Rau mầm là một thực phẩm khá phổ biến trong các bữa ăn hàng ngày của người Việt Nam. Loại rau này đặc biệt được ưa chuộng để ăn sống, trộn cùng các món salad.
Loại rau "tí hon" sở hữu giá trị sức khỏe "khổng lồ"
Rau mầm là loại rau non đang trong quá trình mọc mầm, kích thước nhỏ từ 5 - 10cm, sống không cần trồng đất. Rau mầm lấy dinh dưỡng từ hạt để nảy mầm và tạo ra hai lá mầm trước khi cần ánh sáng mặt trời và đất để phát triển.
Không chỉ ngon miệng, rau mầm còn được đánh giá rất cao về giá trị dinh dưỡng.
Không chỉ ngon miệng, rau mầm còn được đánh giá rất cao về giá trị dinh dưỡng (Ảnh: Getty).
Theo các chuyên gia Nhật Bản, rau mầm bông cải xanh rất giàu chất dinh dưỡng. Cụ thể, chúng chứa sắt, canxi, axit folic, β-caroten, vitamin B, vitamin K, vitamin C và chất xơ...
Đáng chú ý, BS Nishisaki Taihiro - Khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Tokyo, Nhật Bản cho biết, rau mầm bông cải xanh còn có một thành phần quý có thể loại bỏ các gốc tự do gây ung thư, thành phần này có tên là sulforaphane.
Sulforaphane giúp tăng cường chức năng gan và hỗ trợ gan trong thực hiện nhiệm vụ thanh lọc độc tố ra khỏi cơ thể.
Nghiên cứu đến từ Đại học Kanazawa (Nhật Bản) đã phát hiện những giá trị sức khỏe của sulforaphane trong ngăn ngừa béo phì, giảm viêm và cải thiện hệ vi khuẩn đường ruột. Sulforaphane còn có thể làm thay đổi tình trạng viêm gan và mô mỡ theo hướng tích cực.
Sulforaphane có thể thúc đẩy sản xuất các enzym giúp làm giảm gốc tự do và chất có hại. Ngoài ngăn ngừa ung thư, hoạt chất này còn có tác dụng chống oxy hóa và tiêu diệt vi khuẩn Helicobacter pylori (H.P).
Mặc dù, ăn bông cải xanh cũng có thể hấp thụ sulforaphane. Tuy nhiên, điều đáng nói là sulforaphane của rau mầm bông cải xanh cao gấp 4 đến 5 lần so với phiên bản trưởng thành. Thậm chí, nếu cây con mới nảy mầm khoảng 3 ngày thì sulforaphane cao gấp 20 lần.
Cùng với đó, rau mầm cải xanh cũng chứa rất nhiều sulforaphane. Ngoài ra, mầm cải xanh cũng là nguồn giàu dinh dưỡng gốc lưu huỳnh như isothiocyanate và sulforaphane, có khả năng chống oxy hóa mạnh. Những chất dinh dưỡng này có thể làm tăng khả năng giải độc của men gan và thúc đẩy tốc độ giải độc của gan, đồng thời ngăn chặn ADN của tế bào bị tổn thương từ đó phòng ngừa sự phát triển của tế bào ung thư.
Ngoài ra, mầm cải xanh còn có nhiều lợi ích khác cho sức khỏe như giải độc máu, hỗ trợ tiêu hóa, giảm táo bón, bảo vệ thị lực và giải quyết nhiều vấn đề tim mạch.
Lưu ý để lựa chọn và sử dụng rau mầm tốt nhất cho sức khỏe
Nên ăn rau mầm kết hợp với các loại rau xanh, hoa quả và thực phẩm giàu chất xơ để đảm bảo cung cấp đủ dinh dưỡng cho cơ thể (Ảnh: Getty).
Để lựa chọn và sử dụng rau mầm tốt nhất cho sức khỏe, bạn có thể tham khảo những gợi ý sau:
- Chọn loại rau mầm tươi mới, không có dấu hiệu héo, thối hoặc bị mốc.
- Sử dụng rau mầm trong vòng 2-3 ngày sau khi mua để đảm bảo chất lượng và giá trị dinh dưỡng tốt nhất.
- Trước khi sử dụng, nên rửa sạch rau mầm bằng nước để loại bỏ bụi bẩn và vi khuẩn có thể gây hại.
- Nên ăn rau mầm kết hợp với các loại rau xanh, hoa quả và thực phẩm giàu chất xơ để đảm bảo cung cấp đủ dinh dưỡng cho cơ thể.
- Bạn nên hạn chế sử dụng rau mầm nếu có tiền sử dị ứng với một số loại rau cải hoặc đang dùng thuốc chống đông máu do rau cải có thể làm giảm tác dụng của thuốc này
Minh Nhật