Sau khi hút thuốc lá điện tử, nam sinh viên (20 tuổi) đang học tại Hà Nội, bất ngờ bủn rủn chân tay và mất dần ý thức.
Phát hiện tình trạng bất thường, bạn cùng phòng đã đưa nam sinh này vào một bệnh viện trên địa bàn để cấp cứu. Tại đây, bệnh nhân đã ở trong trạng thái hôn mê, toan hóa máu nặng được can thiệp đặt ống, thở máy xâm nhập sau đó chuyển sang Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương.
Trực tiếp điều trị cho bệnh nhân, BS Phạm Văn Phúc - Phó trưởng khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho hay, qua thăm khám bệnh nhân được xác định bị tổn thương não, suy hô hấp, hôn mê.
BS Phạm Văn Phúc - Phó trưởng khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (Ảnh: Minh Nhật).
"Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng nguy kịch. Bệnh nhân được can thiệp hỗ trợ hô hấp, dùng thuốc an thần, chống phù não, chống co giật, hỗ trợ tuần hoàn", BS Phúc chia sẻ.
Theo chuyên gia này, bệnh nhân có thể đã bị sốc, ngộ độc với các chất có trong dung dịch thuốc lá điện tử, điển hình như nicotine.
Sau 4 ngày điều trị tích cực, bệnh nhân được cai thở máy, tình trạng sức khỏe dần ổn định. Tuy nhiên, bệnh nhân vẫn cần phải tiếp tục điều trị để hồi phục sức khỏe.
Thời gian vừa qua, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cũng như nhiều cơ sở y tế khác trên địa bàn Hà Nội cũng đã tiếp nhận nhiều bệnh nhân phải nhập viện, thậm chí có không ít trường hợp phải cấp cứu vì hút thuốc lá điện tử.
Điển hình tại Khoa Điều trị tích cực Nội khoa, Bệnh viện Nhi Trung ương trước đó đã cấp cứu cho trẻ 5 tuổi bị co giật, hôn mê do ma túy trong thuốc lá điện tử. Cụ thể, 15 phút sau khi uống 5ml dung dịch màu vàng trong lọ thủy tinh của thuốc lá điện tử, trẻ xuất hiện co giật, nôn ói, hôn mê. Xét nghiệm bệnh phẩm cho kết quả dương tính với chất ma túy tổng hợp mới.
Dung dịch dùng để hút được đưa vào đủ các loại mùi khác nhau, để kích thích giới trẻ (Ảnh: Getty).
Thuốc lá điện tử vẫn được quảng cáo là phương pháp thay thế "an toàn" hơn cho thuốc lá truyền thống. Tuy nhiên, theo ThS.BS Nguyễn Thị Phương Anh - Trưởng khoa Thăm dò và Phục hồi chức năng; Thư ký Ban chỉ đạo Phòng chống tác hại thuốc lá, Bệnh viện Phổi Trung ương, trên thế giới chưa có một nghiên cứu nào chỉ ra rằng, sử dụng thuốc lá điện tử là an toàn.
Tuy nhiên, lại có rất nhiều nghiên cứu, báo cáo, thống kê về các biến cố với người sử dụng thuốc lá điện tử, trong đó phổ biến nhất phải kể đến:
- Biến cố tổn thương phổi, gây khô miệng, ngứa họng và ho.
- Biến cố cháy nổ dụng cụ nung nóng.
Đáng chú ý, dung dịch dùng để hút được đưa vào đủ các loại mùi khác nhau, để kích thích giới trẻ như: mùi dâu, cam, xoài. Nhiều bạn trẻ sa vào thuốc lá điện tử vì "nghiện mùi" và những chất tạo mùi đó cũng có thể gây hại cho sức khỏe.
"Hiện nay, hút thuốc lá điện tử là một trào lưu của giới trẻ. Nhiều bạn xem việc hút thuốc lá điện tử như một sự sành điệu. Điều này dẫn đến một tình trạng nguy hiểm là việc hút thuốc lá điện tử trong giới trẻ không chỉ là cá nhân mà dễ lan rộng.
Khi mà việc cầm thuốc lá điện tử phì phèo trở thành một cái uy của đứa trẻ mới lớn, hay là cách để khẳng định sự nam tính với bạn gái, nó sẽ dần lan truyền trong chính lớp học. Đây là một thực trạng rất nguy hiểm", BS Phương Anh cho hay.
Một vấn đề khác là trong dung dịch thuốc lá điện tử người bán có thể cố tình cho các chất gây nghiện vào mà khó có thể phát hiện được. Đứa trẻ khi hút chế phẩm thuốc lá có các chất đó sẽ bị ảnh hưởng rất nhiều đến tâm sinh lý và sức khỏe. Nguy hiểm hơn, nếu trẻ hấp thụ quá liều các chất gây nghiện này có thể dẫn đến các phản ứng, thậm chí là sốc và ngộ độc.
Theo dantri.com.vn