởi nguồn tài chính cho chương trình dự phòng đang phụ thuộc chủ yếu vào các dự án quốc tế (chiếm hơn 60%). Như đối với chương trình điều trị dự phòng HIV (PrEP) là chương trình can thiệp cho nhóm lây nhiễm HIV mới, hiện đang phụ thuộc 100% vào các dự án quốc tế, nhưng cũng mới chỉ bao phủ được khoảng 20% nhu cầu can thiệp.
Trong khi đó, tại 33 tỉnh, thành phố trọng điểm cần can thiệp, nguồn kinh phí mua sắm bơm kim tiêm, bao cao-su, thuốc methadone... và các chương trình giảm tác hại khác vẫn đang phụ thuộc vào dự án Quỹ toàn cầu.
Thêm một khó khăn khác nữa, kế hoạch bảo đảm tài chính cho các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS mới được phê duyệt cho 53 tỉnh, thành phố, như vậy vẫn còn 10 địa phương chưa được phê duyệt gây khó khăn cho việc phân bổ ngân sách tại những tỉnh, thành phố này, trong đó có những tỉnh đang là điểm nóng như Quảng Ninh, Bình Dương...
Quỹ Bảo hiểm y tế là nguồn tài chính ổn định nhất, nhưng đang có vướng mắc, khó khăn khi hành lang pháp lý cho mua sắm, cung ứng thuốc chưa hoàn thiện. Mặt khác, việc huy động nguồn lực tài chính từ khu vực tư nhân, doanh nghiệp xã hội, các tổ chức cộng đồng còn cần thời gian để xây dựng cơ chế triển khai và mở rộng.
Trong khi đó, phần lớn những người nhiễm HIV thuộc nhóm dân cư dễ tổn thương, nhiều người không có thu nhập ổn định, do đó khả năng tự chi trả dịch vụ chữa trị HIV/AIDS là rất hạn chế.
Để có nguồn tài chính nhằm ổn định công tác phòng, chống HIV/AIDS, theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phan Thị Thu Hương, thời gian tới cần tiếp tục huy động nguồn ngân sách địa phương thông qua kế hoạch bảo đảm tài chính. Bên cạnh đó, cần bảo đảm tất cả 63 tỉnh, thành phố phải được phê duyệt kế hoạch và phân bổ đủ theo kế hoạch được phê duyệt. Cần duy trì ngân sách trung ương nhằm bảo đảm cho điều trị, phòng, chống HIV/AIDS và các hoạt động thiết yếu như hệ thống hỗ trợ kỹ thuật, giám sát cho các tỉnh, thành phố...
Quỹ Bảo hiểm y tế là bước đột phá của chương trình phòng, chống HIV/AIDS, là giải pháp tài chính bền vững, bảo đảm cho người nhiễm HIV được khám, điều trị ổn định, lâu dài, cho nên quỹ cần tiếp tục hoàn thiện cơ sở pháp lý để bảo đảm cung ứng thuốc ARV liên tục và ổn định.
Một bất cập cần sớm được gỡ bỏ là nếu như chương trình điều trị HIV/AIDS đã được bảo đảm từ nguồn Quỹ Bảo hiểm y tế, thì chương trình dự phòng lại chưa có nguồn lực bảo đảm. Trong khi đó, Quỹ không thể chi trả cho dịch vụ dự phòng, cho nên cần huy động từ nhiều nguồn: ngân sách trung ương, ngân sách địa phương, khu vực tư nhân và chính người nhiễm HIV.
Việc xây dựng cơ chế tài chính cho các dịch vụ dự phòng là rất quan trọng để bảo đảm các dịch vụ này được duy trì sau khi các dự án quốc tế chấm dứt. Vì vậy, giai đoạn 2023-2030 cần tập trung vào huy động nguồn lực từ khu vực tư nhân bao gồm các doanh nghiệp xã hội và các tổ chức cộng đồng, các tập đoàn quốc gia tập trung đầu tư và cung cấp dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS.
Một trong những giải pháp trọng tâm để bảo đảm tài chính bền vững là tăng cường sự tham gia của khu vực tư nhân, thực hiện mua sắm dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS từ các tổ chức xã hội. Mua sắm dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS từ các tổ chức xã hội nhằm huy động sự tham gia của các tổ chức xã hội tới các khu vực mà y tế công khó cung cấp. Mua sắm dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS là một giải pháp tận dụng hiệu quả hoạt động của các tổ chức xã hội nhằm hoàn thành mục tiêu can thiệp, tiếp cận đến các nhóm đích.
Hiện nay, Cục Phòng, chống HIV/AIDS đang thực hiện thí điểm tại một số tỉnh, thành phố, trong đó có các tổ chức xã hội được lựa chọn (thông qua đấu thầu hoặc đặt hàng) cung cấp dịch vụ HIV/AIDS.
Mục đích của việc thí điểm nhằm kiểm tra quy trình thực hiện của các tổ chức xã hội trong đấu thầu hoặc đặt hàng trong mua sắm dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS, để đưa ra các bài học về kinh nghiệm thực hiện trong cung cấp dịch vụ, theo dõi giám sát việc thực hiện, hoàn thành chỉ tiêu, kiểm tra định mức chi tiêu trong mua sắm dịch vụ để hoàn thiện hơn khi xây dựng cơ chế pháp lý cho hoạt động này.
Theo nhandan.vn
https://nhandan.vn/bao-dam-nguon-luc-tai-chinhcho-cong-tac-phong-chong-hivaids-post742534.html