Bạn đã biết sử dụng nước đun sôi để nguội đúng cách?

Thứ 7, 01.04.2023 | 09:40:25
552 lượt xem

Nhiều gia đình có thói quen đun nước sôi để nguội đổ vào bình lọc và lưu trữ từ ngày này qua ngày khác. Đây có thực sự là thói quen tốt, nước đun sôi để nguội để lâu có bị ôi thiu?

Nước là một trong những thành phần cơ bản và cần thiết cho cơ thể con người. Nước chiếm 60 - 70% trọng lượng cơ thể. Ở bào thai, trẻ em tỷ lệ này còn cao hơn nữa. Con người có thể nhịn ăn một vài ngày, thậm chí một vài tuần nhưng không thể thiếu nước.

Các loại nước nên dùng tốt nhất là nước sạch (đã được lọc và tiệt khuẩn) hoặc nước đun sôi để nguội. Ngoài ra, chúng ta cũng nên uống các loại nước trái cây, sữa không bổ sung thêm đường, nước rau luộc và nước canh. Hạn chế uống các loại nước có gas, nước ngọt, các loại đồ uống có nhiều đường.

Bạn đã biết sử dụng nước đun sôi để nguội đúng cách? - 1

Nước đun sôi để nguội không nên để quá lâu. (Ảnh minh họa: Uno casa).

Nhiều gia đình thường đun nước sôi để nguội đổ vào bình lọc và lưu trữ từ ngày này qua ngày khác. Tuy nhiên, đây không phải là thói quen tốt vì nước có thể bị nhiễm khuẩn không còn sạch hay nước đã bị ôi thiu.

Nước đun sôi 100 độ C đã diệt được vi khuẩn, nhưng để nguội trên 2 giờ đồng hồ vi khuẩn sẽ xuất hiện trở lại. Sau 24 giờ, lượng vi khuẩn đã tăng lên rất nhiều.

PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, nguyên Giảng viên Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm, Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội cho biết, nước tự nhiên thường nhiễm vi sinh vật, côn trùng chủ yếu là giun sán, ký sinh trùng. Người ta dùng biện pháp đun sôi để tiêu diệt những thành phần này, nhằm đảm bảo an toàn về mặt sinh học. Việc đun sôi không có khả năng đảm bảo an toàn về mặt hóa học.

"Nếu nước bị ô nhiễm các chất thì đun sôi không có tác dụng. Vì thế, từ xưa đến nay, nếu nước không bị ô nhiễm thì chỉ cần đun sôi để nguội chúng ta có thể uống bình thường, vì nước đã được tiệt trùng", PTS Thịnh nói.

Tuy nhiên, chúng ta cần lưu ý nước đun sôi để nguội mà để lâu quá sẽ có nguy cơ không tốt cho sức khỏe. Cụ thể, nếu nước sạch, không có lẫn tạp chất hữu cơ như rêu, rác, tảo, chất phân giải từ động vật… thì rất tốt, sẽ không bị hư hỏng. Nhưng nước đun sôi lẫn nhiều tạp chất hữu cơ như nhiều vi sinh vật, côn trùng… thì khác.

"Việc đun sôi sẽ chết những vi sinh vật đó, vì thế việc chúng ta uống nước này vào sẽ không có vấn đề gì. Tuy nhiên, những vi sinh vật trong nước đó bị phân giải tạo ra những hợp chất hữu cơ trong nước. Khi vi khuẩn trong môi trường "nhảy" vào trong nước, có thức ăn (những hợp chất hữu cơ trong nước) chúng sẽ sinh sôi phát triển", PGS Thịnh cho biết.

Điều đó có nghĩa nước bị thiu. Xác vi sinh vật, côn trùng thành mồi cho vi khuẩn làm nước thiu. Do vi sinh vật có ở khắp mọi nơi, trong không khí, nước, đất, các đồ vật trong nhà, trên áo quần và thậm chí cả trên da người. Vì vậy, chúng có thể xâm nhập vào nước sôi để nguội. 

Theo Viện Dinh dưỡng Quốc gia (Bộ Y tế), người dân không nên dùng nước đun sôi để nguội để tráng bát, đĩa hoặc dụng cụ vì chúng không có tác dụng diệt khuẩn. Nước đun sôi để nguội tốt nhất là dùng trong ngày và không nên sử dụng khi nước đã quá 72 giờ.

Cơ thể hàng ngày cần khoảng 2 - 2,5 lít nước từ thực phẩm và đồ uống để bù lại lượng nước mất qua các con đường khác nhau. Tỷ lệ hai phần ba lượng nước do đồ uống cung cấp, phần còn lại do thực phẩm khác cung cấp. Mọi người cần lưu ý, không đợi khát mới uống nước. Lưu ý phải cung cấp nước từ từ, không phải uống một lúc một cốc 150-200ml mà uống ngụm nhỏ 20-30ml.


Nam Phương/dantri.com.vn

https://dantri.com.vn/suc-khoe/ban-da-biet-su-dung-nuoc-dun-soi-de-nguoi-dung-cach-20230401072229330.htm

  • Từ khóa